06/08/2010 05:30 GMT+7

65 năm sau Hiroshima và Nagasaki

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - ...Thái Bình Dương, hơn bao giờ hết, đang đứng trước không phải một mà nhiều nguy cơ xung đột, thậm chí cả nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân! Chỉ cần một vài diễn giải sai tình hình hay ý muốn phe bên kia, một cú bốc đồng của những cái đầu nóng, một sự trượt dài của những tham vọng không bờ bến... thì một thảm họa như thảm họa 65 năm trước có thể ập đến.

hbwa4Mkp.jpgPhóng to
Lễ tưởng niệm các nạn nhân của bom nguyên tử ở Hiroshima - Ảnh: Tân Hoa Xã

Tất nhiên, cũng có vài biểu thị chia sẻ nỗi hối tiếc về chuyện năm xưa... Chẳng hạn như việc Chính phủ Mỹ lần đầu tiên cử một phái đoàn do đại sứ Mỹ tại Nhật Bản John Roos đến dự lễ tưởng niệm các nạn nhân của bom nguyên tử ở Hiroshima. Những ai ngờ vực nhất hẳn có thể cho rằng đây là một màn PR để vận động cho sự lưu cư của quân Mỹ ở Okinawa vào lúc tình hình trên biển Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên căng thẳng hơn bao giờ hết vì những tham vọng trên Thái Bình Dương kể từ tháng 3 vừa qua.

Tình hình Thái Bình Dương căng thẳng hiện nay không khỏi nhắc mọi người nhớ lại rằng chính sự xung đột giữa những tham vọng và lợi ích khác nhau tại châu Á - Thái Bình Dương đã dẫn đến cuộc chiến Thái Bình Dương và kết thúc kinh hoàng ở Hiroshima và Nagasaki.

Cách đây 90 năm, khi Nhật Bản mở đầu cuộc cách mạng hải quân với tàu sân bay đầu tiên là chiếc Hosho, đó cũng là lúc mà những cái đầu nóng và kiêu ngạo mơ tưởng đến một ngày cả đại dương bao la nằm trong tay mình và... cả đất liền bao quanh đại dương. Vươn ra đại dương rồi chinh phục thế giới là một “bài ca không bao giờ quên” của những đế chế từ xưa đến nay. Quan niệm làm chủ tàu sân bay để “dằn vốn” cho một tham vọng đại dương vẫn còn đó, y hệt như 90 năm trước.

Đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates năm ngoái đã gây sốc cho hải quân Mỹ khi chê các tàu khu trục, tuần dương... là vô tích sự trước các tên lửa đối hạm (tỉ như của Trung Quốc), và nhấn mạnh chỉ đầu tư cho tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân.

Hải quân Pháp khi cho về hưu cặp tàu sân bay Clémenceau và Foch cũng phải có sẵn tàu sân bay hạt nhân Charles de Gaulle và chiếc thứ nhì mang tên Richelieu. Ấn Độ năm nay sẽ cho hạ thủy chiếc Vikrant đầu tiên. Trung Quốc cũng đang sốt ruột với chiếc Varyag mua lại của hải quân Ukraine đang còn nằm trên ụ chờ cải biến, nâng cấp xong.

Tất nhiên, tàu sân bay không bơi một mình trên biển mà kèm theo cả một hải đội cùng các máy bay đủ khả năng tổ chức tấn công tầm xa. Khả năng tấn công này đã được phô diễn lần đầu tiên vào tháng 9-1914 với chiếc Wakamiya trong cuộc bao vây quân Đức tại Thanh Đảo (Trung Quốc). 23 năm sau, hai tàu sân bay Nhật Hosho và Ryujo tham gia khởi động cuộc chiến tranh Trung - Nhật lần thứ nhì từ ngoài khơi Thượng Hải.

Tháng 12-1941, hải quân Nhật đã có thể đánh phủ đầu hải quân Mỹ trong trận Trân Châu Cảng cũng nhờ tàu sân bay. Sáu tháng sau đó, hải quân Mỹ đã quật ngược lại hải quân Nhật cũng bằng tàu sân bay trong trận hải chiến Midway. Cách đây 28 năm, hai tàu sân bay Hermes và Invincible đã chắp cánh cho hải quân Anh thắng trận Falklands - Malvinas.

Đầu thế kỷ trước, hải quân Nhật đã khởi động một giấc mơ đại dương mới cho các hải quân khác với các tàu sân bay. Nay giấc mơ ấy vẫn còn tiếp tục. Bi kịch lịch sử của thế kỷ trước dường như đang được lặp lại, với tàu ngầm hạt nhân, tàu sân bay và bom nguyên tử trong tay những đầu óc tham vọng mới.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên