Những căn nhà tạm bợ ven kênh Đôi (Q.8, TP.HCM) sẽ được giải tỏa, di dời để thực hiện dự án môi trường nước giai đoạn 3 - Ảnh: Quang Định |
Theo ông Lương Minh Phúc - trưởng Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM (chủ đầu tư dự án), dự án đang ở bước tiền khả thi.
Vừa qua, lãnh đạo UBND TP và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đi thực tế để khảo sát lưu vực dự tính sẽ làm dự án nhằm thuyết phục phía Nhật Bản tiếp tục tài trợ vốn để TP làm dự án này.
Thời gian qua, lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ đã được Chính phủ Nhật Bản tài trợ vốn ODA thông qua JICA để cải thiện môi trường nước giai đoạn 1 và 2.
Để xử lý triệt để các vấn đề thoát nước, ô nhiễm kênh rạch, chỉnh trang đô thị trong toàn lưu vực, cần sớm thực hiện giai đoạn 3 của dự án.
* Dự án sẽ ảnh hưởng đến những khu vực nào, thưa ông?
- Ông Lương Minh Phúc: Ước tính ban đầu, lưu vực ảnh hưởng của dự án là 1.600ha thuộc địa bàn các quận 4, 7, 8 và huyện Bình Chánh.
Quá trình thực hiện dự án dự kiến sẽ di dời 6.200 hộ dân sống trên và ven kênh rạch cùng 29 cơ quan, đơn vị (trên thực tế đã di dời 400 hộ dân ở Q.7).
Trong đó, Q.8 có nhiều hộ dân phải di dời là 5.400 hộ (4.400 hộ ở bờ nam kênh Đôi dọc đường Phạm Thế Hiển, 1.000 hộ dọc bờ bắc thuộc P.14, P.15), Q.4 có 400 hộ. Dự kiến chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 4.500 tỉ đồng.
Hiện ban quản lý bắt đầu nghiên cứu xây dựng phương án bồi thường tái định cư.
* Việc di dời hàng ngàn hộ dân sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, việc làm... của người dân. Ban quản lý dự án dự liệu về vấn đề này ra sao?
- Để giải quyết bài toán di dời giải tỏa hơn 6.000 hộ dân phải chi trên 4.500 tỉ đồng. Có những đoạn dự án chạy dọc đường Phạm Thế Hiển không chỉ một lớp nhà ngoài kênh mà có đến ba, bốn lớp nhà chằng chịt kéo từ bờ kênh ra đến mặt tiền đường, nhiều nhà kiên cố chứ không chỉ là nhà tạm bợ, lụp xụp ven kênh.
Tiến độ giải tỏa, phương án thực hiện cũng là vấn đề cần bàn bạc nhiều. Nếu như Nhà nước giải tỏa một lần khu vực bờ nam kênh Đôi đến đường Phạm Thế Hiển thì sẽ có nguyên một mảng xanh dọc kênh để xây nhà cao tầng tái định cư cho dân.
Từ thực tế đó, chúng tôi đang bàn với Sở Xây dựng TP và chủ tịch UBND Q.8 về phương cách thực hiện.
Có thể lồng ghép mục tiêu này cùng với chương trình giải tỏa nhà ở ven và trên kênh rạch, chỉnh trang đô thị của TP để được tập trung đầu tư, tạo bước chuyển biến đột phá.
Nếu vậy thì công tác bồi thường sẽ được giao về cho ban bồi thường giải phóng mặt bằng các quận huyện, áp dụng quy định mới về cơ quan tạo quỹ đất, tận dụng quỹ phát triển đất theo Luật đất đai để giải phóng mặt bằng.
Hoặc nghiên cứu để đưa ra một cơ chế bồi thường giải phóng mặt bằng mới trên cơ sở trao đổi ý tưởng với Sở Xây dựng TP và UBND các quận huyện bằng cách tiến hành song song kế hoạch kêu gọi đầu tư chỉnh trang đô thị và kết hợp với thực hiện dự án.
Hoặc cùng các sở chức năng nghiên cứu cơ chế mới để vừa thu hồi, tạo quỹ đất, làm tăng giá trị quỹ đất lên, sau đó xã hội hóa, mời gọi nhà đầu tư vào.
* Làm sao để đời sống của người dân tốt hơn sau khi bị di dời đúng với tiêu chí của dự án là cải thiện đời sống của người dân trong lưu vực ảnh hưởng?
- Rút kinh nghiệm từ những dự án trước đây, người dân bị di dời không muốn tái định cư quá xa, muốn ở gần nơi ở cũ để đời sống, sinh hoạt, học tập ít bị biến động, UBND Q.8 muốn xung phong làm điển hình dự án này để đưa ra một mô hình mới, cách làm mới cho vấn đề giải tỏa di dời nhà ven kênh rạch.
Mục tiêu lớn nhất vẫn là lợi ích của người dân, người dân thấy hài lòng, có cuộc sống mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ...
* Sau khi khảo sát, đại diện JICA có hứa hẹn gì cho dự án này không, thưa ông?
- Qua chuyến thực tế vừa rồi, chứng kiến thực tế trong khu vực này có khoảng 1.000 hộ dân không có nhà vệ sinh mà đi tiêu thẳng xuống kênh, phía Nhật cho biết rất đồng cảm với TP về ý nghĩa cũng như nhu cầu của dự án này.
Còn vốn tài trợ thì họ sẽ ghi nhớ và nghiên cứu chuẩn bị tiếp theo. Phía Nhật cũng lưu ý với TP là số lượng dân phải di dời lớn quá, đề nghị TP có chuẩn bị chi tiết hơn.
Mục tiêu của dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 3 là nạo vét, cải tạo tuyến kênh Đôi, kênh Tẻ, giải quyết nhu cầu thoát nước, chống ngập, hoàn chỉnh các tuyến đường ven kênh Đôi - kênh Tẻ, kè bờ, cải tạo toàn tuyến dài 13,5km... |
Hơn 96 tỉ đồng cải tạo rạch Ụ Cây Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình Q.8 cho biết UBND TP đã quyết định đầu tư hơn 96 tỉ đồng để cải tạo môi trường và cảnh quan dọc rạch Ụ Cây, Q.8. Đoạn rạch dài 1,2km từ cầu Nguyễn Tri Phương đến cầu Hiệp Ân sẽ được nạo vét, xây bờ kè, làm đường giao thông và trồng cây xanh hai bên để giảm ô nhiễm. Dự kiến rạch Ụ Cây sau khi nạo vét, làm bờ kè có mặt nước rộng 21m, đáy 8m, độ sâu trung bình 4,2m. Hai đường bêtông dọc hai bên rạch rộng 3m, phần đất còn lại sẽ được trồng cây xanh, công viên. Dự kiến khởi công dự án vào tháng 9-2016 và hoàn thành cuối năm 2017. Hơn 2.600 hộ dân sống trên và ven rạch Ụ Cây đã được UBND Q.8 di dời từ năm 2010. Từ đó đến nay, khu đất ven rạch này chưa được triển khai dự án. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận