21/02/2018 16:46 GMT+7

600 bài viết 'Tết của tôi': Những hoài niệm ngọt ngào

TUỔI TRẺ ONLINE
TUỔI TRẺ ONLINE

TTO - Chỉ hơn hai tuần phát động, tính đến ngày 20-2 (mùng 5 tháng giêng) đã có hơn 600 bài viết gửi đến Tuổi Trẻ Online tham dự mục Tết của tôi. Và đây là một trong những chuyên mục thu hút được sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc.

600 bài viết Tết của tôi: Những hoài niệm ngọt ngào - Ảnh 1.

Nhành mai giả từ quê nhà Việt Nam gửi đến Pháp - Ảnh: LÊ LAN

Dưới đây là 3 bài viết trong hơn 600 bài tham gia Tết của tôi

Nhành mai thương nhớ!

Tía mẹ kính mến của chúng con!

Chỉ còn ít giờ nữa là giao thừa, thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới sắp đến. Miền nam nước Pháp hôm nay trời nắng đẹp, ấm áp hơn mọi hôm. 

Hai đứa cháu ngoại của tía mẹ chạy chơi ngoài sân với nhành mai vàng bằng nhựa tía mẹ gửi sang tháng trước cho con, áo dài hồng, vàng như xua tan cái lạnh của nước Pháp. Thỉnh thoảng chúng chạy vào kêu "mẹ ơi, tết tết tết đến rồi...!". Làm con càng nhớ tết hơn bao giờ hết.

Lại một năm nữa con lại ăn tết cùng tía mẹ qua màn hình máy vi tính. Cả 5 cây mai ở nhà nở đẹp ơi là đẹp. Tía chụp hình gửi con coi chứ cả mười lần hoa mai nở rồi con chưa được về ngắm hoa thật trên cây.

Nhớ hồi đó, hồi nhà mình nền còn nền đất, vách lá. Tết năm nào con cũng ngồi khuấy hồ để dán giấy hoa lên vách cho đẹp. Hồi đó nhà mình chưa có cây mai nào. Con thích hoa lắm, năm nào gần tết con cũng xin mẹ trồng hoa nào là vạn thọ, hoa cúc, hoa mười giờ. 

Và con luôn ao ước có một cây mai vàng để con được mặc áo dài và đứng dưới nhành mai để chụp hình như trên nhà ngoại.

Năm đó tía xin được một cây mai con nhỏ xíu, tía nói trồng bây giờ để tết ra bông. Con cứ ra vào chờ hoài chờ tết mà cây mai cứ nhỏ xíu. Rồi tết cũng đến, cây mai của tía không ra mai vàng mà ra màu đỏ, loại hoa mai cánh hoa dày cứng chứ không mỏng. Con buồn ơi là buồn.

Năm nay trước tết một tháng tía mẹ đi chợ mua nhành mai giả gửi qua cho con đỡ nhớ nhà. Chậu hoa mai giả rất đẹp, đẹp vì có cả tình thương yêu của tía mẹ gửi trọn vào cho con và có cả ánh mắt mong chờ ngày con về nhà dịp tết.

Năm nay con lại thất hứa không về thêm một lần nữa...

LÊ LAN (từ Pháp)

600 bài viết Tết của tôi: Những hoài niệm ngọt ngào - Ảnh 2.

Lễ cúng ruộng vào sáng Mùng 1 tết - Ảnh: LÊ QUANG THỌ

Cúng ruộng sáng mùng 1 tết

Nhớ hồi còn nhỏ tôi thường theo các cụ ra đồng cúng ruộng. Từ việc chuẩn bị đến lúc đi, về đều rất vui. Các bô lão trong làng nghiêm trang trong bộ áo thâm, khăn đóng trịnh trọng bưng mâm lễ ra đồng. Cúng ruộng không cần chuẩn bị cầu kỳ. Mâm cúng gồm con gà trống luộc, mấy chén cháo lạt, đĩa trái cây và lọ hoa, đĩa trầu. Quan trọng là lòng thành - các cụ bảo vậy.

Ngày ấy bọn trẻ chúng tôi được theo ra đồng nhưng chơi ở khoảng cỏ xa nơi cúng ruộng. Sáng sớm của ngày đầu năm mà được chơi đùa trên thảm cỏ xanh non, nghe sương mai trong gió xuân se lạnh, nghe mượt mà cỏ non mát rượi bàn chân, nghe hương xuân thoang thoảng khói nhang trầm giữa lồng lộng đồng xanh. Trong lành, sảng khoái vô cùng.

Lúc lên hương đèn mâm cúng là trang nghiêm nhất. Bọn trẻ chúng tôi cũng ngưng trò vui đang dở dang. Dù chưa biết gì nhưng nhìn các cụ nghiêm trang tôi cũng cảm nhận đó là giờ khắc thiêng liêng để bày tỏ lòng thành kính, biết ơn thiên thần thổ địa của người nông dân quê mình. 

Chiếc bàn nhỏ đặt gần bờ thửa ruộng đẹp đã chọn trước, một cụ đứng khấn vái, hai người đứng hai bên rót đủ ba tuần rượu vào ly. Thời gian như dừng lại, chỉ có sương mai cùng gió xuân rì rào trong nắng mai và khói nhang đưa lời rì rầm khấn nguyện lên cao.

Lễ cúng ruộng kết thúc, ly rượu, chung trà được tưới xuống ruộng. Bọn trẻ chúng tôi được gọi đến chia cho mỗi đứa ít trái cây, lát thịt gà. Phải ăn hết tại ruộng, không được mang về. Đó cũng là quy ước mang tính tập tục từ xưa.

Cuộc sống dần thay đổi theo hướng phát triển của khoa học kỹ thuật. Đời sống con người quê tôi cũng cá thể hóa dần. Việc cúng ruộng sáng mùng 1 tết không còn như xưa mà nhà nào nhớ thì cúng ngay tại ruộng của mình. Đến nay người thực hiện lễ cúng ruộng đã ít lắm rồi. 

Còn chăng vài cụ già vẫn giữ nét đẹp cổ xưa. Hình dung hình ảnh một vài người già bưng mâm lễ ra đồng như những người giữ hồn cho quê hương, cho nét đẹp văn hóa làng quê đang dần trở thành cổ xưa chợt thấy nao lòng.

Sáng mùng 1 tết năm nay có còn ai đi cúng ruộng nữa không?!

LÊ QUANG THỌ (THCS Nguyễn Trãi, Ea Na, Krông Ana, Đắk Lắk)

600 bài viết Tết của tôi: Những hoài niệm ngọt ngào - Ảnh 3.

Gói bánh ngày tết - niềm vui của cộng đồng - Ảnh: TRẦN AN PHƯỚC

Kho lá chuối gói bánh dành cho bộ đội Việt Nam

Tết Canh Thân 1980 - sau đúng một năm giúp bạn giải phóng thoát khỏi chế độ diệt chủng, đơn vị tôi vẫn miệt mài làm nhiệm vụ sửa chữa cầu đường ở các tỉnh phía bắc Campuchia, riêng tiểu đoàn bộ tạm đóng quân tại chùa Champa thuộc tỉnh Kandal được tổ chức đón tết cùng với bà con Việt kiều và nhân dân địa phương.

Sáng sớm 29 tết, có 2 người dân đem cho đơn vị tôi 2 bó lá chuối, người phiên dịch nói rằng vì biết phong tục Việt Nam tới tết là gói bánh chưng, bánh tét nên người dân tặng lá chuối để bộ đội gói bánh. Tôi nhận và cảm ơn, sau đó báo cáo tiểu đoàn trưởng vì đơn vị không có gạo nếp, đậu xanh.

Chúng tôi nhận được lệnh là cứ nhận lá chuối, cảm ơn và mời người dân tối 30 dự ăn tết tại sân chùa. Tiểu đoàn trưởng còn nhắc phong tục của người dân Campuchia đã biếu là phải nhận, nếu từ chối dân sẽ buồn. 

Nhận 2 bó lá chuối để vào kho được khoảng một giờ thì không ngờ người dân ùa nhau đem lá chuối tới, chúng tôi phải cử tất cả anh em thủ kho, y tá, văn thư... ra nhận lá và mời người dân dự tiệc. Lá chuối phút chốc chất đầy kho của chùa.

Tối 30 tết, người dân đến đầy sân chùa để ăn tết cùng bộ đội Việt Nam, bánh kẹo, trái cây, rượu được bày ra tiếp khách, người dân thắc mắc sao bộ đội ăn tết mà không thấy bánh chưng, bánh tét. Thông qua phiên dịch, tiểu đoàn trưởng thông báo với bà con do gạo chuyển sang không kịp nên đơn vị không gói bánh, cảm ơn bà con đã ủng hộ và tới chung vui cùng bộ đội. 

Sau lời chúc năm mới buổi tiệc quân dân bắt đầu, chỉ vài món đơn sơ nhưng bữa tiệc đêm 30 năm đó cực kỳ ấn tượng. Bộ đội và người dân cùng nhau uống rượu, nhảy múa, ca hát thâu đêm. Do uống rượu kém nên giao thừa tôi phải trốn đi ngủ. 

Sáng mùng 1 thức dậy khá trễ, sân chùa đã được dọn dẹp sạch sẽ, anh em cũng đã chia nhau vào nhà dân Việt kiều để chúc tết. Bất chợt tôi nghĩ đến kho lá chuối và đi xuống xem, nhìn đống lá cao gần nóc nhà tôi mỉm cười một mình. Lòng tràn dâng niềm xúc động vì tôi là thủ kho mà.

NGUYỄN THANH HỒNG (Hội CTĐ huyện Tân Hưng, tỉnh Long An)

Hơn 600 bài viết tham gia Tết của tôi

Các tác giả đủ lứa tuổi khắp các vùng quê đất nước, từ cụ ông 83 tuổi đến người trẻ tuổi, từ người ở trời Tây thương nhớ quê nhà hay người nhập cư không thể trở về bên mâm cơm gia đình... mỗi người đều có một hoặc nhiều câu chuyện về tết. Có tác giả gửi bài nhiều lần, nhiều bài.

Trong đó không chỉ là câu chuyện hồi tưởng về quá khứ như "Tôi vẫn nhớ tết tuổi thơ" (Hồng Như) mà còn là những suy ngẫm về tình đất, tình người, như "Một lần "bị" ăn tết ở Sài Gòn, tôi đã thấy gì?" (Chung Thanh Huy) đã nhận 48 ý kiến bình luận của bạn đọc.

Các bài viết còn thể hiện khát vọng của tuổi trẻ về lập thân lập nghiệp, về Việt Nam trong tương lai như "Thư gửi ba mẹ của một du học sinh nhớ tết Sài Gòn" (Lê Thị Hồng Vân, Pháp)...

Như bạn đọc Diễm Hà tâm sự: "Tết của tôi là món quà xuân để mọi người chia sẻ, tìm đến sự đồng cảm. Cảm ơn quý báo đã đăng bài. Ba tôi vui lắm".

Gửi đến bài thơ của ba mình, Diễm Hà viết kèm: "Đây là bài thơ của ba tôi viết tặng mẹ tôi. Mẹ tôi ra đi vào tết cách đây 4 năm. Nên tết trong ba tôi là những ngày nhớ. Tôi mong bài thơ được đăng như là món quà xuân với ba tôi tết này"...

Một lần nữa xin cảm ơn sự quan tâm, tin tưởng của bạn đọc. Hi vọng tiếp tục nhận được nhiều đóng góp, chia sẻ trong các chuyên mục tiếp theo để Tuổi Trẻ Online ngày càng đa dạng, phong phú hơn.

TUỔI TRẺ ONLINE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên