Đoạn đường này là cua chữ A, nằm trong trọng điểm A.T.P. (cua chữ A, ngầm Ta lê, Phu La Nhích), phía tây Quảng Bình, giáp Quảng Trị, cửa khẩu trọng yếu nhất trên đường Hồ Chí Minh. Ảnh: Văn Sắc (chụp lại từ cuốn sách “Đường mòn Hồ Chí Minh - Con đường huyền thoại” của tác giả Trọng Thanh).
Nhắc đến đường những năm chiến tranh là nhắc đến những huyền thoại: con đường xuyên rừng vượt núi, qua những đỉnh cao vực sâu, suối trơn thác đổ; hàng triệu bộ đội, thanh niên xung phong chân dép lốp, tay cuốc xẻng mà làm nên được đường cho xe tải băng qua; những chiếc xe không kính không gương đi dưới mưa bom bão đạn, làm xiếc trên dây cáp mà qua sông; lại thêm hàng ngàn kilômet đường ống xăng dầu, hàng trăm binh trạm đón quân, tiếp lương, quân y, dân y...
Những huyền thoại ấy đã sinh ra từ đôi chân, bàn tay, giọt mồ hôi, những tính toán cân não của con người. Những người đầu tiên dò dẫm vào rừng thẳm xoi đường, bám trên rễ cây, trèo lên tảng đá lại là người thật bình thường, như ông Nguyễn Văn Thắng mà chúng tôi gặp hôm nay.
Mỗi lần đến nghĩa trang Trường Sơn, đứng giữa bạt ngàn những ngôi mộ của những người lính tuổi 20, tôi tự nghĩ: “Tất cả những người nằm đây đều ưu tú hơn mình”. Những tinh hoa của thế hệ chúng tôi đã phải nằm xuống cho chúng tôi, chúng ta được sống hòa bình...
Ông Võ Kim Cương
Tôi là trinh sát xoi đường
92 tuổi, tai đã nghễnh ngãng nhưng tay chân chắc khỏe, điệu bộ nhanh nhẹn, gương mặt ông Thắng sáng lên khi nghe nhắc Trường Sơn. Ông lục tìm ngay ra một mảnh giấy pơ-luya mỏng giòn, ố vàng, mờ nhòa: "Trường Sơn với tôi đã bắt đầu từ đây...".
Đây là tờ công văn số 145/HC1 của Ủy ban hành chính huyện Hạc Trì, tỉnh Phú Thọ ngày 25-2-1959 gửi đến các xã Trưng Vương, Lâu Thượng, Chính Nghĩa với nội dung: "Yêu cầu ủy ban hành chính xã báo cho các đồng chí bộ đội đang công tác ở quý xã về ngay ủy ban hành chính huyện để trở về đơn vị...". Phía góc trái còn dòng chữ viết tay: "Kính gửi đồng chí Nguyễn Văn Thắng!".
Vốn là bộ đội từ Quảng Nam tập kết ra Bắc, chưa vướng bận gia đình, có lệnh là ông Thắng hăm hở lên đường. Niềm hi vọng ấp ủ khi được tập trung học nghị quyết 15, và rồi niềm vui bùng nổ khi ông biết mình được chọn vào "đoàn công tác quân sự đặc biệt" mở đường chi viện cho miền Nam.
Ông tự hào nhắc lại: "Tháng 5-1959, tôi chính thức được biên chế vào Đội 10, trinh sát và bảo vệ của Đoàn 301 (tiền thân Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn sau này). Được như vậy vì đã tham gia từ tiền khởi nghĩa, suốt thời kháng chiến chín năm là liên lạc, quân báo, trinh sát tình báo Liên khu 5, thông thuộc đường lộ đường rừng từ Quảng Nam - Thừa Thiên - Huế...".
Thay trang phục bộ đội bằng bộ bà ba đen, thay giày bằng dép lốp, thay balô bằng gùi mây, đặt vào lòng những nguyên tắc mới: "tránh đường cũ - tránh đối phương - tránh dân", "ở không nhà - đi không dấu - nấu không khói - nói không tiếng", "sống để dạ - chết mang theo", ông Thắng cùng các đồng đội bắt tay vào đốn tre, dựng nhà làm Trạm 1 của đường Trường Sơn tại Khe Hó, một địa điểm ở sâu trong rừng, giữa thung lũng hẹp phía tây nam Vĩnh Linh (Quảng Trị), thượng nguồn sông Rào Tranh.
Trung tá Nguyễn Văn Thắng, trinh sát xoi đường 559 từ những ngày đầu tiên. Ông vẫn giữ mảnh giấy triệu tập từ tháng 2-1959, đánh dấu mốc Trường Sơn trong đời mình - Ảnh: TỰ TRUNG
Và những bước đầu tiên về Nam đã bắt đầu...
- Ông Nguyễn Văn Thắng: Khác với thời kháng chiến luôn phải dựa vào dân, thời kỳ đầu tiên của đường Trường Sơn phải né cả dân để giữ bí mật. Chúng tôi vác gùi mây đựng ống bương gạo, muối, dao rựa rồi luồn rừng mà đi.
Cung đường đầu tiên về hướng tây nam - qua làng Mít - vượt đỉnh 1001 - đỉnh 1600 - vượt sông Bến Hải - qua đỉnh 1701 (động Voi Mẹp - động Hàm Nghi)... rồi cứ vậy mà đi tới đường 9, tìm cách vượt đường 9 về phía Thừa Thiên.
Vì bí mật tuyệt đối, tuyến giao liên buộc phải đi qua nhiều dãy núi cao hiểm trở, nhiều sông suối và hệ thống đồn bốt của đối phương khi ấy đã khá dày đặc. Chúng tôi vừa tìm đường, vừa khảo sát chỗ đặt trạm, vừa tìm cách liên lạc, xây dựng cơ sở...
* Nhưng chắc hẳn khó khăn nhất với đội của các ông không phải là leo dốc hay vượt thác?
- Núi cao, vực sâu, sông suối cuồn cuộn mùa mưa Trường Sơn vẫn không khó bằng vượt đường số 9. Dọc đường 9 là đồn bốt dày đặc, xe chở lính cộng hòa tuần tiễu thường xuyên. Chúng tôi đi thành nhóm nhỏ, căng nilông trên đường để bước qua không để lại dấu chân, nhưng còn phải tính cách cho các đoàn vận tải phía sau. Đã có lúc ban chỉ huy bàn tới việc đào hầm ngầm, địa đạo xuyên dưới mặt đường nhưng cũng không ổn.
Cuối cùng, chúng tôi đã tìm ra được một cống ngầm xuyên qua đường được che khuất bởi các bụi cây. Đường cống ấy sử dụng được trong một thời gian khá dài...
* Trong những ngày lầm lũi ấy, có khi nào các ông tưởng tượng ra con đường nhộn nhịp những đoàn quân sau này và nhất là con đường dọc dài đất nước hôm nay?
- Tất nhiên khi chúng tôi cố gắng hoàn thành nhiệm vụ thì phải nghĩ đến thành quả là sẽ có con đường để chi viện cho miền Nam. Khi ấy, tất cả những gì chúng tôi nghĩ đến là miền Nam, là nơi quê hương chôn nhau cắt rốn của chính mình.
Nhưng quả là lúc dò dẫm nơi rừng sâu chưa có bước chân người, khó tưởng tượng ra chỉ mấy năm sau đã có cả hệ thống đường hàng chục ngàn kilômet cơ giới hóa, lại cũng chưa biết rằng công cuộc giữ đường sẽ còn khốc liệt hơn mở đường, chưa biết rằng chiến tranh sẽ còn dài đến thế.
Sau này có dịp thăm lại đường Trường Sơn hòa bình, hình ảnh những đồng đội đã ngã xuống lại hiện ra...
* Có phải là những chàng trai "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước / Mà lòng phơi phới dậy tương lai"?
- Chúng tôi đi Trường Sơn có vui, có buồn, có gian nan, mất mát. Những ngày đầu tiên chưa có bom đạn nhưng vẫn có những người ngã xuống: sốt rét, rắn cắn, hổ vồ, voi xé, nước cuốn, ngã vực...
Sau này là biệt kích, là bom đạn. Bao nhiêu người đã đánh đổi, đã để lại tuổi hai mươi của mình trên cung đường. Mãi mãi không thể nào quên. Tôi may mắn vượt qua được cái chết, trải 10 năm trên đường 559.
Đó cũng là 10 năm có ý nghĩa nhất trong đời tôi: được làm điều tốt nhất mà mình có thể cho đất nước. Tương lai là của các thế hệ sau này.
Tầm nhìn chỉ huy
Những ngày xoi đường ấy gắn chặt với một người: thiếu tướng VÕ BẨM, đoàn trưởng - tư lệnh đầu tiên của Đoàn 559. Hôm nay, con trai ông, kiến trúc sư Võ Kim Cương là trưởng ban liên lạc Hội con em Trường Sơn ở TP.HCM.
Nhắc về cha mình, ông trầm ngâm kể: "Ông Nguyễn Văn Vịnh - khi ấy là thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trưởng Ban Thống nhất trung ương - gọi cha tôi lên nói: "Tôi có nhiệm vụ truyền đạt lại với anh chỉ thị của Bộ Chính trị trực tiếp giao cho anh mở một con đường đặc biệt trên dãy Trường Sơn và tổ chức lực lượng vận chuyển để chi viện cho miền Nam, phục vụ thống nhất đất nước...".
Cha tôi được chọn vì trước đó ông là chính ủy Đoàn 803 Liên khu 5, từng vượt biển từ Khu 5 sang tận Trung Quốc, cũng từng đi đường bộ từ Việt Bắc về tận Quảng Ngãi... Năm ấy ông đã 43 tuổi".
Ông Võ Kim Cương mỉm cười: "Tôi khi ấy đang là học sinh trường miền Nam, nghỉ hè về Hà Nội với cha. Vì thế mà tôi may mắn được gặp những cộng sự của ông - những người đầu tiên của Đoàn 559, được nấu cơm, rót nước, giăng mùng cho mấy chú trong những ngày bàn kế hoạch.
Những ngày ấy, cha tôi bỗng nhận được rất nhiều thư từ nhiều đơn vị gửi về, táy máy mở ngăn kéo đọc trộm, tôi biết đó là thư của các anh bộ đội miền Nam tập kết, nghe xôn xao việc chuẩn bị vào Nam đã viết thư cho ông xin đăng ký đi chiến đấu...".
* Ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu đường Trường Sơn. Ông thấy điều gì là đáng lưu ý nhất?
- Ông Võ Kim Cương: Sau này có nhiều dịp đi khảo sát tuyến đường, đọc lại hồi ký được viết khá chi tiết của cha, tôi rất khâm phục ông. Ông thật sự đã là một kiến trúc sư, thiết kế nên con đường huyền thoại ấy từ hai bàn tay không.
Từ những ngày đầu chống gậy tre qua suối, bám rễ cây vượt núi, buộc phải chọn lối đi trên những đỉnh cao cheo leo, hiểm trở để giữ bí mật, ông đã thấy không thể dừng ở cách vận tải gùi thồ trên lưng chiến sĩ.
"Phải tìm cách sử dụng mọi phương tiện có thể", ông đã nghĩ vậy từ ngày đầu và làm được. Quân đã có đường để đẩy xe đạp, kể cả đạp xe và sau đó là những chuyến xe tải...
* Còn đặc điểm nào nữa của đường Trường Sơn mà ông nhìn được dưới góc độ tổ chức?
- Chúng ta đã làm mọi cách để giữ bí mật tuyến đường, nhưng sự hiện diện của con đường thì không thể bí mật, nó đã lồ lộ trên khí thế chiến đấu của quân dân miền Nam và kết quả của những trận đánh.
Vì thế mà đối phương, vốn rất mạnh về khí tài, các phương tiện khoa học kỹ thuật, đã có rất nhiều phương cách đối phó, ngăn chặn, đánh phá.
Nhưng rồi chúng ta đã hóa giải được hết để con đường ngày một phát triển, thành cả một hệ thống có tổ chức chặt chẽ, phục vụ suốt 16 năm của cuộc chiến tranh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận