Huyện lỵ Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, bên con đường Hồ Chí Minh - Ảnh: TẤN LỰC
Từ đường đất lên đường nhựa, từ hai bàn tay trắng giờ có nhà cửa, ruộng vườn, con cái. Thay đổi là rứa chứ mô nữa
Anh Nguyễn Văn Tư
Con đường mới, cuộc sống mới
Ở Quảng Nam có hơn 200km của con đường huyền thoại năm xưa nay đã là đường nhựa thênh thang. Dọc bên đường Hồ Chí Minh, các thị trấn sầm uất, những khu dân cư đông đúc đã hiện hữu như để minh chứng cho sức sống mãnh liệt trên con đường lịch sử này.
Điều đặc biệt là ở những làng nhỏ ven đường sẽ bắt gặp cuộc sống của những cựu TNXP. Họ ở khắp nơi về đây tham gia xây dựng con đường của thời bình để phát triển kinh tế, và khi con đường đã thông, họ lại chọn dãy Trường Sơn làm nơi sinh cơ lập nghiệp thay vì quay về bản xứ.
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Bhalee (huyện Tây Giang, Quảng Nam) có những ngôi làng nằm sát đường. Ngôi nhà của cựu TNXP Nguyễn Văn Tư (quê ở Lương Sơn, Hòa Bình) có cổng mở ra ngay mặt tiền đường.
Năm 2002, anh và nhiều bạn bè cùng tỉnh đã tình nguyện đến với dãy Trường Sơn để làm đường. Anh đã kết duyên cùng cô gái Cơ Tu Alăng Thị Đối và có với nhau ba mặt con và ở lại đây định cư dù đồng đội của anh sau khi làm xong đường đã lần lượt trở về quê cũ.
Anh bảo thời đó làm đường đoạn từ A Sờ (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) vào đến Tây Giang rất "xương xẩu". "Những trận sốt rét rừng răng nghiến chặt môi. Mấy anh em phải ôm ghì lấy nhau cho qua cơn. Vất vả vô cùng nhưng ai cũng hăng" - anh nói.
Từ hai bàn tay trắng, vợ chồng anh đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, anh đầu tư vốn liếng trồng hơn 1ha cây keo. Anh ngăn suối, lắp turbin để phát điện. Không chỉ riêng gia đình mình sáng, anh Tư còn hướng dẫn cho hàng chục hộ dân trong thôn cùng "hưởng lợi" từ điện tự chế này.
"Từ đường đất lên đường nhựa, từ hai bàn tay trắng giờ có nhà cửa, ruộng vườn, con cái. Thay đổi là rứa chứ mô nữa" - anh Tư nói.
Ông Bh'riu Liếc - bí thư Huyện ủy Tây Giang, tỉnh Quảng Nam - cho biết con đường Hồ Chí Minh được Nhà nước đầu tư làm mới đi qua Tây Giang, Đông Giang, Thạnh Mỹ, Phước Sơn... như một cơn gió thổi qua làm thay đổi tất cả. Con đường đã mang lại sự thay da đổi thịt kỳ diệu trên dãy Trường Sơn.
Ông Liếc nhớ lại ngót 20 năm trước, bấy giờ huyện Tây Giang và Đông Giang vẫn còn tên cũ là huyện Hiên. Ông Liếc là cán bộ tư pháp của huyện. Lúc đó, mỗi lần đi từ trung tâm huyện lên A Grông của Tây Giang phải mất hai ngày và thêm một đêm ngủ lại nhà dân. Đó là ngày thường, còn nếu mùa mưa có khi phải chờ vài ba đêm khi nước xuống mới đi qua sông suối được.
Đó là nỗi ám ảnh một thời khó khổ của người dân và cán bộ của huyện miền núi này và nó chỉ được giải tỏa khi có con đường Hồ Chí Minh.
Đường Hồ Chí Minh đi qua Quảng Nam hôm nay - Ảnh: TẤN LỰC
Quốc lộ 14 - con đường kết nối
Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên còn gọi là quốc lộ 14. Tây Nguyên năm 1975 chỉ điệp trùng rừng núi, mãi đến những năm 1990 bắt đầu phát triển. Kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp mà tại các địa phương chưa có các nhà máy nên phần lớn nông sản đều xuôi về các tỉnh Đông Nam Bộ để chế biến xuất khẩu. Quốc lộ 14 vì vậy có một vai trò kết nối hết sức quan trọng đối với vùng kinh tế trọng điểm Tây Nguyên.
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Y Biêr Niê - phó bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk - khẳng định tuyến đường huyết mạch quốc lộ 14 vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của địa phương nói riêng và của vùng Tây Nguyên nói chung.
"Nếu không có tuyến đường này, việc vận chuyển hàng trăm ngàn tấn cà phê, hồ tiêu, cao su về các cảng phía Nam để xuất khẩu sẽ hết sức khó khăn. Không những vậy, đây là tuyến đường tạo điều kiện vô cùng thuận lợi đối với hàng vạn học sinh, sinh viên, người lao động đi làm việc, học tập tại các tỉnh phía Nam" - ông Y Biêr Niê chia sẻ.
Nếu ai ở Tây Nguyên khoảng 5 năm trước sẽ vô cùng ám ảnh với tuyến đường hàng ngàn ổ gà, ổ voi chằng chịt. Để đi từ TP Buôn Ma Thuột về TP.HCM chỉ 350km nhiều khi mất 12 giờ đồng hồ. Với rất nhiều nỗ lực từ các địa phương và của trung ương, tuyến quốc lộ 14 được cải tạo, nâng cấp rất rộng và bằng phẳng.
"Việc đi lại của người dân đã rất thuận lợi. Người nhà đi thăm nhau, sinh viên từ Tây Nguyên xuống TP.HCM đi học chỉ mất khoảng 7 giờ đồng hồ đã đến nơi. Đi lại thuận tiện thì giao thương cũng phát triển và từ đó thu hút được rất nhiều nhà đầu tư đến sản xuất, kinh doanh tại vùng để tạo thêm nguồn lực, công ăn việc làm cho các địa phương" - anh Phan Văn Tuệ, một trí thức từng học tập, làm việc tại TP.HCM, nay lập nghiệp tại TP Buôn Ma Thuột, tâm sự.
Trên "dải lụa Tây Nguyên" - quốc lộ 14 kéo dài từ Kon Tum về Bình Phước - ấy hiện nay có nhiều đô thị phát triển, mang bản sắc Tây Nguyên, đem lại cuộc sống khấm khá cho người dân. Nhiều đô thị như Pleiku (Gia Lai), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và gần đây là thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) ngày càng thay da đổi thịt, ngày một giàu có, khẳng định vị thế những đô thị trụ cột của cao nguyên, nằm dọc tuyến đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại năm xưa.
Không chỉ những đô thị phát triển, những thị tứ như Chư Sê (Gia Lai), Ea H’Leo, Krông Búk, thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk), hay như Đắk Mil, Đắk Song (Đắk Nông) đang dần chuyển mình để tạo nên sự phồn vinh cho người dân nơi này.
Quốc lộ 14 đoạn qua thị xã Buôn Hồ. Tuyến quốc lộ đã làm thay đổi cơ bản bộ mặt của thị xã này trong nhiều năm qua - Ảnh: LINH ĐAN
Khởi công ngày 5-4-2000
Theo Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, năm 1996 Chính phủ đã giao Bộ GTVT nghiên cứu quy hoạch đường Hồ Chí Minh để hình thành trục dọc đường bộ xuyên Việt thứ hai nằm ở phía Tây của đất nước với tên gọi ban đầu là công trình Xa lộ Bắc Nam. Tháng 8-1998, Bộ Chính trị chính thức đổi tên công trình Xa lộ Bắc Nam thành Đường Hồ Chí Minh.
Ngày 3-2-2000, Chính phủ cho phép xây dựng đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1) từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Ngọc Hồi (Kon Tum) và nhánh Tây từ Khe Gát (Quảng Bình) đến Thạnh Mỹ (Quảng Nam). Ngày 5-4-2000 dự án khởi công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận