21/05/2019 11:14 GMT+7

60 năm đường Trường Sơn - Kỳ 4: Nơi liệt sĩ nằm lại

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TTO - Ngay những năm chiến sự, tướng Đồng Sĩ Nguyên đã đề xuất quy tập các liệt sĩ về một 'mái nhà chung' và trong hơn 20.000 người ngã xuống dọc tuyến đường Trường Sơn đến nay đã quy tập được hơn một vạn hài cốt về Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.

60 năm đường Trường Sơn - Kỳ 4: Nơi liệt sĩ nằm lại - Ảnh 1.

Toàn cảnh NTLS Trường Sơn - Ảnh: VÕ LINH

Đúng dịp cả nước chuẩn bị kỷ niệm 60 năm đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, tướng Đồng Sĩ Nguyên, vị tư lệnh của con đường huyền thoại, cũng từ giã cuộc đời gắn liền với trận mạc binh nghiệp vào ngày 4-4 ở tuổi 96.

Ông không còn nữa, nhưng có thể linh hồn ông sẽ vẫn đi đi về về với những cánh rừng ở thượng nguồn sông Bến Hải, ngay trên chính mảnh đất đã đặt chỉ huy sở của Bộ tư lệnh Trường Sơn vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ và sau này là nơi an nghỉ của hơn một vạn người lính Trường Sơn được quy tập về đây.

“Ngay từ trong những năm tháng chiến sự, tướng Đồng Sỹ Nguyên đã đề xuất nên quy tập các liệt sĩ nằm rải rác trên dọc tuyến đường Trường Sơn và đất bạn Lào, Campuchia lại một nơi, như một “mái nhà chung” để đồng bào, đồng chí và nhất là thân nhân liệt sĩ tiện lui tới thăm viếng.

Đại tá LÊ KIM THƠ

Sự ra đi của người chính ủy

Ngày diễn ra tang lễ trung tướng Đồng Sĩ Nguyên ở Hà Nội thì tại nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) Trường Sơn (Quảng Trị), lễ viếng vị tướng, nguyên tư lệnh Bộ đội Trường Sơn cũng được tổ chức trang trọng.

Đến viếng NTLS Trường Sơn sẽ thấy bên trái tượng đài Tổ quốc ghi công có mộ phần của chính ủy Bộ đội Trường Sơn - đại tá Đặng Tính. Trên mộ ghi ngày mất của đại tá Đặng Tính là 14-4 nhưng theo hồi ký của tướng Đồng Sĩ Nguyên, ngày mất của đại tá Đặng Tính là ngày 3-4-1973.

Trong hồi ký Đường xuyên Trường Sơn, tướng Đồng Sĩ Nguyên đã nhớ lại sự hi sinh ấy của người chính ủy luôn kề vai sát cánh:

"Đêm mùng 4-4, đoàn chúng tôi theo tuyến phía đông dừng nghỉ tại một điểm bên bờ sông Sa Thầy, cạnh đường 19. Đêm xuống đã lâu nhưng tôi vẫn trằn trọc, thao thức. Cứ nghĩ do thời tiết quá oái oăm, ngày nóng như rang, đêm về lạnh buốt. Nhưng đã bao năm ở rừng, tôi đâu có vậy.

Gần sáng, nhân viên cơ yếu đi cùng chuyển cho tôi bức điện vẻn vẹn mấy chữ: Chính ủy Đặng Tính hi sinh ngày 3-4 ở Pắc Xoòng".

Nếu có điều gì đó khi nói về sự hi sinh của chính ủy Đặng Tính thì đó là sau chuyến thị sát tuyến về phía Nam, cả ông và đại tá Đồng Sĩ Nguyên sẽ ra Hà Nội để cùng được thụ phong vượt cấp từ đại tá lên trung tướng (cùng với đại tá Lê Đức Anh, bấy giờ là phó tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam).

Bởi trước khi vào Trường Sơn nhận nhiệm vụ chính ủy Bộ đội Trường Sơn, đại tá Đặng Tính đã là tư lệnh kiêm chính ủy Quân chủng phòng không không quân.

Thế nhưng trên bia mộ của vị chính ủy Trường Sơn vẫn ghi cấp hàm "đại tá" dù đã 46 năm trôi qua từ ngày ông ngã xuống giữa chiến trường cùng những người lính của mình!

60 năm đường Trường Sơn - Kỳ 4: Nơi liệt sĩ nằm lại - Ảnh 3.

Mộ phần của đại tá Đặng Tính ở NTLS Trường Sơn - đây chỉ là ngôi mộ tưởng niệm, còn thi hài đã được đưa về an táng ở nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội - Ảnh: L.Đ.DỤC

Chọn nơi an nghỉ cho liệt sĩ Trường Sơn

Đại tá Lê Kim Thơ, 45 năm trước là người đi cùng tướng Đồng Sĩ Nguyên chọn địa điểm an nghỉ cho anh em hi sinh trên tuyến đường này.

Đại tá Thơ nhớ lại: "Ngay từ trong những năm tháng chiến sự, tướng Nguyên đã đề xuất nên quy tập các liệt sĩ nằm rải rác trên dọc tuyến và đất bạn Lào, Campuchia lại một nơi, như một "mái nhà chung" để đồng bào, đồng chí và nhất là thân nhân liệt sĩ tiện lui tới thăm viếng.

Trước ý kiến đề xuất này, Tổng bí thư Lê Duẩn và Bộ Chính trị đã đồng ý để Đoàn 559 đi khảo sát và chọn địa điểm.

Lúc đó có ba ý tưởng, phương án được đưa ra cân nhắc:

Thứ nhất, chọn một địa điểm trên tuyến đường 20 tại Quảng Bình. Phương án thứ hai là Đường 9 khu vực cầu Đầu Mầu (Cam Lộ). Và phương án thứ ba chọn đồi Bến Tắt, xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, Quảng Trị.

Sau khi cân nhắc và khảo sát, tướng Đồng Sĩ Nguyên quyết định lựa chọn đồi Bến Tắt bởi vị trí này có ý nghĩa hết sức đặc biệt.

60 năm đường Trường Sơn - Kỳ 4: Nơi liệt sĩ nằm lại - Ảnh 4.

Đại tá Lê Kim Thơ thắp nhang cho đồng đội ở NTLS Trường Sơn - Ảnh: L.Đ.DỤC

Vào năm 1959 khi thành lập Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn, ban đầu chỉ có 500 cán bộ chiến sĩ xoi đường lập trạm dẫn vào khu vực Khe Hó gần đồi Bến Tắt. Năm 1973 sau khi tỉnh Quảng Trị được giải phóng, đại bản doanh của bộ đội Trường Sơn cũng về đóng tại khu vực đồi Bến Tắt.

Đây cũng là khu vực nằm phía đông tuyến đường Trường Sơn, gắn bó với bộ đội Trường Sơn nên có ý nghĩa đối với các anh hùng liệt sĩ. Ngay từ thời bấy giờ, tướng Nguyên đã thấy đây là vị trí thuận lợi, đắc địa.

Thời điểm sau năm 1975, ông Lê Kim Thơ đang là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 934, người trực tiếp chỉ đạo san ủi, giải phóng mặt bằng để xây dựng .

Tiếp xúc nhiều với tướng Đồng Sỹ Nguyên, ông Thơ càng trân trọng tấm lòng tình nghĩa tận tâm lo cho đồng đội của mình chốn yên nghỉ vĩnh hằng.

Ngay sau Hiệp định Paris, tướng Nguyên đã chỉ đạo việc quy tập mộ liệt sĩ Trường Sơn. Kết quả là trong số hơn 20.000 người đã ngã xuống trên chiến trường Trường Sơn, đến nay đã quy tập được hơn một vạn hài cốt về Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn.

Và giờ đây tại nghĩa trang này, những người lính Trường Sơn vẫn chung một đội hình hàng hàng lớp lớp bên nhau như lúc còn sống.

Kỳ tới: Cuộc sống mới bên đường Trường Sơn


60 năm đường Trường Sơn - Kỳ 1: Tuyến đường rừng thời kháng Pháp

TTO - 60 năm đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh, đó là dấu mốc tính từ ngày 19-5-1959, ngày thành lập đoàn 559. Nhưng từ rất lâu rồi, những con đường đã được mở như các mạch máu lặng thầm giữa rừng núi thâm u.

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên