Nhân viên y tế tại Bệnh viện Chữ thập đỏ Vũ Hán hướng dẫn người bệnh tập thể dục để hồi phục sức khỏe - Ảnh: Reuters
Moderna, công ty sinh học có trụ sở tại Mỹ, cho biết đã gởi lô văcxin phòng virus corona chủng mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (SARS-CoV-2) đầu tiên tới Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID).
Việc thử nghiệm lâm sàng trên người sẽ được bắt đầu vào tháng 4. Các nhà nghiên cứu sẽ sử dụng hai liều văcxin mRNA-1273 lên 25 tình nguyện viên nam và nữ từ 18 tới 55 tuổi có sức khỏe tốt, không mang thai. Họ sẽ lần lượt được tiêm vào ngày 1 và ngày thứ 29 để xem thử nó có giúp cơ thể tạo ra phản ứng miễn dịch chống lại SARS-CoV-2 hay không.
Các tình nguyện viên sẽ được theo dõi liên tục trong 12 tháng kể từ ngày tiêm chủng thứ hai. Đây là giai đoạn 1 trong quá trình sản xuất và tung văcxin ra thị trường, theo trang Clinictrials.gov của Chính phủ Mỹ.
Giám đốc NIAID Anthony Fauci cho biết có thể đẩy nhanh quá trình phê duyệt văcxin nếu thành công trong giai đoạn 1. Tuy nhiên, kể cả khi được tiến hành ở "tốc độ khẩn cấp", việc xin giấy phép cho mRNA-1273 có thể mất tới 1 năm, thậm chí 1 năm rưỡi, ông Fauci nói với Đài CNN.
Moderna không phải là công ty dược phẩm duy nhất hi vọng tìm được văcxin phòng SARS-CoV-2. Các đại gia dược phẩm Johnson & Johnson (JNJ) và GlaxoSmithKline (GLAXF) cũng đang đua nhau chế tạo văcxin với sự hợp tác của các nhà khoa học chính phủ đang làm việc tại NIAID.
Mặc dù văcxin do Moderna chế tạo vẫn chưa chứng minh được độ an toàn, tốc độ mà nó được tạo ra là một bước đột phá. Theo Moderna, văcxin đã được phát triển trong vòng 42 ngày kể từ khi công ty có được mã di truyền của SARS-CoV-2. Để so sánh, các nhà nghiên cứu mất khoảng 20 tháng để bắt đầu thử nghiệm văcxin SARS ở người, theo ông Fauci.
Một số ý kiến lo ngại trong lúc chờ cấp phép, SARS-CoV-2 có thể biến đổi, do đó văcxin coi như vô dụng. Theo một chuyên gia Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc từng tới Vũ Hán, SARS-CoV-2 vẫn chưa biến đổi kể từ khi nó lây từ động vật hoang dã sang người.
Trong diễn biến khác liên quan, Mỹ sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng loại thuốc có tên Remdesivir của Hãng Gilead cho các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 tại bệnh viện thuộc Đại học Nebraska. Người đầu tiên tham gia thử nghiệm là một công dân Mỹ đã hồi hương từng đi trên tàu du lịch Diamond Princess.
38% ca nhiễm ở Trung Quốc khỏi bệnh
Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, tính tới hết ngày 25-2 đã có 29.745 bệnh nhân COVID-19 được chữa khỏi và cho xuất viện tính trên toàn Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc chiều 26-2 cho biết chỉ có 10 công dân nước ngoài nhiễm bệnh tại tâm dịch Hồ Bắc, trong đó có 2 người tử vong, 7 người đã hồi phục và xuất viện.
Tại Trung Quốc, bệnh nhân COVID-19 sẽ được xuất viện nếu đáp ứng được các tiêu chí sau: nhiệt độ cơ thể trở lại bình thường trong 3 ngày liên tiếp, các triệu chứng hô hấp được cải thiện, CT ngực cho thấy tổn thương ở phổi hồi phục đáng kể và có 2 lần liên tiếp xét nghiệm âm tính với virus corona chủng mới.
Văcxin uống của Trung Quốc là "văcxin trị liệu"
Đại học Thiên Tân của Trung Quốc ngày 25-2 tuyên bố đã chế ra được loại văcxin uống phòng SARS-CoV-2. Huang Jinhai, giáo sư dẫn dắt nghiên cứu, cho biết đã uống 4 liều và chưa gặp tác dụng phụ nào.
"Văcxin phòng bệnh thường được tiêm. Sản phẩm của ông Huang có thể là văcxin trị liệu, giống như một loại thuốc điều trị. Nhưng điều chúng tôi cần là văcxin phòng bệnh để bảo vệ người khỏe mạnh khỏi virus" - Yang Zhanqiu, phó khoa mầm bệnh tại Đại học Vũ Hán, trao đổi với Thời báo Hoàn Cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận