Nhiều quốc gia đang cố gắng lên Mặt trăng trong năm 2022 - Ảnh: NATURE
Các nhà khoa học cho rằng có thể đây là thời kỳ hoàng kim mới của việc khám phá Mặt trăng.
Theo báo Nature, hàng loạt nhiệm vụ trên Mặt trăng báo hiệu tham vọng ngày càng tăng của một số quốc gia. Tuy nhiên, khoa học không phải là động lực duy nhất của các chuyến bay lên Mặt trăng. Giới kinh doanh cũng muốn thông qua chuyến bay lên Mặt trăng để kiểm nghiệm sức mạnh công nghệ và tạo dấu ấn của họ. Đặc biệt, giờ đây việc lên Mặt trăng dễ dàng và rẻ hơn bao giờ hết.
Đầu tiên phải kể đến Mỹ với chương trình Artemis trị giá 93 tỉ USD của NASA, là chương trình có quy mô lớn nhất thế giới, với lần phóng đầu tiên sẽ diễn ra trong năm 2022. Đây là bước hướng tới việc đưa các phi hành gia Mỹ lên Mặt trăng.
Tiếp đó là dự án tàu quỹ đạo Mặt trăng đầu tiên của Hàn Quốc: Korea Pathfinder Lunar Orbiter (KPLO). Dự kiến phóng vào tháng 8, con tàu này sẽ quay quanh bề mặt Mặt trăng và hoạt động trong ít nhất 1 năm.
Ảnh minh họa tàu đổ bộ chở người lên Mặt trăng của SpaceX - Ảnh: SpaceX / NASA
Bốn quốc gia khác cũng đang đặt mục tiêu tiếp cận Mặt trăng vào năm 2022. Trong đó tàu vũ trụ SLIM của Nhật Bản có khả năng phóng vào cuối năm 2022; tàu Chandrayaan-3 của Ấn Độ dự kiến phóng vào tháng 8.
Trong khi đó, tàu đổ bộ Luna-25 của Nga dự kiến phóng vào tháng 7 đến vùng cực Nam của Mặt trăng. Đây là chuyến đi đầu tiên của Nga lên bề mặt Mặt trăng, kể từ sứ mệnh đổ bộ lên Mặt trăng trước đó của Liên Xô vào năm 1976.
Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cũng đang bắt tay vào chuyến lên Mặt trăng đầu tiên của tàu Rashid, dự kiến ra mắt vào cuối năm 2022. Nó sẽ bay vào quỹ đạo Mặt trăng trên một tên lửa do SpaceX thiết kế.
Tuy nhiên do ảnh hưởng chiến sự ở Ukraine, không rõ sẽ có bao nhiêu nhiệm vụ trong số này sẽ được thực hiện đúng kế hoạch trong năm 2022. Trong chiến sự, chiếc máy bay chở hàng lớn nhất thế giới Antonov An-225 đã bị phá hủy, trong khi một số tàu vũ trụ từ vài quốc gia cần được vận chuyển bằng máy bay chở hàng khổng lồ đến địa điểm phóng.
Ngoài các quốc gia, các công ty cũng đang "đua" lên Mặt trăng. NASA hiện đang hỗ trợ một số công ty thực hiện các sứ mệnh quy mô tương đối nhỏ. Thông qua Dịch vụ tải trọng Mặt trăng thương mại, NASA muốn đưa tàu đổ bộ tư nhân lên Mặt trăng bằng tên lửa thương mại.
Chẳng hạn, sứ mệnh M1 của chương trình HAKUTO-R của Công ty Ispace, dự kiến được phóng lên Mặt trăng bằng tên lửa Falcon 9 của SpaceX vào quý cuối năm 2022. Tàu đổ bộ này sẽ mang theo máy ảnh, máy tính sử dụng trí thông minh nhân tạo và pin thể rắn. Tất cả đều sẽ được thử nghiệm trong điều kiện khắc nghiệt của Mặt trăng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận