Trong vài tuần tới, Trái đất sẽ sớm nằm trong tầm ngắm của những vết đen phun trào ngọn lửa Mặt trời này, theo trang LiveScience.
Nhóm vết đen Mặt trời đầu tiên được phát hiện vào ngày 18-11, có tên AR3490, ở phía đông bắc Mặt trời. Theo sau là một nhóm vết đen Mặt trời khác, tên AR3491.
Kể từ khi nổi lên, các nhóm vết đen Mặt trời đã tách nhau và sinh ra các vết đen mới, bao gồm AR3492, AR3495, AR3496 và AR3497. Chúng tạo ra một "quần đảo" vết đen Mặt trời.
Các nhà khoa học cho biết các nhóm vết đen Mặt trời đang trên đường di chuyển, vì chúng đã tạo ra những gợn sóng trên bề mặt Mặt trời từ khu vực này.
Tổng cộng "bộ sưu tập" khổng lồ các vết đen Mặt trời trải dài khoảng 200.000km, rộng hơn Trái đất 15 lần, theo Spaceweather.com.
Theo trang SpaceWeatherLive.com, trong 4 ngày qua, các vết đen Mặt trời đã tạo ra ít nhất 16 ngọn lửa Mặt trời loại C và 3 loại M - lần lượt là loại ngọn lửa mạnh thứ ba và thứ hai.
Giới chuyên gia cảnh báo có thể có thêm nhiều đợt bùng phát kiểu này trong vài tuần tới, bao gồm các đợt bùng phát cấp X, loại bão Mặt trời mạnh nhất.
Ngoài ra, các vụ phun trào khối vành nhật hoa (CME), hoặc các khối hạt tích điện khổng lồ, có thể đâm vào Trái đất gây bão địa từ mạnh, làm mất sóng vô tuyến và tạo ra cực quang rực rỡ.
Ít nhất 3 nhóm vết đen Mặt trời cũng đã xuất hiện ở bán cầu nam của Mặt trời trong vài ngày qua.
Sự xuất hiện của các vết đen Mặt trời là dấu hiệu mới nhất cho thấy Mặt trời đang nhanh chóng tiến đến đỉnh điểm bùng nổ - trong chu kỳ Mặt trời khoảng 11 năm - được gọi là cực đại Mặt trời, điều mà các nhà khoa học hiện dự đoán sẽ bắt đầu vào năm 2024.
Trong thời kỳ Mặt trời đạt cực đại, các vết đen Mặt trời xuất hiện thường xuyên hơn và tăng kích thước khi từ trường của Mặt trời bị rối lên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận