4 trong số các ngân hàng bị phạt vì gian lận tỉ giá gồm Barclays, Citigroup, JPMorgan Chase và Royal Bank of Scotland - Ảnh: Associated Press |
Theo CBC, 4 ngân hàng đã cùng tham gia thao túng giá đồng USD và đồng Euro gồm: J.P Morgan Chase, Barclays, Royal Bank of Scotland và Citigroup. Theo phán quyết của Bộ Tư pháp Mỹ, 4 ngân hàng này phải nộp phạt 2,5 tỉ USD.
6 ngân hàng gồm Citigroup, Barclays, JP Morgan, RBS, UBS và Bank of America phải nộp phạt thêm 1,8 tỉ USD cho Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED). Bang New York và vương quốc Anh sẽ thu thêm các khoản phạt khác.
Ngân hàng UBS AG tại Thụy Sĩ bị kết tội gian lận lãi suất Libor, nhưng được miễn truy tố tội thao túng tỉ giá ngoại tệ vì là đơn vị đầu tiên báo cáo sự việc. UBS AG đối mặt với án phạt 203 triệu USD của Bộ Tư Pháp Mỹ và 342 triệu USD của FED.
Ngân hàng Bank of America tuy không phải chịu án phạt của Bộ Tư pháp, nhưng cũng phải nộp phạt 205 triệu USD cho FED.
Tổng mức phạt áp với ngân hàng Barclays là 2,4 tỉ USD, ngoài ra, ngân hàng này cũng đã sa thải 8 nhân viên của họ liên quan tới hành vi “làm giá” ngoại tệ.
Tỉ giá ngoại tệ được thao túng ra sao?
Nhà chức trách cho biết, các nhân viên giao dịch tại 5 ngân hàng nói trên đã thông đồng với những giao dịch viên khác để thao túng giá ngoại tệ.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Loretta Lynch, trong suốt 5 năm, từ 2007, “gần như ngày nào cũng vậy”, các nhân viên giao dịch ngoại tệ đã sử dụng một phòng chat trực tuyến để cùng nhau dàn xếp tỉ giá kiếm lời.
Bằng những thỏa thuận ngầm với nhau về việc không mua hay không bán ngoại tệ vào những thời điểm nhất định, các nhân viên giao dịch đã ngăn chặn nguồn cung cũng như cầu của ngoại tệ. Hành vi của họ gây tổn hại với “vô số khách hàng, nhà đầu tư và các tổ chức trên toàn thế giới”.
Bà Lynch cho rằng, các mức phạt cao như vậy được xem như biện pháp răn đe để không tái diễn tình trạng chạy theo lợi nhuận bất chấp công bằng, luật pháp và quyền lợi của công chúng.
Tuy nhiên theo ông Michael King thuộc Trường thương mại Ivey (Canada), kể từ sau giai đoạn khủng hoảng tài chính, đã có rất nhiều sai phạm xảy ra. Ông ngờ rằng các ngân hàng vẫn chưa rút ra được bài học gì.
Ông King đề xuất cần phải áp đặt trách nhiệm lớn hơn cho các cá nhân liên quan, kể cả những vị quan chức chóp bu các ngân hàng.
Ông phân tích: “Tôi nghĩ vấn đề ở đây là các khoản phạt đều áp lên những tổ chức doanh nghiệp. Đó không phải mức phạt dành cho các cá nhân liên đới. Như vậy dường như là không công bằng vì chính các cổ đông, các nhà đầu tư sẽ trở thành người ‘chìa vai chịu báng’ thay vì những kẻ trực tiếp đoạt lợi”.
Các ngân hàng Citigroup, Barclays, JPMorgan, RBS và UBS sẽ phải chấp nhận thời gian thử thách hoạt động trong 3 năm với việc phải nộp các báo cáo thường xuyên cho nhà cầm quyền và đảm bảo các chứng từ tài chính minh bạch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận