1. Kiểu đồng nghiệp thích bắt nạt
Kẻ bắt nạt đánh vào nỗi sợ hãi, thích dọa dẫm và khai thác sự ác cảm của chúng ta để tạo xung đột.
Cách chống lại kẻ bắt nạt chỉ có một: dũng cảm đương đầu.
Hãy nói thẳng, một cách bình tĩnh nhưng cương quyết, rằng hành vi của họ gây tổn thương và không thể chấp nhận được.
Nếu tình trạng tiếp diễn, bạn nên trao đổi với bộ phận nhân sự. Bạn cần ghi lại tất cả những lần bị bắt nạt, mô tả chuyện gì đã xảy ra, khi nào. Nếu bạn thu thập được lời làm chứng thì càng tốt.
2. Nhà quản lý vi mô
Những người quản lý này luôn luôn kiểm tra, yêu cầu cập nhật, và chuyên gia lựa thời điểm không phù hợp để đưa ra ý kiến phản hồi.
Muốn ứng phó với kiểu đồng nghiệp soi xét này, bạn chỉ cần một cuộc đối thoại đơn giản. Hãy đề nghị hai bên gặp riêng, và trình bày ngắn gọn tại sao kiểu giám sát liên tục đó không thích hợp với bạn.
Một mẹo nhỏ khác là bỏ qua, không trả lời vài tin nhắn/email yêu cầu báo cáo nếu chúng quá vụn vặt, không hợp lý. Quản lý có thể sẽ hiểu vấn đề và ngừng gửi tin nhắn liên miên.
3. Kiểu đồng nghiệp thao túng
Đây là một trong những mẫu đồng nghiệp độc hại khó xử lý nhất. Họ sẽ khiến bạn hoài nghi bản thân, năng lực của mình, và có khi cả tâm lý của bạn. Một kẻ thao túng tâm lý "cao cấp" sẽ làm cho bạn cảm thấy như thể mình là nguồn cơn của mọi vấn đề.
Bạn cần hiểu rằng, kẻ thao túng luôn hoạt động trong bóng tối, che giấu những hành vi tai quái và lén lút. Vì vậy, bạn hãy mạnh dạn bóc mẽ bộ mặt thật của họ. Khi đó, kẻ thao túng sẽ chẳng còn ảnh hưởng gì.
4. Kiểu người nịnh bợ
Họ nghĩ rằng nịnh đúng người sẽ giúp họ thuận lợi hơn trong công việc.
Bạn không nên quan tâm tới kiểu người như vậy. Khi họ nhận ra nịnh nọt chẳng hiệu quả đối với bạn, họ sẽ chuyển sang mục tiêu khác.
5. Kiểu đồng nghiệp buôn chuyện
Môi trường làm việc nào cũng có một nhân viên chuyên "buôn dưa lê". Họ cư xử như thể là bạn của tất cả mọi người, nhưng chẳng trung thành với bất cứ ai, ngoại trừ bản thân.
Thực ra, đa số người hay buôn chuyện tương đối vô hại. Tốt nhất là bạn cứ lờ họ đi.
Nhưng trong một số trường hợp, họ có thể làm hỏng thanh danh và sự nghiệp của bạn. Kiểu đưa chuyện này là không chấp nhận được và cần bị chất vấn trước khi tin đồn lan đi khắp nơi.
Bạn đừng tâm sự gì với một đồng nghiệp như vậy, nhất là chia sẻ những chuyện riêng tư. Nếu họ buôn chuyện của người khác với bạn, họ cũng sẽ bàn tán về bạn với người khác.
6. Kiểu đồng nghiệp chểnh mảng
Người chểnh mảng chẳng áy náy gì khi thấy người khác phải gánh việc cho họ. Thái độ lười biếng, tự cho là đúng này cực kỳ ảnh hưởng tới tinh thần tập thể.
Thế nhưng đôi khi hành vi này chỉ vì muốn giấu dốt. Nếu bạn gặp trường hợp này, hãy thử tìm hiểu liệu họ cần hỗ trợ gì hay không.
Người lười sẽ càng lười nếu bạn dung túng họ. Đừng nghĩ cớ biện minh hộ. Hãy yêu cầu họ chịu trách nhiệm cho phần việc của mình.
Nếu thấy các thông tin trong bài viết hiệu quả, bạn hãy thả tim, bấm "thích" hoặc đăng nhập Tuổi Trẻ Sao để tặng sao nhé.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận