1. Chợ hải sản ở Washington D.C
Ra đời từ những năm 1792, bến cảng cá của thành phố ở Washington D.C này là một trong những khu chợ thực phẩm lâu đời và bận rộn nhất ở Mỹ.
Khi đến đây, "ẩm khách" sẽ được thưởng thức các loại tôm hùm, cua "jumbo", hàu biển và nhiều thứ khác nữa. Tất cả đều tươi sống và các quầy hàng đều treo bảng giá giống nhau nên không có cạnh tranh về giá cả mà chỉ cạnh tranh về nụ cười và hàng khuyến mãi bỏ thêm.
Thích nhất là sau khi thực hiện quy trình chọn lựa – cân đong – trả tiền, du khách sẽ được người bán hấp giúp miễn phí và chỉ mất dăm phút sẽ được thưởng thức "live" tại chỗ.
Khu chợ hải sản ở đây luôn luôn tấp nập người mua kẻ bán. Ảnh: Quốc Vinh
Bạn chỉ việc chọn ghẹ ngon còn việc hấp đã có người bán lo. Ảnh: Quốc Vinh
2. Chợ trời ở Kissimmee (bang Florida)
Đến thành phố Kissimmee thì du khách sẽ bị "lạc lối" ở những khu công viên chủ đề của Walt Disney. Trong các khu du lịch hay resort sang trọng đều có rất nhiều khu mua sắm hàng lưu niệm với giá cũng tương ứng với số sao của mình.
Thế nên một kinh nghiệm du lịch "bỏ nhỏ" là bạn có thể bắt xe taxi đến khu chợ trời (gọi là flea market) của thành phố để mua quà mang thương hiệu của Florida, của Mickey Mouse và hàng trăm thứ khác với giá rất phải chăng, nhiều khi chỉ bằng 1/5 so với giá trong resort với cùng một sản phẩm chính hãng.
Thời gian tốt nhất để đi là vào cuối tuần bởi vì khu chợ này có rất nhiều người mua kẻ bán ở đó. Bên cạnh các mặt hàng được bán thường xuyên, thỉnh thoảng có rất nhiều cửa hiệu "sale off" như cho cũng như xuất hiện nhiều mặt hàng độc lạ thường mà không dễ kiếm được ở nơi khác.
Cùng một mặt hàng nhưng ở trong các trung tâm vui chơi thì giá sẽ rất cao. Ảnh: Quốc Vinh
Còn đến khu chợ trời này nhiều khi giá chỉ còn...1/5. Ảnh: Quốc Vinh
3. Chợ người Việt ở Little Sài Gòn (Westminster, California)
Khoảng năm 1978, đại lộ Bolsa trở thành khu trung tâm của Little Saigon nhờ các cơ sở thương mại do những người Việt đầu tiên lập nên cho đến ngày 17 tháng 6 năm 1986, thị trưởng thành phố Westminster là Chuck Smith đã làm lễ ra mắt "Đặc khu kinh tế Little Saigon" trước thương xá Phước Lộc Thọ. Buổi lễ được diễn ra với sự có mặt của thống đốc tiểu bang California và đông đảo người Việt Nam trong vùng.
Sau đó, các bảng chỉ đường được đặt trên xa lộ Garden Grove (Freeway 22) quanh vùng để chỉ đường đến Little Saigon minh chứng cho sự tồn tại và phát triển của một cộng đồng người Việt trên mảnh đất này.
Du khách nhớ đến khu Asian Garden Mall - Phước Lộc Thọ ở 9200 đường Bolsa với điều đặc biệt là con đường trước mặt thương xá được đặt một cái tên thuần Việt: Sài Gòn.
Và nếu bạn thấy có nhiều quầy nước mía, quầy bán trái cây Nam Bộ hay hột gà vịt lộn thì cũng ghé ăn thử xem có giống ở Việt Nam không nhé!
Bên trong khuôn viên khu chợ Sài Gòn nhỏ mà người Mỹ vào đây sẽ được xem là người... nước ngoài. Ảnh: Quốc Vinh
Những món ngon dân dã ở quê nhà cũng được người Việt bày bán ở đây. Ảnh: Quốc Vinh
4. Chợ "tình" ở Fremont Street Experience (Las Vegas, bang Nevada)
Nếu Las Vegas được gọi là "Thành phố của tội lỗi" thì khu chợ Fremont Street Experience này cũng được xem là một trong những nơi khởi nguồn của... tội lỗi.
Ở khu vực này, việc nhiều "cò" đứng dọc đường phát các tờ rơi giới thiệu những nơi "vui tới bến" dành cho mọi giới với đủ yêu cầu khác nhau theo đúng quy định luật của bang.
Các quầy ra vào của các khách sạn, kệ báo và giới thiệu du lịch miễn phí dọc các con phố chính hay màn hình lớn quảng cáo di động trên các xe ôtô tải chạy quanh thành phố cũng góp sức quảng cáo cho các "strip club" dành cho người lớn trên 21 tuổi.
Đến đây, tôi cũng từng hơi bị shock khi vừa đang đi dạo vừa nhìn lên trò zipline phía trên đầu thì có người khẽ ấn vào vai tôi tờ rơi quảng cáo cho dịch vụ "Vui thả ga, mang... SIĐA về nhà!"
Khi nhìn lại thì cô ấy hoàn toàn nude 80% với độc nhất một chiếc quần bikini mỏng dính trên người đang mỉm cười cùng đống tờ rơi trên tay.
Khi màn đêm chưa kịp buông xuống là khu Fremont Street Experience đã bắt đầu nhộn nhịp du khách viếng thăm. Ảnh: Quốc Vinh
Nơi đây bạn cũng sẽ dễ dàng gặp được "Nữ hoàng" nếu trong túi có rủng rỉnh tiền bạc. Ảnh: Quốc Vinh
5. Chợ ẩm thực và trái cây ở Honolulu (bang Hawaii)
Nằm trong Khu Phố Tàu (Chinatown) của quần đảo thủ đô Honolulu, khu chợ này có nhiều món ăn và hàng hóa đến từ châu Á và Hawaii bao gồm thịt, hải sản, trà, quần áo, nữ trang và dây chuyền hạt kukui.
Khu chợ có hai tầng với nhiều cửa hàng bán các món ăn địa phương của Hawaii, ẩm thực của các quốc gia châu Á và Thái Bình Dương khác nhau và thậm chí cả từ nước Ý. Dĩ nhiên dứa sẽ là mặt hàng không bao giờ vắng mặt ở đây cũng như các món fastfood kết hợp như là Pizza dứa, hamburger dứa và sinh tố dứa.
Do Hawaii là bang có tỉ lệ người Châu Á đông nhất ở Hoa Kỳ vì vậy người Việt cũng đứng bán hàng rất đông vui nơi đây.
Chợ Maunakea cũng là nơi có Bảo tàng văn hóa của người Hawaii có nguồn gốc Châu Á.
Cổng tam quan với hai con sư tử ngồi chầu là nét phong thủy dễ nhận thấy của khu chợ Á Đông này. Ảnh: Quốc Vinh
Những món ngon đất Việt cũng được xuất hiện ở trong khu chợ ẩm thực. Ảnh: Quốc Vinh
6. Chợ người Pháp ở New Orleans (Louisiana)
Vào năm 1791, chợ người Pháp (French Market) được hình thành từ việc giao thương với người Mỹ bản xứ dọc theo sông Mississippi. Rồi nơi đây tiếp tục phát triển thành một trung tâm văn hóa và thương mại cho New Orleans, khi người Pháp và Tây Ban Nha thực dân mở cửa thị trường cho các tàu buôn và thương nhân từ khắp nơi trên thế giới đến kinh doanh.
Ngày nay, chợ người Pháp đã trở thành một trong những điểm đến phổ biến nhất trong thành phố. Rất nhiều quán ăn, nhà hàng và không gian ăn uống ngoài trời thu hút khách du lịch đáp ứng mọi nhu cầu từ đồ ăn nhẹ đến bữa ăn thịnh soạn và thậm chí cả hàng đóng gói để mang về chế biến tại nhà.
Những món ẩm thực mang tính biểu tượng của New Orleans có thể "bỏ túi" đó là Café Du Monde, cà phê châu Phi, gia vị Choctaw, Po-boys, cơm jambalaya, hàu và crawfish...
Ngoài ra vô số các hàng thủ công, cửa hàng boutique và cửa hàng đặc sản dọc theo Chợ Pháp bày bán mọi thứ từ áo phông đến đồ trang sức, phụ kiện cho lễ hội Mardi Gras hàng năm.
Từ bên ngoài của khu chợ Pháp. Ảnh: Quốc Vinh
Cho đến bên trong chợ, du khách dễ dàng nhận thấy chiếc mặt nạ đặc trưng của lễ hội Mardi Gras của thành phố. Ảnh: Quốc Vinh
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận