Nhưng không, dưới mắt chúng ta, đó vẫn là những câu chuyện cá biệt...
Bởi thế, không có gì lạ khi sáu học sinh lớp 12 của một trường THPT ở TP.HCM được cô giáo yêu cầu đánh bạn chỉ vì bạn đó đi học trễ đã không hề phản kháng mà vẫn làm theo lời cô. Từ câu chuyện này, có thể chúng ta sốt ruột với hàng loạt câu hỏi.
Tại sao các em biết đánh bạn là sai nhưng vẫn làm? Tại sao không em nào phản đối? Tại sao các học sinh khác của lớp ngồi dưới không lên tiếng? Tại sao em bị đánh phải đứng im chịu trận mà không phản kháng, không dũng cảm nói cho cô và cả lớp biết đó là hành động sai trái?...
Thử đi tìm câu trả lời, phải chăng lâu nay các em ít được dạy, ít được khuyến khích tranh biện, phản biện, thậm chí phản đối lại thầy cô giáo, cha mẹ. Ngược lại, gần như bất cứ điều gì thầy cô giáo, cha mẹ sai bảo là răm rắp làm, bất kể đúng sai...
Những câu hỏi này dẫn đến một câu hỏi lớn hơn: Khi nào và bằng cách nào chúng ta trang bị cho các em kỹ năng phản biện, hình thành quan điểm, suy nghĩ riêng của mình, biết phân biệt đâu là đúng, cái nào sai và dám có tiếng nói của mình?
Đừng sợ hãi khi con trẻ nói lên quan điểm, suy nghĩ khác với suy nghĩ của mình. Khi trẻ có suy nghĩ, tư duy độc lập, đó sẽ là nền tảng để trẻ phát triển các năng lực, ước mơ, hoài bão, kể cả sự sáng tạo của mình.
Cứ răm rắp theo khuôn phép, những gì người lớn đã bảo, rồi đây khó tránh khỏi những chuyện trớ trêu, phản cảm như đã từng diễn ra ở trường học nọ.
Và khi chúng ta đã chọn và muốn rèn luyện cho con em mình biết nói không với cái sai, người lớn cũng phải chấp nhận một thực tế sẽ có lúc con trẻ không thể răm rắp nghe theo những điều mà người lớn "đã phán".
Phải tiếp nhận suy nghĩ, tôn trọng quan điểm của con em và hướng dẫn, đồng hành để phát huy những suy nghĩ, quan điểm đó trở thành động lực, năng lượng tích cực cho trẻ.
Trở lại với câu chuyện sáu học sinh bị cô sai đánh bạn, khi hỏi một cậu bé đang học lớp 4 rằng con có làm vậy không, cậu bé không ngần ngại nói rằng: "Con không đánh, thậm chí con còn nói các bạn không đánh vì như thế là sai và con không tin cô giáo lại làm như vậy".
Câu trả lời của cậu bé 10 tuổi thật đáng mừng, đáng hy vọng và rất... trưởng thành! Và có lẽ bài học lớn nhất từ vụ cô giáo sai học sinh đánh bạn là phải dạy cho con em chúng ta kỹ năng phản biện, nói không với cái sai.
Những ngày này người ta đang nói nhiều về AI (Artificial Intelligence - trí tuệ nhân tạo) với những "siêu việt" mà nó mang lại.
Tuy nhiên, AI càng quan trọng và "lên ngôi" thì càng cần phải nhấn mạnh một I khác, đó là HI (Human Intelligence - trí tuệ con người). Giáo dục cần phải thay đổi để đào tạo, phát triển HI cho học sinh để học sinh làm chủ AI thay vì nô lệ, phụ thuộc vào nó.
Và một điều căn cốt hơn, sản phẩm của giáo dục phải là con người với đầy đủ ý nghĩa của nó. Sản phẩm của giáo dục nhất định không phải là "người máy" - mặc dù có thể làm gì cũng xuất sắc nhưng chỉ biết làm theo lệnh mà bất tuân hay - dở, tốt - xấu, phải - trái, đúng - sai...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận