03/04/2020 15:11 GMT+7

6 điều góp ý của một người đang được cách ly tập trung

Đ.T.C
Đ.T.C

TTO - Bạn đọc Đ.T.C. gửi email tới Tuổi Trẻ Online cho biết mình đang được cách ly tập trung phòng dịch COVID-19 và có ý kiến góp ý gồm 6 điểm gửi tới cơ quan chức năng với mong muốn việc tổ chức cách ly được hoàn thiện, hiệu quả hơn.

6 điều góp ý của một người đang được cách ly tập trung - Ảnh 1.

Một khu cách ly tập trung tại Hà Nội, nhiều người ở chung trong một gian phòng lớn - Ảnh: NAM TRẦN

Tôi là F1 (có tiếp xúc gần với người dương tính) nên được cách ly tập trung tại TP.HCM. Trong thời gian cách ly, tôi nhận thấy chương trình có một số bất cập. Tôi xin đóng góp mấy ý kiến để công tác cách ly tập trung được hoàn thiện hơn.

1. Ngay từ đầu, việc định nghĩa "tiếp xúc gần là gì?" đã rất mơ hồ, dẫn đến việc phân loại F1, F2 sai. Ví dụ: vợ hoặc chồng của F0, ăn chung, sống chung hằng ngày với F0, được phân loại là F1. Người đến giao hàng, chỉ gặp thoáng qua F0 cũng được xếp là F1. Do đều là F1, các biện pháp xử lý với hai trường hợp này giống nhau. Nhưng rõ ràng vợ/chồng của F0 có nguy cơ cao hơn người giao hàng rất nhiều lần.

2. Những người vào trung tâm cách ly được xếp ở chung phòng một cách ngẫu nhiên. Nếu một người trong phòng dương tính thì quá sức nguy hiểm cho những người còn lại vì nguy cơ lây nhiễm chéo. Ví dụ: Bệnh nhân số 224 khi vào cách ly được xếp ở cùng phòng với 3 người khác. Khi biết tin bệnh nhân 224 dương tính, cả phòng 4 người đều được đưa đi Bệnh viện dã chiến Củ Chi. Đến nay không có thông tin bệnh nhân 224 có lây nhiễm cho 3 người cùng phòng hay không.

3. Nhiều trường hợp đã cách ly được gần 14 ngày, chuẩn bị ra về thì bỗng nhiên được yêu cầu ở thêm 14 ngày nữa. Lý do: một người vừa vào cách ly từ mấy hôm trước ở cùng khu vừa được phát hiện dương tính khiến những người sắp hết hạn cách ly bỗng trở thành F1. Vòng luẩn quẩn này có thể kéo dài mãi 14 + 14 + 14 + ...

4. Xét nghiệm quá lâu mới có kết quả: sau 5 ngày ở trung tâm cách ly, bệnh nhân 224 mới có kết quả xét nghiệm lần 1 dương tính. Trong khoảng thời gian này, bệnh nhân 224 đã có thể lây cho những người khác tại trung tâm cách ly. Việc sau 4-5 ngày mới có kết quả xét nghiệm còn gây tâm lý cực kỳ căng thẳng với tất cả những người đang chờ đợi.

5. Các trung tâm cách ly thường là doanh trại bộ đội, ký túc xá sinh viên. Mỗi phòng được bố trí nhiều người ở, thậm chí có phòng hội trường được bố trí cho 30-50 người ở chung, sử dụng chung phòng vệ sinh, nguy cơ lây nhiễm chéo rất cao.

6. Nhà nước đang nỗ lực hết sức trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, nhân lực, khả năng xét nghiệm, cơ sở vật chất tại các trung tâm cách ly... đang quá tải nặng nề. Toàn bộ chi phí, Nhà nước đều đang gánh. Cán bộ y tế và chính quyền đang làm việc ngày đêm đến kiệt sức phục vụ cho việc cách ly.

Tất cả các điều trên chứng tỏ việc cách ly tập trung đang có dấu hiệu quá tải, khả năng lây nhiễm chéo tại các trung tâm cách ly rất cao. Tôi kiến nghị cần điều chỉnh gấp kế hoạch cách ly tập trung và tăng cường cách ly tại nhà với sự giám sát của cộng đồng.

Vì sao hết 14 ngày, người cách ly vẫn chưa được về nhà? Vì sao hết 14 ngày, người cách ly vẫn chưa được về nhà?

TTO - Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết để hạn chế nguy cơ mầm bệnh có thể ra cộng đồng, HCDC bắt buộc phải có đầy đủ kết quả của tất cả những người sẽ rời khỏi khu cách ly trong cùng ngày.

Đ.T.C
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên