12/11/2024 22:03 GMT+7

6 diễn viên ballet về nhà hát, sau một năm nghỉ cả 6

Tài năng ballet trẻ Nguyễn Đức Hiếu của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam kể hiện thực buồn khi nhà hát anh công tác vừa có 6 diễn viên múa ballet trẻ nghỉ đồng loạt.

6 diễn viên ballet về nhà hát, sau một năm nghỉ cả 6 - Ảnh 1.

Nghệ sĩ trẻ Nguyễn Đức Hiếu nói chỉ mong được cống hiến nhiều hơn - Ảnh: T.ĐIỂU

Nghệ sĩ Nguyễn Đức Hiếu chia sẻ tại hội thảo Tài năng trẻ - Nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa, nghệ thuật do tạp chí Văn Hóa Nghệ Thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức ngày 12-11 ở Hà Nội.

Tài năng trẻ: buồn và xót xa

Nguyễn Đức Hiếu từng du học ballet ở Mỹ bằng học bổng do phía Mỹ tài trợ. Không giống nhiều đàn anh, Hiếu lựa chọn trở về, làm việc tại Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam.

Tình yêu ballet và nhiệt huyết của tuổi trẻ khiến Hiếu rất muốn cống hiến thật nhiều cho nhà hát, cho nghệ thuật ballet. Bạn mong mỗi năm được làm 9-10 vở ballet mới thỏa lòng.

Nhưng hiện nay mỗi năm nhà hát dựng được khoảng hai vở. Hiếu cùng các nghệ sĩ trẻ khác loay hoay không biết sau vở thì làm gì, chạy sô hay tiếp tục tập cơ bản đợi vở mới.

Hiếu và các đồng nghiệp muốn cống hiến nhiều hơn chẳng phải vì thu nhập, mà để được làm nghề. Nhưng sáu đồng nghiệp trẻ vừa về Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đã nghỉ toàn bộ sau một năm.

Cơ chế mới không cho các nhà hát dùng cơ sở vật chất để kinh doanh dịch vụ khác khiến họ không có nguồn thu để nuôi các nghệ sĩ, phải cắt nhiều hợp đồng lao động, không giữ chân được các tài năng trẻ.

"Đào tạo được một diễn viên múa ballet mất khoảng bảy năm. Nhưng chỉ sau một năm về nhà hát, các bạn cảm thấy không có chỗ làm nghề, không có chỗ duy trì việc tập luyện, phải tìm công việc khác để sống", Đức Hiếu nói.

Ngoài ra còn có rất nhiều tài năng múa lại lựa chọn làm việc ở nước ngoài.

Như biên đạo, diễn viên ballet Phạm Minh đang làm việc tại Pháp, Tú Hoàng đang làm việc tại Hà Lan. Nhìn vào thế hệ trước, Đức Hiếu khẳng định Việt Nam có rất nhiều nhân tài. Bạn "yêu Việt Nam vô cùng" vì điều đó.

6 diễn viên ballet vừa về nhà hát, sau một năm nghỉ cả 6 - Ảnh 5.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khoa mong các nhà quản lý văn hóa văn nghệ yêu văn hóa văn nghệ hơn - Ảnh: T.ĐIỂU

Đức Hiếu khẳng định vẫn rất tha thiết yêu đất nước mình và muốn cống hiến cho nghệ thuật nước nhà. 

Nghệ sĩ gen Z mong những điểm nghẽn về cơ chế chính sách trọng dụng tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật sẽ được tháo gỡ, để những tài năng trẻ không bị hoài phí.

Người làm quản lý phải yêu văn hóa nghệ thuật hơn

Nhà văn trẻ Nguyễn Xuân Khoa, đồng thời cũng là một người thực hành văn hóa truyền thống, từ âm nhạc đến áo dài, bày tỏ mong muốn các nhà quản lý phải biết yêu và trân trọng thì mới có thể hỗ trợ tốt cho văn hóa nghệ thuật, nuôi dưỡng tài năng trẻ.

Nhà văn Thiên Sơn nêu hiện thực nhiều nhà văn trẻ hiện nay rất khó khăn trong việc được ghi nhận, được đánh giá. Văn hóa nghệ thuật trong cơ chế thị trường lại bị nghiệp dư hóa hơn, văn nghệ sĩ không sống được bằng nghề mà đều phải có công việc khác để nuôi nghề…

Rất nhiều ý kiến tham luận tại hội thảo chỉ ra những bất cập trong chính sách từ phát hiện, đào tạo tài năng văn hóa nghệ thuật cho đến việc sử dụng tài năng trẻ trong lĩnh vực này.

Ông Hoàng Hà - tổng biên tập tạp chí Văn Hóa Nghệ Thuật - kết luận hội thảo cho biết ban tổ chức ghi nhận toàn bộ các ý kiến đóng góp tổng hợp để gửi lên lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

6 diễn viên ballet vừa về nhà hát, sau một năm nghỉ cả 6 - Ảnh 1.Người trẻ truyền năng lượng tích cực 2023: Nghệ sĩ cải lương gen Z lan tỏa giá trị truyền thống

Đi ngược lại với lựa chọn nghề nghiệp của nhiều bạn trẻ, Nguyễn Hồng Bảo Ngọc đã lựa chọn theo đuổi nghệ thuật truyền thống. Cô thành quán quân cuộc thi tìm kiếm tài năng cải lương Bông lúa vàng năm 2019, khi mới 16 tuổi.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên