Vào những ngày hè oi bức, một bát canh dầm với sấu chua là món ăn yêu thích của nhiều gia đình. Sở dĩ sấu được nhiều người ưa chuộng đến vậy, không chỉ nhờ hương vị thơm ngon, chế biến được nhiều món mà còn bởi những giá trị cho sức khỏe mà nó mang lại.
Bàn luận về sấu, lương y Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội) cho hay: Sấu có tên khoa học Dracontomelum duperreanumP, thuộc họ Đào lộn hột. Từ xa xưa, sấu không chỉ được ưa chuộng để làm nguyên liệu trong nấu nướng mà còn được áp dụng vào nhiều bài thuốc trị bệnh. Trong Đông y, sấu có vị chua, tính bình, chát khi quả còn xanh, khi chín chuyển sang vị ngọt. Sấu được đánh giá là có công dụng giải khát, sinh tân dịch, giải độc, giải rượu, phong độc, giảm tình trạng nôn do thai nghén.
Theo các nhà nghiên cứu, chỉ một quả sấu đã có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, gồm 86% nước, 1% axit hữu cơ và nhiều khoáng chất có lợi như protid, gluxid, cenluloza, canxi, sắt, vitamin C…
Nhờ giá trị dinh dưỡng lớn mà sấu được các chuyên gia Đông y tin dùng trong nhiều bài thuốc trị các bệnh thông thường, dùng được cho cả người già và trẻ nhỏ.
1. Trị nhiệt miệng, háo khát, ngứa cổ, đau họng
Cách 1: Đem 8g cùi sấu khô hãm với nước đun sôi, uống hàng ngày. Dùng liên tục trong 1 tuần.
Cách 2: Chọn những quả sấu chín, dầm đường hoặc muối. Nên ăn hết trong 1 ngày.
Cách 3: Đem 4 – 6g cùi sấu khô sắc với 2 bát nước. Đến khi lượng nước trong nồi còn nửa bát là hoàn thành. Nên uống sau bữa ăn sáng.
2. Điều trị mụn nhọt, lở ngứa
Cách làm: Đun nước tắm làm từ lá sấu tươi. Ngoài ra, bạn có thể giã nát lá sấu, bọc trong băng gạc đắp lên vết mụn.
3. Giải rượu
Cách 1: Chọn 4 – 6g cùi sấu khô sắc lấy nước uống hoặc dùng để hãm với nước sôi.
Cách 2: Dùng nước sấu ngâm đường kết hợp với gừng để làm thuốc giải rượu rất hiệu quả.
4. Chữa nôn nghén cho bà bầu
Dùng quả sấu để nấu canh với thịt vịt hoặc cá diếc. Ngoài ra, có thể cho phụ nữ mang thai uống nước sấu xanh ngâm đường cũng giúp khắc phục tình trạng nôn nghén hiệu quả. Tuy nhiên, lưu ý bà bầu không nên uống nhiều nước sấu vì có thể gây tăng đường huyết, không tốt cho sức khỏe mẹ và bé.
5. Chữa bệnh ho
Cách 1: Ngâm 15g cùi quả sấu tươi với ít muối. Ngày ngậm 3 – 5 lần, nên ngậm vào buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ.
Cách 2: Chuẩn bị 25g cùi sấu tươi, 250ml nước. Đem nguyên liệu đi sắc thành nước uống, đến khi lượng nước còn 100ml thì có thể mang ra dùng. Chia bài thuốc thành 2 lần uống, có thể cho thêm đường nếu muốn tăng hương vị. Uống trong 3 ngày.
Cách 3: Dùng hoa, quả sấu sắc với 300ml nước đến khi còn 100ml. Chia lượng thuốc ra uống 2 – 3 lần/ngày.
Đối với trẻ em, bạn dùng hoa sấu hấp cùng mật ong thành thức uống trong ngày. Ngày uống vài lần sẽ thấy bệnh tình thuyên giảm
6. Thúc đẩy tiêu hóa
Cách làm: Rửa sạch sấu, hấp với đường để làm thức uống giải khát dùng trong ngày. Hoặc dùng sấu tươi nấu thành canh chua để ăn cũng rất ngon miệng và có lợi cho hệ tiêu hóa.
Lưu ý:
Theo lương y Bùi Đắc Sáng, sấu có vị chua, đặc biệt là sấu xanh nên không phải thực phẩm phù hợp cho bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng. Bệnh nhân không nên dùng sấu tươi hoặc các loại đồ uống, món ăn có nhiều sấu. Người bình thường hạn chế ăn sấu khi đang đói vì có thể gây cồn cào trong bụng, làm tổn thương dạ dày.
Trẻ em dưới 12 tuổi cần tránh ăn nhiều sấu bởi hệ tiêu hóa của bé còn nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng do hàm lượng axit trong sấu.
Vào mùa hè, dù có yêu thích món nước sấu ngâm đến đâu, bạn không nên dùng nhiều loại đồ uống này vì chúng chứa hàm lượng đường rất cao. Nếu uống nhiều sẽ làm tăng đường huyết, tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì, tiểu đường, tim mạch…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận