Bảo “gà” (bìa phải) và năm người em: Đạo, Hảo, Hồng, Chung, Tít trong căn nhà của mình - Ảnh: Đăng Khoa |
“Sa toan a hoay (nhớ mẹ)” - bé mới học lớp 2 Plây Thi Hồng thút thít! Thằng Anh lớn nhất tên Plây Bảo (14 tuổi) quay sang nạt đứa em: “Nao pí” (ngủ đi). Mấy đứa còn lại Plây Thi Hảo, Plây Đạo, Plây Thi Tít, Plây Chung nằm lặng lẽ. Bảo quay sang nói với em gái là Hảo: “Pa ghi nao má chúk” (mai đi lấy củi). Thao thức một lúc lâu, mấy đứa trẻ chìm vào giấc ngủ. Riêng Bảo cứ trở mình trằn trọc...
Ngôi nhà thiếu tình thương
Mưu sinh Trước đợt nghỉ hè năm ngoái, thầy giáo Pi Năng Hè thấy Plây Bảo nghỉ học nhiều nên đi tìm, thấy người cha cầm roi bắt Plây Bảo và người em là Plây Đạo mới học lớp 1 mỗi đứa đeo một khúc gỗ lớn trên lưng. Hai đứa xắn quần lên như cái khố rồi lội qua năm con suối và đường rừng hơn 7km ra ngoài trung tâm xã Ma Nới để bán lấy tiền! |
“Đây là suối Giăng Đe, chỉ cần mưa xuống là nước suối dâng ngập đến cổ. Xe máy muốn qua suối phải cần đến ba thanh niên khỏe mạnh dùng gậy gánh qua. Muốn tới Tà Nôi thì đi thêm 10km, qua bốn con suối lớn như vầy nữa” - thầy giáo tiểu học Pi Năng Hè, người dẫn đường từ trung tâm xã, cảnh báo. Thôn Tà Nôi (xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận) là nơi xa nhất của tỉnh Ninh Thuận, nằm tách biệt hoàn toàn trong rừng. Có vài chục hộ dân sống tập trung với nhau. Nhà của anh em Plây Bảo chênh vênh trên một góc đồi, phía sau là đám rừng rộng, có chỗ trơ trọi do chặt phá.
Lúc chúng tôi đến, bốn đứa Đạo, Hồng, Tít, Chung đang co ro trong góc nhà, mặt mũi lem luốc. Chị gái Thi Hảo mới 12 tuổi, hai tay xách hai can nước ở suối gần nhà lầm lì đổ vào chiếc chum lớn trong bếp. Đám trẻ khát, uống lấy uống để. Hảo xếp lại mấy cái xoong cũ, tạo ra những tiếng động lớn, bỗng quẳng một chiếc bát đi rồi bỏ chạy. “Từ ngày cha nó nhậu say lấy kéo cắt trọc tóc, nó bị bạn bè trên lớp trêu chọc, phải đội mũ cả năm trời. Nên giờ có người lạ đến là nó sợ” - thầy Hè giải thích.
Căn nhà không có bóng người lớn. Plây Bảo rụt rè nói tiếng Kinh bập bẹ: “Ông ấy (cha - PV) bỏ đi lâu rồi!”. Ngôi nhà trống hoác, đóng chặt cửa, không có gì ngoài hai chiếc giường và đống quần áo cũ xếp lộn xộn. Không gian ngột ngạt, hơi nóng phả vào người. Đám trẻ tụ lại, ngồi im trên chiếc giường gỗ dõi mắt ra.
Nói về hoàn cảnh của Bảo và năm người em mà mỗi đứa cách nhau 2 tuổi, ông Cà Mau Hiền (bí thư xã Ma Nới) kể đó là trường hợp buồn đặc biệt. Cha chúng nghiện rượu, ghen tuông, đánh đập vợ con nhiều năm liền. Vì quá uất ức nên giữa năm 2013, người vợ uống thuốc trừ sâu tự tử. Đứa nhỏ nhất khi ấy mới hơn 1 tuổi. “Chính quyền địa phương và dòng tộc đã nhiều lần gọi lên xử lý nhưng không được nên mới xảy ra sự việc đáng tiếc như vậy, để lại đàn con nhỏ vô tội côi cút” - ông Hiền ưu tư.
“Vợ chết, thằng chồng bỏ đi, cả năm về được mấy lần, uống rượu say là đánh đập con. Thiếu tiền, nó lấy cả bao gạo con khó nhọc kiếm được đi bán để uống rượu. Mấy người trong thôn muốn thay nhau nuôi nhưng nó không cho, hễ biết được là đòi đốt nhà” - bà Palây Thị Quyênh, hàng xóm, bức xúc kể.
Khi trời vừa hửng sáng, Bảo “gà” đã thức dậy vào bếp bắc nồi cháo và đánh thức Thi Hảo, dặn ở nhà gánh nước, lấy củi rồi cho em ăn. Cách hai ba ngày, Bảo lại vào rừng hái mủ chai, chất nhựa tiết ra từ cây căm liên khi sâu đục vào thân. “Hôm nay đi gần, qua hai con đồi nữa là tới. Những cây lớn, có mủ khô rơi ở gốc, nhìn kỹ mới thấy, nó giống như cành cây khô rũ xuống” - Bảo tự tin hơn so với lần đầu tiếp xúc chúng tôi. Đường rừng lởm chởm đá, gai mắc cỡ chằng chịt, có mấy chỗ dốc cao lên xuống, Bảo chân trần vẫn bước thoăn thoắt.
Chọn được một cây có mủ, một tay đeo túi, một tay bám tạo lực đẩy từ chân lên, chẳng mấy chốc Bảo đã leo lên được cây cao hơn chục mét. Nó với người ra hái mủ chai ở những cành cây xa, phía dưới là những triền dốc nguy hiểm. Có lúc leo được nửa cây, Bảo nhảy xuống nói có kiến vàng ở trên nên phải chọn cây khác. “Nếu leo được lên đến ngọn, thấy kiến nhưng vẫn hái, cắn thì chịu”. Chỉ trong buổi sáng, Bảo đã trèo được hơn 20 cây rừng.
Bữa cơm 5.000 đồng
Quá nửa trưa, Bảo mới chịu về với lưng túi mủ chai và mấy nhánh phong lan rừng. Ghé tiệm tạp hóa trong thôn, nó bán được hơn 1kg mủ chai và nhận 17.000 đồng. Nhà còn gạo nên nó dành toàn bộ số tiền đó để mua cá khô. “5.000 đồng được mười con cá bằng một ngón tay. Ăn được hai bữa” - Bảo vui vẻ.
Về đến nhà, mấy đứa em đang chơi luẩn quẩn trước sân. Bảo lại lúi cúi nhóm lửa, bắc nồi cơm rồi nướng cá. Đó là loại cá khô để lâu ngày, bốc mùi ngai ngái, khó chịu, khi ăn có vị đắng. Bảo nướng cá trên bếp củi và lấy ra ăn ngay sau đó mà không cần biết chín hay chưa. Mấy đứa em háu đói vây chờ chực.
Tối đến, khi đứa em Thi Hồng cứ luôn miệng kêu nhớ mẹ thì Bảo kể về mẹ mình bằng những câu chuyện chắp nối, đứt đoạn vì xúc động về cái chết oan ức cách đây hơn một năm. Bảo nói khi mẹ uống thuốc tự tử, ông bố chỉ cho ăn trứng gà sống để nôn ra mà không đưa đến bệnh viện ngay. Một tuần sau mới đưa đi, nhưng ông bố không cho đưa lên bệnh viện tỉnh mà giữ lại ở bệnh viện huyện. Hai tuần sau thì mẹ Bảo mất. Lo đám ma xong cũng là ngày ông bố bỏ đi.
Mấy đứa con ngơ ngác không cha mẹ tự đùm bọc nhau mà sống. Đứa lớn làm thuê nuôi đứa nhỏ. Nhưng cái đói, cái khổ khiến người ta quẫn bách. Cách đây ba tháng, người chị lớn nhất Plây Thi Thôn, 16 tuổi, nói với Bảo không chịu nổi cảnh này nữa rồi bỏ đi, dựng một căn nhà ở riêng, không đoái hoài gì đến anh em Bảo. Một mình Bảo xoay xở làm cỏ thuê, hái măng rừng, vác đá xây tường... để nuôi đàn em nhỏ.
Cũng vì đi làm thêm nên Bảo vắng học nhiều, phải nghỉ học lớp 6 một năm. Giờ chỉ còn mỗi Plây Thi Hồng đang học lớp 2 tại trường thôn. “Nó mê học lắm, cứ khoảng 4g sáng lội rừng 10 cây số ra ngoài xã học rồi lại về. Trường có bán trú nhưng chỉ hôm nào mưa lớn, nước suối dâng cao, thầy giữ lại nó mới chịu ở. Nó bảo về với em” - thầy Ka Tơr Thám kể.
Không gian chìm đêm tối. Nhà hàng xóm vẫn sáng ánh đèn và âm thanh tivi. Bảo lụi cụi thắp đèn dầu. Hai chiếc giường kê sát, mấy đứa em nằm cạnh nhau, một lúc thì ngủ. Bảo lăn qua lăn lại, trở mình thao thức... Nửa đêm, trời chuyển mưa lạnh, sáu đứa trẻ vẫn co ro cạnh nhau trong chiếc chăn mỏng. Không rõ Bảo đã ngủ được chưa. Nghe như có tiếng khóc hòa trong mưa giữa núi rừng tăm tối!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận