16/09/2017 09:42 GMT+7

Nghề nhọc nhằn nhất châu Á

NGUYÊN HẠNH (Theo CNA)
NGUYÊN HẠNH (Theo CNA)

TTO – Khai thác lưu huỳnh, gồng gánh vượt qua các đỉnh núi nhọn hoắt quanh hồ núi lửa Ijen (Indonesia). Công việc hằng ngày của công nhân ở đây bắt đầu từ 6 giờ sáng giữa những cột khói lưu huỳnh độc hại.

Nghề khai thác lưu huỳnh ở hồ núi lửa Ijen. - Nguồn: CNA

Những cột khói lưu huỳnh bốc cao bên hồ núi lửa màu lục lam. Dọc khắp dãy núi đá lởm chởm, lưu huỳnh luôn trong tình trạng đốt nóng khiến hồ Ijen (Indonesia) trông như một thế giới khác.

Giữa đêm tối, nguồn năng lượng kinh người sâu trong lòng hồ núi lửa Ijen vẫn âm ỉ cháy, tạo ra "lửa xanh" như cách người địa phương gọi chúng. Du khách nối đuôi nhau tiến sâu vào lòng núi qua con đường trơn trượt. Họ trầm trồ trước cảnh tượng lạ lùng.

Cách đó không xa, những người thợ mỏ bắt đầu ngày làm việc. Lúc đó là 2 giờ sáng.

Cũng như các bạn của mình, ông Yatim chọn bắt đầu công việc từ rất sớm để tránh cái nóng gay gắt ban trưa và kiếm thêm nguồn thu từ việc dẫn du khách tham quan khu vực này.

Nghề nhọc nhằn nhất châu Á - Ảnh 2.

Thợ mỏ lưu huỳnh tại hồ núi lửa Ijen. - Nguồn: CNA

Công việc chính của những người thợ mỏ lưu huỳnh ở Ijen là khai thác những cột khói lưu huỳnh bốc lên liên tục quanh hồ. Lưu huỳnh sau đó sẽ được hóa lỏng trong các ống dọc sườn núi. Cuối cùng chúng được làm mát và rắn lại. Các công nhân sẽ đập nhỏ các khối lưu huỳnh và gánh đến những chuyến xe đang chờ sẵn.

Khói lưu huỳnh là kẻ thù đáng sợ nhất trong công việc khai mỏ. Chúng xộc thẳng vào mắt mũi khiến người ta choáng váng và đốt cháy buồng phổi.

Nhiều người thợ ở đây, người cao tuổi nhất đã 65 tuổi, chỉ dùng một tấm vải che mặt hoặc thậm chí chẳng đeo gì cả. Một số người nhận được mặt nạ từ các du khách để lại.

Nghề nhọc nhằn nhất châu Á - Ảnh 3.

Dù đã hư phần lọc, chiếc mặt nạ vẫn được ông Yatim sử dụng hằng ngày. - Nguồn: CNA

Ông Yatim vẫn sử dụng chiếc mặt nạ cũ để giảm tác động của khói lưu huỳnh dù biết phần lọc khí đã hư. Mỗi chuyến ông và những người khác phải gánh gần 80kg vượt qua các dốc núi kinh người. Ngoài khói lưu huỳnh, vai và hông ông như bị tra tấn trên từng bước đường dốc.

Tuy công việc có vẻ vô nhân đạo và thuộc về những thế kỷ trước, đó vẫn là nguồn mưu sinh duy nhất của công nhân ở đây.

Người đàn ông 44 tuổi này thường kiếm được 58 USD cho mỗi tuần làm việc. Số tiền nhận được phụ thuộc vào lượng lưu huỳnh họ khai thác được. Đối với họ, đây là một nguồn thu nhập khá.

Nghề nhọc nhằn nhất châu Á - Ảnh 4.

Họ nhận được tầm 58 USD cho một tuần làm việc, tùy vào khói lượng lưu huỳnh khai thác được. - Nguồn: CNA

"Mới đầu sợ công việc này nhưng đó là việc tôi phải làm", ông Yatim trầm ngâm.

Sau 12 năm làm việc, ông vẫn tỏ ra lạc quan và khoe rằng theo lần khám gần đây sức khỏe vẫn rất tốt. Công ty khai thác lưu huỳnh Candi Ngrimbi, nơi ông làm việc,  thường tổ chức kiểm tra sức khỏe cho công nhân.

Một nhân viên cấp cao của công ty khẳng định "không có vấn đề gì nghiêm trọng với sức khỏe" đối với nhân viên của họ hoặc các công nhân làm việc ở Ijen.

Nghề nhọc nhằn nhất châu Á - Ảnh 5.

"Vấn đề duy nhất là răng của họ". - Nguồn: CNA

Ngoài ra, Tổ chức Sức khỏe cộng đồng Licin thường mở 3 đợt kiểm tra sức khỏe mỗi năm dành cho các thợ mỏ. Ông Kholid, người đứng đầu tổ chức, cho biết không có ảnh hưởng nghiêm trọng nào đối với sức khỏe của những công nhân phải làm việc liên tục với lưu huỳnh này.

Tuy ông nhận xét "vấn đề lớn nhất là với răng của họ vì hàm lượng acid trong lưu huỳnh rất cao, dễ gây ăn mòn".

Nghề nhọc nhằn nhất châu Á - Ảnh 6.

Vẻ đẹp của hồ Ijen thật trái ngược với công việc nặng nhọc của những người thợ mở nơi đây. - Nguồn: CNA

Đúng 3 giờ sáng, Yatim thức dậy và chuẩn bị mọi thứ và đến nơi làm việc. Ông phải lên xuống liên tục đoạn đường núi dài 3km mỗi ngày. Dù đã quen với công việc nặng nhọc, cái lạnh buổi sớm vẫn thật đáng sợ với ông. Sương mù mang theo mưa và gió lạnh thấu xương.

Hừng sáng, mặt hồ acid lấp lánh màu lục lam. Mặc cho cực nhọc trên vai, thỉnh thoảng họ vẫn dừng lại ngưỡng mộ vẻ đẹp của hồ núi lửa Ijen.

Nghề nhọc nhằn nhất châu Á - Ảnh 7.

Để cho con cái có một tương lai tốt đẹp hơn, ông Yatim không nề hà công việc cực nhọc này - Nguồn: CNA

NGUYÊN HẠNH (Theo CNA)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên