Lễ ký biên bản bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu các tập đoàn, tổng công ty từ Bộ Công Thương về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sáng nay 10-11 - Ảnh: NGỌC AN
Sáng 10-11, Lễ bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu các Tập đoàn, Tổng công ty do Bộ Công Thương làm chủ sở hữu tại doanh nghiệp sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được tổ chức.
Như vậy, với riêng 6 tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công Thương được chuyển giao về, bằng tới ½ tổng số vốn nhà nước mà Ủy ban nắm giữ trên tổng 19 doanh nghiệp chuyển về Ủy ban.
6 doanh nghiệp thuộc diện bàn giao sang Ủy ban, bao gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (VINACHEM), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PETROLIMEX) và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (VINATABA).
Theo Bộ Công Thương, 6 doanh nghiệp do Bộ Công Thương nắm quyền đại diện chủ sở hữu đều là các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty mạnh trong lĩnh vực và có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế và đóng góp cho ngân sách nhà nước như: điện, than, dầu khí, xăng dầu, thuốc lá, hóa chất.
Ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương, cho biết việc bàn giao chức năng, quyền đại diện chủ sở hữu về Ủy ban quản lý vốn là thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về thành lập cơ quan chuyên trách.
Qua đó khắc phục các hạn chế, tồn tại trong các hoạt động của doanh nghiệp nhà nước cũng như nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý vốn nhà nước.
"Việc phân biệt chức năng đại diện chủ sở hữu là cần thiết để tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý nhà nước ngày càng tốt hơn" - ông Tuấn Anh nói.
Còn theo ông Nguyễn Hoàng Anh, chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết thực hiện theo Nghị định 131/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban đã chủ động phối hợp các bộ ngành để hoàn thành thủ tục chuyển giao.
Với Bộ Công Thương, đến nay đã hoàn thành hồ sơ chuyển giao của 6 tập đoàn, tổng công ty để làm cơ sở cho việc chuyển giao chính thức đại diện quyền chủ sở hữu.
Tuy nhiên, ông Hoàng Anh nhấn mạnh mặc dù các doanh nghiệp được chuyển giao về Ủy ban, nhưng vẫn tiếp tục chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Do đó, Chủ tịch '' đề nghị hai đơn vị tăng cường hơn nữa công tác phối hợp để hoạt động kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty đạt kết quả cao nhất, hoàn thành công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa theo phương án đã dược Chính phủ phê duyệt.
Trước thời điểm bàn giao, các công việc liên quan giữa hai cơ quan đã được làm rõ, trên tinh thần đảm bảo không làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tuân thủ các quy định hiện hành.
Hai cơ quan xác định cơ chế phối hợp để tiếp tục chỉ đạo và quản lý doanh nghiệp hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2018, thực hiện sắp xếp đổi mới doanh nghiệp theo phương án đã được phê duyệt.
Nội dung bàn giao gồm các tài liệu pháp lý của doanh nghiệp như: Quyết định thành lập doanh nghiệp; điều lệ tổ chức và hoạt động; quyết định phê duyệt Kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm và kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp; quyết định phê duyệt Quy chế tài chính, vốn điều lệ; quyết định bổ nhiệm các chức danh; báo cáo tài chính hợp nhất...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận