TP.HCM đứng thứ hai cả nước trong 6 tháng 2018 với tổng vốn đăng ký 3,68 tỷ USD. Ảnh KIM HÂN
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng qua vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt 5,54 tỷ USD, chiếm 27,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Một số dự án bất động sản lớn được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong 6 tháng qua gồm: Dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối và Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội, tổng vốn đầu tư hơn 4,13 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư với mục tiêu xây dựng khu đô thị thông minh, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội; Dự án Lotte Mall Hà Nội, tổng vốn đầu tư đăng ký 600 triệu USD, do nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư tại Hà Nội với mục tiêu xây dựng khu tổ hợp tiêu chuẩn quốc tế cao cấp bao gồm TTTM, khách sạn, văn phòng, căn hộ du lịch kinh doanh lưu trú ngắn ngày.
Bên cạnh đó còn có dự án Công ty TNHH Laguna (Việt Nam) do nhà đầu tư Singapore đầu tư tại Thừa Thiên Huế đã điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,12 tỷ USD vào tháng 5/2018.
Theo địa bàn đầu tư, Hà Nội thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký 5,87 tỷ USD. TP.HCM đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 3,68 tỷ USD.
Theo Savills Việt Nam, Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Hong Kong và Trung Quốc đang là những nhà đầu tư dẫn đầu về hoạt động ở khắp các phân khúc tại thị trường bất động sản Việt Nam. Thông qua việc kết hợp với các nhà phát triển trong nước, danh mục đầu tư các đơn vị đến từ những quốc gia này đang ngày càng mở rộng.
"Đối với họ, một thị trường bất động sản hơn 100 triệu dân với cơ cấu dân số trẻ và thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể là một cơ hội vô cùng hấp dẫn. Và tùy theo từng góc nhìn chiến lược, mỗi nhà đầu tư lại chọn một phương thức tiếp cận hoặc lĩnh vực đầu tư khác nhau, dù trong cùng một ngành địa ốc", ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam nói.
Ông Khương cũng cho biết thêm rằng nếu như các nhà đầu tư Singapore như Capitaland hay Keppel Land tập trung nhiều ở phân khúc căn hộ, nhà ở thì các nhà đầu tư Hàn Quốc lại ưa chuộng mảng bán lẻ, với hàng loạt các dự án siêu thị đồng giá, trung tâm thương mại tập trung tại Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng.
Đối với các nhà đầu tư Nhật Bản, thị trường Việt Nam được chú ý bởi sức hấp dẫn từ dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh và đẩy mạnh xu hướng đầu tư văn phòng và gần đây là sự tham gia vào lĩnh vực bất động sản nhà ở.
"Thị trường Việt Nam đang được các nhà đầu tư Hàn Quốc đánh giá là có bước phát triển tương đồng với quốc gia này cách đây vài thập niên và sở hữu nhiều cơ hội đầy hứa hẹn. Còn với nhà đầu tư Nhật Bản, tốc độ phát triển của nền kinh tế và nguồn lao động dồi dào chính là những nguyên nhân thuyết phục các công ty Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư vào mảng văn phòng, với những kì vọng vào khả năng phát triển lâu dài, bền vững của dự án", ông Khương cho biết thêm.
Thị trường Việt Nam đang được các nhà đầu tư Hàn Quốc đánh giá là có bước phát triển tương đồng với quốc gia này cách đây vài thập niên và sở hữu nhiều cơ hội đầy hứa hẹn.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận