Một tháng qua, hàng loạt vườn cao su ở huyện Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh (Quảng Trị) bị nhiễm bệnh lạ. Ngành nông nghiệp tìm ra hai loại nấm gây bệnh, nhưng vẫn chưa có phương thuốc hiệu quả nhất.
Bất an vì cao su rụng lá bất thường
Cuối năm 2023, bà Trần Thị Lan (ở thôn Phan Xá Phường, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ) phát hiện vườn cao su rụng lá bất thường. Cây cao su bị khô lá và cành, rồi rụng xuống gốc.
Ban đầu chỉ một vài gốc, nhưng ít ngày đã lây lan rất nhanh toàn vườn. Cả rẫy cao su trơ trọi lá, chỉ còn mỗi cành.
Cây rụng lá bất thường nên cũng không cho mủ, mỗi ngày gia đình bà Lan mất thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng.
"Một hai tháng tới mới đến kỳ rụng lá sinh lý của cao su, lá rụng xuống vẫn còn đỏ tươi. Đằng này lá khô quắt trên cây rồi mới rụng. Tốc độ bệnh lây lan chóng mặt nên gia đình rất lo lắng", bà Lan nói.
Tương tự, vườn cao su 1ha của ông Lê Văn Bình, thôn Phan Xá Phường, cũng bị rụng lá bất thường 3 tuần trước.
"Cao su trụi lá nhìn rất thảm hại. Nếu có cứu chữa kịp thời thì năm sau cũng giảm năng suất", ông Bình nói.
Toàn huyện Cam Lộ có 200ha cao su bị bệnh, trải đều ở nhiều xã. Hai huyện lân cận là Vĩnh Linh, Gio Linh cũng có 300ha nhiễm bệnh.
Bệnh xuất hiện chủ yếu ở cao su đang cho mủ, nên ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân.
Tìm ra nấm bệnh nhưng chưa có phương thuốc hiệu quả
Ông Bùi Phước Trang - chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị - cho hay đơn vị ghi nhận tình trạng bệnh lạ trên cao su đầu tháng 1-2024. "Đây là lần đầu xuất hiện hiện tượng này và trùng với thời kỳ cây rụng lá sinh lý nên dễ nhầm lẫn", ông Trang nói.
Ban đầu, chi cục hướng dẫn người dân ngừng cạo mủ, thu gom cành lá bị bệnh đưa khỏi vườn, tiêu hủy. Đồng thời, mẫu phân tích gửi Viện Bảo vệ thực vật cho kết quả do tổ hợp 2 loại nấm Colletotrichum và Neopestalotiopsis gây ra.
Một tuần trước, chi cục phun thuốc trừ bệnh ở 5ha tại huyện Cam Lộ và Vĩnh Linh. "Chi cục đang sử dụng hỗn hợp nhiều loại thuốc khác nhau để tìm ra loại hiệu quả tốt nhất, phù hợp với giai đoạn sinh trưởng của cây", ông Trang cho hay.
Ngoài việc chưa tìm ra phương thuốc đặc trị, do cây cao su có chiều cao lớn nên việc phun thuốc trừ bệnh phải sử dụng máy bay không người lái.
Tuy nhiên, thiết bị này người dân không thể tự trang bị mà phải thuê, nên việc phun thuốc trừ bệnh chưa đáp ứng kịp nhu cầu người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận