Phóng to |
Có tới 30-50% trong số 4 tỉ tấn thực phẩm được tạo ra hằng năm đã bị đổ vào thùng rác - Ảnh: National Geographic |
Kết luận buồn thảm này được đưa ra trong báo cáo “Thực phẩm toàn cầu: đừng lãng phí, đừng lãng phí nữa” của Viện Kỹ sư cơ khí Anh (IME) vừa được công bố ngày 10-1. Theo báo cáo khảo sát này, có tới 30-50% trong số 4 tỉ tấn thực phẩm được tạo ra hằng năm trên hành tinh (tức 1,2-2 tỉ tấn) đã không bao giờ đến được trên bàn ăn của chúng ta! Nhất là ở châu Âu và Mỹ có đến một nửa lượng thực phẩm được người tiêu dùng mua rồi vứt.
Trước đó, Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cũng công bố báo cáo “Tổn thất và lãng phí thực phẩm toàn cầu”, trong đó FAO cho biết hằng năm khoảng 30% lượng thực phẩm toàn cầu, tương đương 1,3 tỉ tấn, đã bị ném vào thùng rác! Báo cáo của FAO dựa trên nghiên cứu của Viện Thực phẩm và công nghệ sinh học Thụy Điển (Sik). Theo FAO, trong thời điểm giá thực phẩm thế giới đang duy trì ở mức cao, việc giảm lãng phí thực phẩm sẽ cải thiện đáng kể an ninh lương thực và cuộc sống của người dân tại những nước nghèo nhất thế giới.
Sự hoang phí đáng trách
"Tất cả thực phẩm lãng phí này có thể được sử dụng để nuôi sống một lượng lớn dân số trên thế giới đang thiếu đói. Chưa kể rác thải thực phẩm còn tác động xấu đến môi trường khi sản xuất nông nghiệp tiêu hao rất nhiều năng lượng, nước, phân bón và làm mất một diện tích lớn đất rừng" Giáo sư Tim Fox (Viện Kỹ sư cơ khí Anh) |
Nghiên cứu cho thấy ở các nước nghèo, có mức thu nhập thấp, người tiêu dùng thường mua một lượng thức ăn nhỏ mỗi lần. Người tiêu dùng nước giàu thường có xu hướng mua nhiều nên lãng phí lớn. Các siêu thị, nhà nhập khẩu ở châu Âu, Mỹ đề ra nhiều tiêu chuẩn rất khắt khe đối với thời hạn sử dụng thực phẩm. Lượng thực phẩm do người tiêu dùng ở các nước giàu bỏ phí lên đến 222 triệu tấn/năm, gần tương đương toàn bộ lượng thực phẩm của khu vực tiểu vùng Sahara ở châu Phi (230 triệu tấn).
Ngoài ra tại các nước giàu, hiện tượng lãng phí cũng xảy ra do cung vượt quá cầu. Nông dân các nước công nghiệp thường sản xuất nhiều hơn lượng hàng bán ra để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt nguồn cung do thời tiết xấu, sâu bọ...
Trong khi đó tại các nước đang phát triển, sự lãng phí thực phẩm chủ yếu xuất phát từ tình trạng hạ tầng yếu kém. Các cơ sở chế biến và đóng gói thực phẩm, các kho chứa... không đủ năng lực bảo quản hàng hóa tươi ngon lâu. Một phần lớn lượng thực phẩm bị loại bỏ trên đường từ cánh đồng đến siêu thị. Ví dụ ở Đông Nam Á, thất thoát lúa gạo dao động 37-80% tổng sản lượng lúa gạo quốc gia. Ở các nước nghèo, nông dân cũng thường lãng phí thực phẩm do thu hoạch vụ mùa quá sớm. Nông dân nghèo thường làm như vậy do thiếu tiền, vụ mùa kém... Lãng phí thực phẩm dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng ở các nước nghèo: nông dân mất thu nhập, giá thực phẩm ngày càng tăng cao.
Hàng trăm triệu người đói
Báo cáo của IME cho biết thế giới hiện sản xuất khoảng 4,4 tỉ tấn thực phẩm mỗi năm. Liên Hiệp Quốc ước tính vào năm 2075, dân số toàn cầu sẽ tăng lên tới 9,5-14,2 tỉ người. Có nghĩa là đến cuối thế kỷ này sẽ có thêm 2,5-7,2 tỉ miệng ăn nữa trên toàn thế giới. Thế giới sẽ đối mặt với những thách thức kinh tế, xã hội vô cùng to lớn. Và sự lãng phí như hiện nay sẽ dẫn đến những hậu quả thảm khốc.
Hai báo cáo được công bố trong thời điểm giá thực phẩm ngày càng trở nên đắt đỏ. Theo FAO, giá thực phẩm năm 2012 giảm 7% so với năm 2011, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do nền kinh tế toàn cầu suy thoái, tiêu dùng sụt giảm. Các năm trước, giá thực phẩm liên tục tăng vọt. Tình trạng này dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng. FAO cho biết từ năm 2010-2012 có khoảng 860 triệu người trên thế giới bị suy dinh dưỡng.
Báo cáo của IME cho biết sự lãng phí không chỉ dừng ở lượng thực phẩm vứt bỏ. Sự lãng phí có thể nhìn thấy ở mọi lĩnh vực trong dây chuyền sản xuất thực phẩm, trong sử dụng đất, nước và năng lượng. Chẳng hạn, 550 tỉ m3 nước đã bị lãng phí để trồng trọt và tạo ra lượng thực phẩm không bao giờ đến được trên bàn ăn của chúng ta. Do sự lãng phí này và với mức dân số tăng lên, nhu cầu nước sử dụng cho sản xuất lương thực có thể sẽ tăng lên đến 10.000-13.000 tỉ m3/năm vào năm 2050, gấp ba lần so với nhu cầu hiện tại.
Hai báo cáo kêu gọi chính phủ các nước và Liên Hiệp Quốc cần phải chung tay giúp các nhà sản xuất thực phẩm, nông dân, người phụ trách siêu thị và người tiêu dùng thay đổi cách suy nghĩ để tránh lãng phí thức ăn một cách vô ích. Các nước nghèo cần đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng. Những thay đổi này sẽ cung cấp thêm 60-100% lượng thực phẩm mà không cần phải tăng sản xuất, lại giải phóng được đất trồng và giảm mức tiêu thụ năng lượng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận