
Ông Bảy Thanh với những kỷ niệm về ba má bên dòng sông Sài Gòn - Ảnh: TỰ TRUNG
2025 - TP.HCM - khu Thảo Điền. Căn biệt thự ven sông lộng gió, khoảng sân rộng xanh mát cây, hoa, trung tướng Võ Viết Thanh tuổi 82 lui cui bên những chậu bông sứ khoe sắc quanh cặp tượng đồng bán thân khắc hình cha mẹ ông được đặt lộ thiên bên ngoài căn nhà giáp bờ sông mà ông dùng làm nhà thờ.
Mỉm cười khi chúng tôi khoe những tấm ảnh chụp khu Thảo Điền khang trang từ trên cao, ông bảo: "Tôi là cư dân khu này đến nay tròn 50 năm. Ngày ấy Thảo Điền rất khác...".
Thảo Điền thuở hoang vu
2-5-1975. Sài Gòn đã im tiếng súng được hai ngày.
Ông Võ Viết Thanh năm ấy 32 tuổi, chính trị viên tiểu đoàn thiết giáp thuộc Lữ đoàn đặc công biệt động 316 vừa hoàn thành xuất sắc sứ mệnh chiếm giữ cầu Rạch Chiếc từ ngày 28-4, mở cửa ngõ để đại quân tiến vào Sài Gòn.
Hôm nay, anh cùng vài chiến sĩ giong chiếc ghe nhỏ xuôi theo bờ sông Sài Gòn, mắt nặng trĩu dõi vào những bụi lá ken dày. Họ đang đi tìm thi thể của 52 đồng đội hy sinh trong trận chiến cuối cùng trước ngưỡng cửa hòa bình mấy hôm trước.
"Khi đến đúng khu này, tôi thấy như một bãi tập kết rác cùng một ngôi miếu nhỏ. Có bóng người, tôi cặp ghe vào hỏi thăm. Một ông cụ cho biết ông nhặt rác, phế liệu ở đây và lập miếu thờ người thân bị quân Pháp giết hại. Hòa bình rồi, ông đang chuẩn bị tìm về quê.
Câu chuyện của ông lão làm tôi bâng khuâng nhớ chuyện riêng của mình. Cha mẹ tôi cũng bị giết hại vì hoạt động cách mạng, thả trôi sông ngay trước nhà mình ở Lương Phú, Bến Tre...", ông Thanh hồi tưởng.
Sau đó ít ngày, Ban quân quản cấp cho ông căn biệt thự của một tướng Việt Nam cộng hòa bỏ lại trên đường Pasteur. Bước vào căn nhà xa hoa, ông không một mảy may động tâm. Đón vợ con từ quê lên, thím Bảy đi quanh nhà trong sân ngoài, ngơ ngác hỏi chồng: "Ở đây rồi làm gì mà sống?".
Ông Bảy Thanh mỉm cười giải thích: "Vợ tôi là dân ruộng. Nhà với bà ấy là phải có chỗ trồng cây dừa, cây chuối, luống rau, phải có chuồng nuôi con heo, con gà. Vô căn nhà phố, bà khóc ròng lo con đói. Tôi lại nhớ đến căn miếu bên bờ sông hôm trước, tha thiết muốn có một chỗ thắp nhang cho ba má bên dòng sông...".
Nghĩ là làm, Bảy Thanh quay lại bờ sông tìm ông lão nhặt rác, thương lượng mua lại mảnh đất với hai chỉ vàng vợ dành dụm được. Ít hôm sau ông lại viết đơn lên Ban quân quản trả lại căn nhà phố được cấp, xin phép được khai phá những khu vực hoang hóa xung quanh để lấy chỗ tạo lập cuộc sống cho anh em lữ đoàn 316.

Tấm hình kỷ niệm căn nhà cũ tại Thảo Điền của ông Bảy Thanh - Ảnh chụp lại: P.Vũ
Dọc sông Sài Gòn khi ấy chỉ mới có hai khu nhà nghỉ của hai doanh nhân thời chế độ cũ là Trương Văn Bền và Bùi Đình Nam. Sâu trong khu Thảo Điền có cư xá ngân hàng và làng báo chí mới tạo lập lác đác vài căn nhà thấp, mấy con đường đá đỏ ngoằn ngoèo. Còn lại là rừng lá mịt mùng bờ sông.
Sát Sài Gòn nhưng chiến tranh khiến an ninh chưa đảm bảo để khu vực phát triển, người dân chỉ tập trung trong thành phố, hay dựng nhà, buôn bán sát xa lộ Biên Hòa (tức đại lộ Võ Nguyên Giáp nay).
Không đường, không điện, không nước, không xóm làng, vợ chồng ông Bảy Thanh cùng vài đồng đội cất lên căn nhà lá, trồng lên mấy liếp dừa, dựng lên một cảnh quê. Nhà lá rồi từ từ đắp thêm tấm ván, thay thêm tấm gỗ, từ từ người này dọn đi, người kia dọn đến mà nên hình vóc.
Trên tường căn nhà lưu niệm bên sông của ông Bảy Thanh còn lưu vài tấm hình chụp vợ con bên căn nhà ván ngày ấy. Giữa lòng bàn tay ông còn hằn vết chai cưa gỗ xẻ ván tự tay làm nhà, vết sẹo ngày kéo dây bắt bóng đèn bị điện giật tung người.
Trong ký ức gia đình, ngoài mồ hôi thấm xuống đất còn có ba lần những tên trộm cướp cầm dao xuất hiện giữa đêm từ dưới sông, chẳng hề biết đây là nhà một vị tướng dạn dày trận mạc sinh tử.
"Ngày ấy thuyết phục mãi mới có vài anh em chịu xuống đây làm hàng xóm với tôi, nhưng rồi họ cũng không kiên nhẫn bám trụ được đến hôm nay", ông Thanh cười.
Hôm nay thì khu Thảo Điền được mệnh danh là "khu nhà giàu" với những biệt thự trăm tỉ cùng những lợi thế mỗi ngày mỗi tăng giá trị: cảnh quan - gió và không khí từ sông Sài Gòn, tiện ích từ tuyến metro, dịch vụ cao cấp, đường bộ đường thủy đều thông thương thuận tiện và tuyệt đẹp.
Thảo Điền đổi thay cùng sự phát triển của thành phố mà trong ấy có sự đóng góp tích cực của những cư dân đặc biệt từng là lính trận như ông Võ Viết Thanh.

Thảo Điền đẹp đẽ, phát triển hôm nay - Ảnh: TỰ TRUNG
Đi cùng nhiệt huyết Thanh niên xung phong
1975, cùng đoàn quân chiến thắng vào Sài Gòn, Võ Viết Thanh mới chỉ 32 tuổi nhưng đã có 15 năm trận mạc, đã được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang. Hòa bình, ông rời súng, bắt tay vào công cuộc tái thiết, dựng xây thành phố.
"Việc đầu tiên tôi nhận là... tiếp tục dẫn quân vào rừng, tiếp tục để lại vợ con ở mom sông Thảo Điền này", ông kể lại những ngày nhận nhiệm vụ chỉ huy trưởng Lực lượng Thanh niên xung phong TP Hồ Chí Minh.
Những năm ấy bao nhiêu việc lớn cần đến bàn tay của hàng chục ngàn thanh niên thành phố: khai hoang phục hóa, làm công trình thủy lợi những vùng nông thôn; xây dựng nông trường, các vùng kinh tế mới, khôi phục rừng ngập mặn Cần Giờ...
Nhưng dẫu cho bao nhiêu mồ hôi đã đổ xuống, bao nhiêu sức trẻ đã cống hiến, mười năm hòa bình đầu tiên lại là mười năm khó khăn với người dân TP Hồ Chí Minh.

Từ bãi hoang vu, rậm rịt cây cối, Thảo Điền giờ đã rất khang trang, thoáng mát - Ảnh: TỰ TRUNG
"Ban lãnh đạo thành phố đã tìm nhiều phương cách để xoay xở kể cả xé rào, giúp mình, giúp dân. Nhưng ngần đó không đủ, phải căn cơ hơn để thay đổi bằng được chính sách từ trung ương, thay đổi cả nước", ông Thanh nhắc lại.
40 năm đổi mới sau đó đã mang lại cuộc "thay da đổi thịt" đúng nghĩa cho thành phố và cả nước, dẫu cho tốc độ vẫn còn chậm so với tiềm năng.
Trong tổng kết 50 năm xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh hôm nay có ghi nhận hơn 10 năm (1991-2001) trung tướng Võ Viết Thanh giữ các chức vụ phó và chủ tịch thành phố, phó bí thư thành ủy đã có những đóng góp đột phá khi đảm nhận trưởng Ban chỉ đạo công trình cải tạo rạch Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đại lộ Nguyễn Văn Linh, đại lộ Võ Văn Kiệt và đường hầm Thủ Thiêm, mở rộng đại lộ Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp...
Bên căn nhà lộng gió sông Sài Gòn hôm nay, ông cười: "Khi nào thành phố xây dựng đường ven sông, lấy đủ lộ giới 50m, tôi lại sẵn sàng...".
Công cuộc đổi mới đã khởi đầu bằng việc nhìn thẳng vào sự thật, nhìn nhận rõ những sai lầm, hạn chế.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh năm 1985 Nguyễn Văn Linh đã tổng kết: "5 điều vi phạm:
Vi phạm đầu tiên của chúng ta là đã không đủ bình tĩnh để nhìn thành phố một khi được giải phóng hiển nhiên trở thành tài sản của chính chế độ ta.
Vi phạm thứ hai là chúng ta chưa nhận thức được thực trạng kinh tế - xã hội của thành phố - đã là một khu vực có trình độ phát triển tư bản chủ nghĩa nhất định.
Vi phạm thứ ba là chúng ta không đủ hiểu biết về lịch sử của quá trình hình thành và vai trò của nền công nghiệp thành phố trong cơ cấu công - nông nghiệp của khu vực.
Vi phạm thứ tư là chúng ta chưa đánh giá chặt chẽ những tồn đọng mà chế độ mới phải giải quyết.
Vi phạm thứ năm là chúng ta chưa xác định thật rõ hai mục tiêu của hoạt động kinh tế thành phố: mở rộng và nâng cao sản xuất và cải thiện đời sống cho nhân dân".
********************
"Đường ta đó thênh thang rộng mở/ Giữa bưng biền lộng gió reo vui/ Gửi ai chia ngọt sẻ bùi/ Từ miền đất mới ngập trời ngổn ngang/ Nào ai biết cảm quang, bán dẫn/ Chiếc wafer bày trận quái đồ/ Tí ti con chip nano/ Chung tay vun đắp cơ đồ mai sau", ông Phạm Chánh Trực ngân nga mấy câu mộc mạc mỗi khi đi xe ông rẽ vào Khu Công nghệ cao.
>> Kỳ tới: Mở đường đón con chip đến bưng biền
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận