TTCT - Ở tuổi 83, ông Nguyễn Ngọc Giao, người phiên dịch của Hội nghị Paris 50 năm trước, đang trẻ lại với những tháng ngày sôi động cũ. 83 tuổi, bước chân chậm rãi và chắc nịch, ông Nguyễn Ngọc Giao vừa trở về Việt Nam là hối hả làm ngay một chuyến đi dọc dài đất nước. Người phiên dịch của Hội nghị Paris 50 năm trước, với giọng nói trầm ấm, ánh mắt tinh anh hóm hỉnh và gương mặt đầy hứng khởi, đang trẻ lại với những tháng ngày sôi động cũ...Ông Nguyễn Ngọc Giao. Ảnh: Hữu HạnhTừ dự án "nằm vùng" đến nguyên tắc "kín miệng"Cơ duyên nào đã đưa ông từ một du học sinh nhận học bổng của Chính phủ Việt Nam cộng hòa đến với công việc phiên dịch cho các buổi họp báo của phía bên kia - phái đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa ở Hội nghị Paris?- Tôi theo gia đình di cư vào Nam năm 1954. Năm 1958, đỗ thủ khoa tú tài, được "giải thưởng Ngô Tổng thống" và học bổng sang Pháp du học. 1958 là năm nhân dân Algérie khởi nghĩa giành độc lập - 4 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ - Chính phủ Pháp vẫn tiến hành chiến tranh và đàn áp tàn bạo, khiến nhân dân Pháp, đặc biệt là thành phần trí thức, thanh niên, sinh viên phản đối mạnh mẽ. Thầy tôi, nhà toán học Laurent Schwartz, và những trí thức lớn của Pháp như Jean-Paul Sartre, Louis Aragon, Alfred Kastler… lên tiếng ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Algérie. Cá nhân tôi giác ngộ chính trị trong phong trào chống đế quốc ấy.Mùa hè 1962, khi Algérie giành được độc lập, Hội liên hiệp sinh viên toàn quốc Pháp (UNEF) huy động sinh viên sang Algérie góp phần tái thiết, tôi ghi tên tham gia, nhưng ông tham tán sứ quán Việt Nam cộng hòa từ chối cấp visa, nói "Việt Nam cộng hòa ủng hộ Pháp trong cuộc chiến tranh, chỉ có Bắc Việt ủng hộ Algérie". Nhờ bài học khai tâm của ông tham tán về sự liên đới giữa nhân dân các nước giành độc lập và sự cấu kết giữa các lực lượng thực dân và đế quốc, tôi từng bước ý thức được toàn bộ chính sách của nước Mỹ ở miền Nam nước ta cũng như ở nhiều nước trên thế giới, nhất là ở châu Mỹ Latin. Từ đó, vượt qua được sự e ngại về "cộng sản" (với những thông tin về cải cách ruộng đất và vụ Nhân văn giai phẩm), tôi dứt khoát tham gia phong trào Việt kiều ủng hộ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Cái giá phải trả, tất nhiên là bị cắt "học bổng quốc gia", cũng may là kiếm được chỗ "bán cháo phổi" ở khoa toán Trường đại học Paris 7. Năm 1965, tôi tham gia thành lập Hội liên hiệp sinh viên Việt Nam tại Pháp, mở đầu cho quá trình công khai hóa phong trào Việt kiều đã bị chính quyền Pháp cấm hoạt động từ năm 1959. Là tổng thư ký Hội liên hiệp sinh viên Việt Nam tại Pháp, tôi thường thay mặt hội dự các cuộc hội họp, mít tinh của phong trào Pháp chống chiến tranh xâm lược của Mỹ, ủng hộ nhân dân ta. Khi cuộc đàm phán Việt - Mỹ mở đầu tháng 5-1968, cũng với một số bác, anh em khác trong phong trào, tôi được cử tới giúp phái đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa, làm phiên dịch cho người phát ngôn, ông Nguyễn Thành Lê. Đó là cuộc nói chuyện tay đôi giữa Việt Nam dân chủ cộng hòa và Hoa Kỳ, nhằm buộc Mỹ phải chấm dứt ném bom miền Bắc.Ngày 25-1-1969, Hội nghị Paris về Việt Nam mới bắt đầu, với sự tham gia của bốn bên: Việt Nam dân chủ cộng hòa, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và Việt Nam cộng hòa. Từ đó tôi mới "đối mặt" với "bên kia". Ngẫu nhiên, người phát ngôn Việt Nam cộng hòa, đối phương của ông Nguyễn Thành Lê, là ông Nguyễn Triệu Đan. Tôi có quen mấy người em của ông Đan, thân sinh của anh em ông là bác Chấn - bạn… mạt chược của cha tôi ở Sài Gòn. "Đối tác" của tôi, người phiên dịch của ông Đan, là Jean Trần Văn Đôn, em ruột của tướng (André) Trần Văn Đôn.Lễ ký kết Hiệp định Paris ngày 27-1-1973Đằng sau một công việc phiên dịch cụ thể, phức tạp và kéo dài, còn có những công việc nào khác mà một người sống lâu năm ở nước Pháp như ông phải lo toan? Có bí mật nào mà bây giờ ông có thể kể?- Tôi bắt đầu làm phiên dịch cho phái đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa từ ngày đầu cuộc đàm phán Mỹ - Việt, 13-5-1968. Tôi còn nhớ mùi lựu đạn cay trên đường đi (cảnh sát Pháp đàn áp cuộc biểu tình tuần hành lớn của các sinh viên Pháp, với Jean-Paul Sartre đi đầu, mở đầu cuộc đấu tranh tháng 5-1968 của nhân dân Pháp). Có những tình cờ tạo ra ngã rẽ trong cuộc đời của một cá nhân.Số là, một ngày cuối tháng 12-1967, tôi được đề nghị trở thành một người "có khả năng nằm vùng trong hàng ngũ đối phương, leo sâu trèo cao. Cậu có ba tháng để suy nghĩ trước khi nhận lời, với điều kiện không nói với ai khác". Thế là trong gần suốt ba tháng, tôi sống trong tâm trạng rối bời. Một mặt, tôi không muốn, hết sức không muốn, lao vào một cuộc sống "hai mặt"; mặt khác, cách mạng cần, mà mình từ chối thì có khác gì đào ngũ?Chiều 21-3-1968, vài ngày nữa đến kỳ hạn mà tôi phải trả lời, tôi nhận được điện thoại của cơ quan tổng đại diện: ngày mai, một vạn trí thức Pháp tập hợp ở Hội trường Porte de Versailles, Paris, ủng hộ Việt Nam; nhà thơ Chế Lan Viên sáng tác một bài thơ, cần người dịch và đọc trước hội trường. Đêm hôm đó tôi phải dịch xong bài thơ và bài phát biểu, chiều hôm sau đọc tại hội trường. Truyền hình quốc gia Pháp đưa lên hình ảnh diễn đàn, với những nhân vật Pháp (Jean-Paul Sartre, Simone de Beauvoir, Louis Aragon, Elsa Triolet, Alfred Kastler, Vercors…), Hoàng Minh Giám, Nguyễn Thị Bình, Chế Lan Viên và tôi. Xuất đầu lộ diện như vậy rồi thì dự án "nằm vùng" tất nhiên là chìm xuồng. Và gần hai tháng sau, tôi trở thành phiên dịch cho phái đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Hội nghị Paris.Những phẩm chất nào là cần thiết nhất ở người phiên dịch nói chung và cho một cuộc đàm phán ngoại giao kéo dài, có tầm quan trọng đặc biệt, thưa ông? Ở thời điểm ấy ông đã được yêu cầu làm những gì và tuân thủ những quy định nào?- Đạo lý của người phiên dịch thì ở đâu và thời nào cũng thế, theo tôi hiểu, là dịch trung thành, chính xác, nếu dịch một cuộc nói chuyện riêng, một cuộc đàm phán thì ra khỏi phòng phải quên hết tất cả, không tiết lộ cho ai khác. Tất nhiên nguyên tắc "kín miệng" này không áp dụng cho tôi trong các cuộc họp báo hay phát biểu, trả lời phỏng vấn công khai, mà chỉ áp dụng đôi khi, tôi được cử đi phiên dịch cho bộ trưởng Xuân Thủy hay ông Lê Đức Thọ, cố vấn đặc biệt.Ngoại trưởng Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký hiệp định.Con kiến và câu chuyện thống nhấtTôi hình dung công việc của một người phiên dịch là phải hiểu vụ việc, sự vụ và các thuật ngữ, nếu có điều kiện thì phải được nghiên cứu tài liệu trước. Ông được đọc tài liệu, chia sẻ trước các thuật ngữ, ý tứ... sẽ dùng mỗi lần như thế nào? Có thuật ngữ nào gây khó cho ông khi dịch?- Ngoài dịch miệng trong các cuộc họp báo, tôi làm việc trong tổ báo chí, dịch sang tiếng Việt những bài báo tiếng Pháp và tiếng Anh. Trước mỗi buổi họp báo, có phiên họp chính thức của hội nghị (kéo dài từ 2-4 tiếng), nên tôi có thời gian để đọc bài phát biểu chính thức của trưởng đoàn và bản dịch tiếng Pháp. Do đó, những phát ngôn về lập trường của Việt Nam dân chủ cộng hòa không đặt ra vấn đề trong việc phiên dịch. Khó khăn của tôi, có thể nói là "ác mộng", là thủ trưởng Nguyễn Thành Lê thường điểm xuyết những câu trả lời của mình bằng ca dao tục ngữ Việt Nam. Dịch ca dao tục ngữ một cách "trung thành" từng chữ một thì không khó, nhưng ứng khẩu, làm toát được ý vị thì không phải lúc nào cũng thành công. Cho nên, trên đường từ trụ sở phái đoàn đến hội trường (cách nhau khoảng 15km), tôi thường hỏi: "Hôm nay anh có định dùng câu ca dao tục ngữ nào không?". Đáng nhớ, là một câu tôi thuộc lòng rồi "cái kiến mà leo cành đa…" mà ông Lê nhắc lại mỗi khi nhà báo hỏi "hôm nay có tiến bộ gì không?". Làm sao tiến bộ khi Mỹ rút quân nhỏ giọt và liên tiếp đòi "hai bên cùng rút". Ngày nào Mỹ còn đòi như vậy thì "cái kiến" chỉ có thể "bò ra bò vào" mà thôi. Đến mức, mỗi lần nhà báo hỏi "có tiến bộ nào không?", người phiên dịch chỉ cần nói "la fourmi" (con kiến) là mọi người cười xòa.Bộ trưởng Xuân Thủy (VNDCCH) trả lời báo chí sau một phiên họp Hội nghị ParisNước Việt Nam thống nhất, đó là điều hiển nhiên. Nhưng nghe nói, hai chữ "thống nhất" là vấn đề rất nhạy cảm trong 5 năm thương lượng?- Đúng như thế. Tìm đọc tần số xuất hiện của hai từ "độc lập" và "thống nhất" trong các văn kiện ngoại giao liên quan tới lịch sử Việt Nam hiện đại, chúng ta sẽ đo được sự cam go vô cùng tận của cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất của Việt Nam.Chỉ xin nêu ra hai ví dụ. Tháng 5-1946, cuộc thương lượng đầu tiên của hai chính phủ Việt Nam và Pháp diễn ra ở khách sạn Dalat Palace: phái đoàn Việt Nam do hai bộ trưởng Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Tường Tam (tức nhà văn Nhất Linh) cầm đầu, thiếu một thành viên là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, bị Pháp chặn đường không cho tới Đà Lạt. Hội nghị Đà Lạt tất nhiên thất bại vì đô đốc thày tu Thiery d'Argenlieu cho ra đời cái gọi là "nước cộng hòa Nam Kỳ" một cách xấc xược nhất để phủ nhận sự thống nhất của nước ta. Còn hai chữ "độc lập" thì các đại diện Pháp chỉ được phát âm tiếng Việt "doc lap", không được phát biểu bằng tiếng Pháp "indépendance" (độc lập), họ sợ ý niệm độc lập sẽ lây lan sang châu Phi, châu Mỹ Latin và Thái Bình Dương, đe dọa "đế chế Pháp".Nửa tháng sau ngày ký kết Hiệp định Paris (1973), ông Henry Kissinger được mời tới Hà Nội. Được dẫn đi thăm Viện bảo tàng lịch sử, khi người phiên dịch dịch bài thơ tứ tuyệt Nam quốc sơn hà nam đế cư…, nghe nói Kissinger cười mà rằng: "Ồ đây là chương I điều 1 Hiệp định Paris!". Để thấy rõ ý vị của câu nói nửa đùa nửa thật ấy, cũng nên kể lại ở đây một chi tiết mà ít người biết: giữa tháng 1-1973 (ba tuần sau cuộc ném bom B52 miền Bắc) trong cuộc đàm phán bí mật Lê Đức Thọ - Kissinger, phía Mỹ còn đưa ra một bản thảo, trong đó, ở chương I điều 1, "cậu đánh máy" còn quên hai chữ "thống nhất". Để thấy hai tiếng "thống nhất" còn nghẹn ở trong họng nhà ngoại giao đại tài của Hoa Kỳ như thế nào. Tiếng cười của Henry Kissinger trước trang sử Việt Nam thế kỷ 11 ở Viện Bảo tàng Hà Nội là một minh chứng cho tình huống "ngậm bồ hòn làm ngọt".Trong cuốn Cuộc đàm phán Paris về Việt Nam (1968-1973), ông Nguyễn Thành Lê thống kê từ 1968 đến ngày 27-1-1973, hội nghị đã họp 174 phiên công khai, 24 đợt gặp riêng bí mật ở cấp cao. Đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa đã tổ chức khoảng 250 cuộc họp báo. Tổng cộng ông tham gia dịch bao nhiêu phiên trong số đó?- Tôi xin chịu thua, không nhớ nổi. Xin nhắc lại tôi là phiên dịch giữa hai ngôn ngữ Việt và Pháp trong các cuộc họp báo công khai, hay trong những cuộc gặp ở ngoài khuôn khổ đàm phán, không tham gia những cuộc gặp riêng Lê Đức Thọ - Henry Kissinger (dùng tiếng Việt và tiếng Anh, do các anh trong nước đảm nhiệm). Nhiệm vụ của tôi là dịch cho ông Nguyễn Thành Lê, người phát ngôn của Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhưng đôi lần, tôi được "vượt tuyến" dịch cho ông Dương Đình Thảo, người phát ngôn của phái đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, khi anh Huỳnh Hữu Nghiệp, một anh em trong phong trào Việt kiều, bị cảm cúm, không dự cuộc họp báo.Tổng cộng trong gần 500 cuộc họp báo của cả hai đoàn và trong việc trả lời phỏng vấn của các nhà báo khoảng 1.000 lần suốt thời gian đó, sự cố trong quá trình làm việc của một người làm phiên dịch trực tiếp chắc là khó tránh khỏi. Ông có gặp sự cố nào đáng nhớ để kể?- Cho phép tôi kể lại một "sự cố" mà chính tôi là thủ phạm. Đó là khoảng năm 1971, khi chính quyền Nguyễn Văn Thiệu tổ chức bầu cử độc diễn, còn phía Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời kiên trì đòi Mỹ phải loại bỏ ngụy quyền Thiệu, Kỳ, Khiêm để đi tới một giải pháp chính trị cho vấn đề miền Nam. Các nhà báo luôn đặt ra những câu hỏi, khi trực tiếp, khi gián tiếp, để thăm dò xem những nhân vật nào trên chính trường được phía cách mạng chấp nhận một khi Thiệu Kỳ Khiêm bị loại bỏ. Trong những nhân vật đó, tất nhiên có tướng (Dương Văn) Minh. Mỗi lần có câu hỏi như vậy, tất nhiên ông Nguyễn Thành Lê trả lời một cách chung chung: phải loại trừ Thiệu Kỳ Khiêm, sẵn sàng nói chuyện với bất cứ ai tán thành đàm phán trong tinh thần độc lập, hòa bình, hòa hợp… Hôm ấy, sau khi hỏi về tướng Giáp khi bàn tới chiến sự ở Khe Sanh, một nhà báo nêu câu hỏi về tướng Minh. Ông Lê trả lời "Tướng Minh…", tôi dịch "Le général (tướng) fantoche (ngụy) Minh…". Tôi dịch chưa hết câu, ông Lê vội vã ngăn tôi và nói thẳng bằng tiếng Pháp: "Le général Minh…". Các báo The Washington Post, The New York Times… ngày hôm sau đưa tin: Người phát ngôn Bắc Việt hàm ý chấp nhận tướng Minh.Đối với không ít nhà báo, đây hẳn là một cuộc dàn cảnh khéo léo: Hà Nội dàn dựng việc phiên dịch ẩu để hàm ý (mà không phải tuyên bố) chấp nhận tướng Minh. Không thể tưởng tượng rằng đó chỉ là do sự ấu trĩ khuynh tả của người phiên dịch, vì nghĩ mấy phút trước nói tới "tướng Giáp", mấy phút sau lại nói "tướng Minh", hóa ra đánh đồng tất cả sao? Bệnh tả khuynh dẫn tới phạm sai lầm nghiêm trọng trong nguyên tắc phiên dịch: trung thành, dịch đúng, không thừa không thiếu.Cũng may là sai lầm này không gây ra tác hại nghiêm trọng nào, ngược lại, vô tình nó đã gây ra những đồn đoán, hy vọng le lói… trong báo chí và dư luận. Có lẽ vì thế mà sau đó tôi không bị phê bình gì. Anh Lê chắc cũng thấy ngay là tôi nhận ra sai lầm của mình và sẽ cố gắng không tái phạm.Một buổi họp báo tại Paris (năm 1973) của ông Lê Đức Thọ, cố vấn đặc biệt của trưởng đoàn đại diện Chính phủ VN dân chủ cộng hòa. Ông Giao (bên phải) là người dịch.Ông có thể đánh giá chung tình hình dư luận quốc tế lúc đó về cuộc chiến và cuộc đàm phán qua những câu hỏi họp báo mà ông nhận được?- Ấn tượng nhất đối với tôi là sự kính nể của các nhà báo (bất luận chính kiến) đối với người phát ngôn của Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời. Những tuyên bố, nhiều khi phải nhắc đi nhắc lại, tuần này qua tuần khác, tháng này qua tháng khác, không phải là những gì họ dễ chấp nhận và cảm thông. Nhưng với thời gian và sự kiểm chứng qua thực tế, báo chí phương Tây phải thừa nhận phía Việt Nam nói thật, nói thẳng.Tôi xin đơn cử hai thí dụ. Ngay từ những ngày đầu cuộc đàm phán, tháng 5-1968, ông Nguyễn Thành Lê tố cáo cuộc thảm sát mà quân đội Mỹ gây ra ở Sơn Mỹ vào tháng 3-1968. Lời tố cáo được tiếp nhận trong im lặng. 20 tháng sau, khi nhà báo Seymour Hersh công bố phóng sự điều tra về Mỹ Lai thì báo chí thế giới mới liên hệ hai sự việc, và hiểu Sơn Mỹ và Mỹ Lai là một.Thí dụ thứ hai: tố cáo chế độ lao tù dã man của chính quyền Thiệu, ông Nguyễn Thành Lê đã từng trích dẫn những đoạn hồi ký Bất khuất của Nguyễn Đức Thuận, nói tới chuồng cọp Côn Đảo. Tôi còn nhớ mãi những ánh mắt kinh ngạc, ghê rợn, đôi chút hoài nghi của các nhà báo. Phải đến năm 1971, khi nhà hoạt động chống chiến tranh Don Luce, theo lời chỉ dẫn của một sinh viên - cựu tù Côn Đảo, đưa đoàn đại biểu Quốc hội Mỹ tới chuồng cọp, và sau đó những hình ảnh tù nhân được phổ biến khắp thế giới, thì lúc đó, những người đã từng hoài nghi lời tố cáo của hai phái đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời mới hiểu rõ sự thực.Theo dòng thời gian, có thể thấy rõ diễn biến trong thái độ của các nhà báo quốc tế, những người không đồng tình cũng rất kính nể người phát ngôn của hai chính quyền cách mạng. Dư luận thế giới, trong đó có dư luận Mỹ, ngày càng đòi hỏi Mỹ phải rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, để nhân dân Việt Nam giải quyết công việc của mình. Phong trào ủng hộ Chính phủ cách mạng lâm thời ở ngay các nước phương Tây ngày càng lớn mạnh. Sáng 25-1-1969, phái đoàn Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ngồi vào bàn tròn cho cuộc đàm phán bốn bên. Trên những đường phố xung quanh hội trường, cờ Mặt trận và cờ đỏ sao vàng của kiều bào rực rỡ đón chào hai phái đoàn Việt Nam, áp đảo mấy lá cờ ba sọc của những người ủng hộ chính quyền Thiệu. 6 ngày trước đó, báo chí và truyền hình quốc tế đã truyền đi hình ảnh lá cờ xanh đỏ sao vàng phấp phới bay trên đỉnh cao của tháp chóp nhà thờ Đức Bà suốt ngày chủ nhật 19-1-1969. 54 năm sau, người ta mới biết đó là công tích của ba thanh niên Thụy Sĩ giỏi leo núi đã lái xe 600km từ Thụy Sĩ tới Paris để làm nên sự kiện này (cuốn sách của họ vừa được xuất bản ở Thụy Sĩ). Lá cờ ấy là công lao của chị Françoise, bạn đời của một trong ba người, vừa sinh con đầu lòng, đã thức trắng đêm để may lá cờ to lớn ấy. Ký ức của ông về ngày ký hiệp định như thế nào? Lúc đó ông ở đâu? Xúc cảm của ông khi ấy?- Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết buổi sáng 27-1-1973. Không có họp báo, tôi trở thành "thất nghiệp", được cử đi gặp một lớp học sinh Mỹ ghé thăm Pháp. Nhìn những thiếu niên ấy, nghĩ rằng các em sẽ không bị đưa sang Việt Nam để giết người và có thể bỏ mạng, nghĩ tới những đồng bào chiến sĩ đã hy sinh và có thể còn sẽ phải hy sinh nữa trong những tháng năm tới, tôi không cầm được nước mắt.Khó mô tả hết tình cảm của kiều bào Việt Nam tại Pháp, của những người đã tham gia phong trào cũng như của những đồng bào chưa lên tiếng, của các nhân sĩ, chính khách từng đứng trong chính quyền Sài Gòn những thập niên trước đó. Sự hòa hợp được thể hiện rất rõ trong đêm Tết được tổ chức trong tháng 2-1973.Khi công việc của ông sau mấy năm đàm phán hiệp định kết thúc, ông nhìn lại hành trình đó như thế nào?- Tôi trở lại hoạt động trong phong trào Việt kiều. Mùa xuân năm 1976, Liên hiệp Việt kiều và các hội đoàn phật tử, Công giáo… thống nhất thành Hội người Việt Nam tại Pháp. Tôi được làm việc chung trong một tổ chức với những anh chị phật tử, Công giáo… Điều đáng mừng là chúng tôi thật sự hòa nhập vào công việc chung, tổ chức chung. Từ sau 1975, tình hình biến chuyển rất nhanh. Bao nhiêu khó khăn dồn dập tới, từ bên ngoài, từ bên trong... Sự phân hóa xảy ra, nhưng hoàn toàn không do những khác biệt về quá khứ, mà xuất phát từ ước mong được thấy đất nước đi vào con đường xây dựng lành mạnh, dân chủ, tương xứng với bao nhiêu hy sinh mà dân tộc ta đã phải chịu đựng để giành lại được độc lập và thống nhất.Còn sau năm 1973 thưa ông, chính trường sôi động có làm toán học trở nên khô khan?- Toán học có những cái đẹp mà rất tiếc những người không làm toán hay bị "thất tình" trong việc học toán không cảm nhận được. Với những hoạt động chiếm lĩnh khá nhiều thời giờ và tâm trí, trở lại với toán học đối với tôi rất khó. Anh em bạn bè thường nói đùa, toán là thứ duy nhất mà tôi không làm trong đời. Nói thế cũng hơi quá, nhưng không hoàn toàn sai. Tôi may mắn còn thấy cái đẹp của toán và cố gắng, cho đến ngày về hưu, truyền lại cho sinh viên, và từ ngày về hưu, cho con cháu của bạn bè, trực tiếp hay online trong những năm tháng đại dịch vừa qua.■ Tags: Chính phủ Việt NamViệt Nam cộng hòaChiến thắng Điện Biên PhủNguyễn Thị BìnhViệt - MỹHiệp định ParisKý hiệp địnhLịch sử Việt NamNguyễn Ngọc GiaoLê Đức ThọHiệp định hòa bình Paris
Giám đốc Xuyên Việt Oil bị đề nghị 30 năm tù TUYẾT MAI 25/11/2024 Sáng 25-11, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM đã luận tội với 15 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Xuyên Việt Oil và các đơn vị liên quan.
Đang giao lưu trực tuyến: Những điểm mới về chuyển tuyến, chi trả bảo hiểm y tế TUỔI TRẺ ONLINE 25/11/2024 Dự kiến đầu tuần tới Quốc hội sẽ xem xét dự luật Bảo hiểm y tế sửa đổi với nhiều điểm mới như khám, chữa bệnh tại nhà được bảo hiểm chi trả...
Mạo danh shipper giao hàng lừa đảo ngày càng tinh vi CÔNG TRUNG 25/11/2024 Lừa đảo từ việc mạo danh shipper ngày càng tinh vi, khiến khách hàng lúng túng và rơi vào vòng xoáy mất tiền mà không hề hay biết.
Máy bay Nga bốc cháy dữ dội tại sân bay Thổ Nhĩ Kỳ THANH BÌNH 25/11/2024 Động cơ của chiếc máy bay chở khách do Nga sản xuất đã bốc cháy dữ dội sau khi hạ cánh tại sân bay Antalya, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 24-11.