Các tác phẩm triệu USD của mỹ thuật Việt - Ảnh: Getty Images
Vậy phiên đấu giá ấy đã diễn ra như thế nào? Một cuộc rượt đuổi "điên cuồng" cho bức tranh Portrait de Mademoiselle Phuong (tạm dịch: Chân dung cô Phương) của danh họa Mai Trung Thứ ngay tại sàn quốc tế Sotheby’s. Khi con số cuối cùng 3,1 triệu USD (hơn 72 tỉ đồng) hiện lên màn hình, kỷ lục hai năm trước đó của họa sĩ Lê Phổ đã bị phá sâu.
Cảm giác ngất ngây có lẽ sẽ khiến không ít người quên rằng trong phiên đấu giá, tác phẩm của họa sĩ Phạm Hậu được mở bán sau đó cũng đạt mức 1 triệu USD.
1 triệu USD, con số gợi nhắc về nhiều thứ. Năm 2017, lần đầu tiên tranh Việt đạt mức giá trên với bức tranh Family Life của họa sĩ Lê Phổ sau nửa thế kỷ ròng rã giao dịch. Tiến trình diễn ra rất chậm.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, mốc này liên tiếp bị xuyên thủng qua những lần tác phẩm của họa sĩ Phạm Hậu, Tô Ngọc Vân lên sàn đấu giá. Chỉ trong hai phiên gõ búa tối 18-4 và chiều 19-4, tổng giao dịch tranh Việt Nam đã lên đến 11,8 triệu USD.
Một nhà sưu tập nghệ thuật từng phát biểu: "Nếu thị trường chứng khoán có mức tăng trưởng liên tục gấp ba hay bốn lần một mùa, thì khi ấy thị trường nghệ thuật sẽ gặp khó khăn".
Ý này chưa hẳn đúng. Mặc cho chứng khoán lập đỉnh lịch sử liên tiếp từ năm ngoái đến nay, thị trường nghệ thuật vẫn thu về những tín hiệu tích cực.
Theo dõi sự tăng trưởng của thị trường, nhà nghiên cứu Phạm Long nhận định hoàn toàn có thể kỳ vọng 5 triệu USD là dấu mốc tiếp theo của nền mỹ thuật Việt Nam.
"Những cuộc đấu giá mới đây cho thấy tiềm lực tài chính của các nhà sưu tập mà tôi ngờ rằng họ là người Việt trong nước. Bỏ giá lên đến 3,1 triệu USD cho một tác phẩm của Mai Trung Thứ cũng đồng nghĩa họ nắm trong tay nguồn tài chính dồi dào đến mức có thể "cầm trịch" cuộc chơi mỹ thuật.
Nếu nhà sưu tập ở các nước trong khu vực cũng quyết định theo đuổi dòng tranh Đông Dương, con số 5 triệu USD có thể còn sớm bị vượt qua hơn cả kỳ vọng" - ông chia sẻ.
Giá tranh tăng cao dường như chỉ là chuyện sớm muộn. Thế nhưng, hầu hết những tác phẩm gây biến động mạnh đều thuộc về các danh họa thuộc thế hệ Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Tranh đương đại và tác phẩm của các họa sĩ còn sống tuyệt nhiên không cán được mốc 1 triệu USD. Điều đó rất đáng lo ngại.
Khi không có lứa tác phẩm kế tục trên sàn đấu giá, "sức khỏe" của nền mỹ thuật sẽ rơi vào tình trạng yếu ớt. Không chỉ vậy, nhà nghiên cứu Phạm Long cho rằng nếu sự thể kéo dài còn khiến đời sống mỹ thuật "lệch lạc".
Ông bộc bạch: "Tranh của các cụ thời kỳ Đông Dương đẹp, rất đẹp, nhưng chỉ xoay quanh chừng đó nội dung, khi thưởng thức nhiều dễ bị nhàm chán.
Ví dụ bức tranh giá 3,1 triệu USD của Mai Trung Thứ sở dĩ gây sốt bởi cách thể hiện khác hẳn lối vẽ sau này của ông, chứ những tranh khác thì sẽ không đạt mức giá đó. Trong khi đó, tác phẩm của họa sĩ đương đại khá thú vị và chủ đề rộng mở hơn nhiều".
Trong phiên đấu giá La Mystique de’Indochine: Paris tối 19-4 đã ghi nhận sự xuất hiện của những tác giả lần đầu lên sàn Sotheby’s như Nguyễn Uyên, Tú Duyên, Phạm Hoàng... Dù mức đấu giá đạt được chưa cao, đây vẫn là dấu hiệu chứng tỏ nhà sưu tập quốc tế dần cởi mở với tác phẩm Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận