26/05/2019 06:10 GMT+7

5 triệu tài khoản ví điện tử phải khai lại thông tin?

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TTO - Ngoài việc quy định mức giao dịch tối đa 20 triệu đồng mỗi ngày, không quá 100 triệu đồng một tháng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đề xuất các doanh nghiệp ví điện tử phải định danh bằng cách yêu cầu khách hàng nộp giấy tờ chứng minh.

5 triệu tài khoản ví điện tử phải khai lại thông tin? - Ảnh 1.

Khách hàng mua sắm và thanh toán tiền bằng tính năng VinMart Scan & Go tại siêu thị VinMart, Q.1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo NHNN, việc yêu cầu xác thực là cần thiết để đảm bảo an toàn cho thanh toán điện tử, tránh để bị lợi dụng bởi các hoạt động bất hợp pháp.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại tỏ ra băn khoăn khi cho rằng quy định này không chỉ gây khó cho khách hàng mà còn tạo áp lực cho các NH, nhất là yêu cầu trong vòng 6 tháng các tài khoản ví phải cung cấp thông tin để thực hiện xác thực kể từ ngày thông tư ban hành.

Vì sự an toàn của khách hàng

Ông Phạm Tiến Dũng, vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, cho biết thời gian qua đã phát triển vượt bậc. Đến nay có khoảng 5 triệu tài khoản ví điện tử. Chính việc phát triển rất nhanh của ví điện tử cũng đặt ra vấn đề làm sao đảm bảo an ninh an toàn trong giao dịch.

"Trong giao dịch điện tử, sợ nhất là không xác định được danh tính, xảy ra việc lợi dụng ví cho những hoạt động bất hợp pháp. Nhưng khó nhất là vấn đề định danh như thế nào? Nếu qua số điện thoại, người dùng sẽ lách bằng cách sử dụng sim rác, như vậy cũng không định danh được.

Muốn định danh bằng số điện thoại, trước tiên phải loại bỏ sim rác vì sim rác không xác định được danh tính, người dùng mất tiền thì không đòi được quyền lợi" - ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, NHNN đã quy định ví điện tử phải kết nối với tài khoản NH. Tại dự thảo thông tư sửa đổi thông tư 39 về dịch vụ trung gian thanh toán, NHNN đã đưa thêm một số ràng buộc, như về hạn mức giao dịch cũng như cung cấp thông tin để định danh.

"Tại sao phải đưa ra quy định này? Vì hiện có những ví điện tử có đến hàng triệu khách hàng, nếu lộ ra thông tin sẽ như thế nào? Phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. Các ví điện tử cũng phải chia sẻ với NHNN, không nên chỉ vì mục tiêu trước mắt mà không tính đến những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai" - ông Dũng đề nghị.

Ngoài ra, ông cũng khẳng định khi NHNN lấy ý kiến dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung thông tư 39 hướng dẫn về hoạt động trung gian thanh toán, có ý kiến cho rằng NHNN siết ví điện tử, nhưng quan điểm của NHNN là sẽ có chính sách đặc biệt cho ví điện tử phát triển chứ không kìm hãm.

Lo trùng lắp?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một doanh nghiệp ví điện tử cho rằng ví điện tử phải kết nối với tài khoản NH. Mà khi mở tài khoản NH, khách hàng đã phải cung cấp đầy đủ thông tin, bao gồm cả CMND.

Như vậy, khách hàng đã được xác minh nhân thân từ khi mở tài khoản NH nên việc yêu cầu phải nộp thêm CMND để định danh là không cần thiết và trùng lắp, bởi có thể xác thực khách hàng thông qua các thông tin định danh đã có tại NH hoặc nhà mạng.

Hơn nữa, nếu áp dụng quy định này, khoảng 5 triệu người đang sử dụng ví điện tử sẽ phải làm thủ tục khai báo bổ sung thông tin, gây áp lực rất lớn. Do đó, theo vị này, với những ví điện tử đã kết nối với tài khoản NH, không cần lặp lại yêu cầu xác thực người dùng.

"Ví điện tử hiện đã phổ biến, có đến hàng triệu khách hàng, việc nộp các chứng từ trên sẽ thực hiện theo phương thức nào, đến tận nơi hay thông qua NH hoặc nộp qua mạng?" - vị này băn khoăn.

Bà Nguyễn Thùy Dương, phó tổng giám đốc phụ trách dịch vụ tài chính NH Công ty Ernst & Young Việt Nam, cũng cho rằng chi phí thu thập thông tin định danh khách hàng khi mở một tài khoản NH vào khoảng vài trăm ngàn đồng mỗi trường hợp, chưa kể chi phí duy trì, lưu trữ.

Như vậy, để thực hiện lại việc khai báo thông tin khách hàng cho gần 5 triệu người dùng ví sẽ tốn kém chi phí vô cùng lớn, chưa kể người dùng mất thời gian, công sức làm thủ tục theo quy định.

Về phía người dùng, chị Thu Nga (Q.Phú Nhuận) cho biết khi mở ví điện tử đã phải kê khai các thông tin như ngày tháng năm sinh, quốc tịch, số điện thoại, số CMND, ngày cấp, nơi cấp với NH. Đặc biệt, số điện thoại phải là số dùng để đăng ký dịch vụ NH điện tử hay thẻ ghi nợ liên kết với ví thì NH mới cho nạp tiền vào tài khoản, tức là đã kê khai mọi thông tin cá nhân rồi.

"Thay vì yêu cầu khách hàng kê khai lại, nên có cơ chế xác thực giữa đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử và NH để thuận tiện cho người dùng" - chị Thu Nga nói.

5 triệu tài khoản ví điện tử phải khai lại thông tin? - Ảnh 2.

Nhiều chuyên gia cho rằng thay vì yêu cầu khách hàng kê khai lại, nên có cơ chế xác thực giữa đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử và NH để thuận tiện cho người dùng - Ảnh: TUYẾT KIỀU

Cần hướng "mở" hơn

Nhiều chuyên gia cũng đề xuất NHNN nên cân nhắc phương án cho phép cơ chế liên thông giữa NH với doanh nghiệp cung cấp ví điện tử, để NH đã xác thực chủ tài khoản rồi có thể chia sẻ thông tin của khách hàng và không cần doanh nghiệp cung cấp ví điện tử phải xác thực lại. Như vậy sẽ đỡ tốn kém thời gian, công sức của người dùng lẫn các ví điện tử.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Hưng, chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM), cho biết cái vướng hiện nay là NH không được chia sẻ thông tin cho bên thứ ba, nên NHNN lại yêu cầu ví điện tử phải định danh khách hàng một lần nữa.

Do đó, ông Hưng đề xuất các cơ quan quản lý nên có giải pháp chung để tháo gỡ vấn đề này nhằm tạo tiện lợi và an toàn cho người dùng. Đó cũng là tiền đề để đẩy nhanh thương mại điện tử.

Thừa nhận NHNN có lý do khi quy định chặt chẽ việc định danh khách hàng vì liên quan đến các giao dịch về tiền nhưng ông Phạm Quang Đệ, phó giám đốc khối NH số NH Bưu Điện Liên Việt (phụ trách Ví Việt), đề xuất khi chưa cho phép NH và các tổ chức thanh toán định danh khách hàng bằng phương thức điện tử, NHNN nên cho một số đơn vị uy tín thử nghiệm cơ chế này với các giao dịch nhỏ trước khi triển khai chính thức nếu đáp ứng yêu cầu.

Phó tổng giám đốc một NH tại TP.HCM cũng cho rằng việc yêu cầu kể từ ngày thông tư ban hành, trong vòng 6 tháng các tài khoản ví phải cung cấp thông tin để thực hiện xác thực với 5 triệu tài khoản ví điện tử sẽ tạo áp lực rất lớn.

"Nên cho phép với các khách hàng mở mới ví điện tử có thể giao dịch 2-3 lần đầu với số tiền nhỏ, trước khi buộc cung cấp thông tin đầy đủ nếu muốn sử dụng hết chức năng của ví điện tử. Như vậy sẽ giảm bớt áp lực cho người dùng lẫn nhà mạng, để người dùng làm quen với phương thức giao dịch không tiền mặt" - vị này đề xuất.

Chưa cho phép định danh khách hàng điện tử

Cùng với sự phát triển của công nghệ và để đơn giản hóa các thủ tục, giấy tờ, nhiều quốc gia đã chuyển sang hình thức nhận biết khách hàng qua phương thức điện tử (eKYC).

Theo đó, thay vì định danh khách hàng bằng gặp mặt trực tiếp, qua đối chiếu chứng từ giấy khá phiền phức, eKYC thực hiện định danh khách hàng bằng phương thức điện tử không cần gặp mặt nhờ sự hỗ trợ của các công nghệ tiên tiến như kiểm tra, đối chiếu thông tin cá nhân tức thì với cơ sở dữ liệu tập trung về danh tính người dùng, xác thực sinh trắc học, nhận diện khách hàng nhờ trí tuệ nhân tạo.

Tuy nhiên, VN vẫn chưa cho phép việc này, dẫn đến một số hạn chế trong việc phát triển thanh toán điện tử.

Hạn mức chi tiêu qua ví điện tử: Bao nhiêu là vừa?

TTO - Việc 'khống chế' mức giao dịch qua ví điện tử của một cá nhân tối đa là 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng được cho là sẽ gây khó khăn cho người dùng và kìm hãm sự phát triển của thanh toán điện tử.

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên