Tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp trong cuộc tập trận La Perouse năm 2019 trên vịnh Bengal - Ảnh: US Navy
Tạp chí Nikkei Asia của Nhật Bản nhận định thông điệp qua cuộc tập trận lần này rất rõ ràng: Pháp và nhóm QUAD muốn tăng cường hợp tác hàng hải và gửi thông điệp cảnh báo Trung Quốc.
Cuộc tập trận bắt đầu chỉ 2 ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin tuyên bố các hoạt động phối hợp của nhóm QUAD là rất quan trọng để "chống lại các ảnh hưởng xấu của Trung Quốc trong khu vực".
Theo truyền thông Ấn Độ, đây là lần đầu tiên New Delhi tham gia cuộc tập trận La Perouse do Pháp dẫn dắt. Sự tham gia của Ấn Độ biến cuộc tập trận La Perouse năm nay trở thành cuộc tập trận đầu tiên giữa Pháp và 4 nước thuộc QUAD.
Báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong gọi tập trận La Perouse 2021 là "cuộc tập trận của nhóm QUAD+". Hồi tháng 11 năm ngoái, cuộc tập trận Malabar của nhóm QUAD đã chuyển tải một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc khi Úc gạt sang các áp lực từ Bắc Kinh để tham gia sự kiện.
Ông Collin Koh, chuyên gia thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore), nhận định cuộc tập trận La Perouse 2021 có thể mở màn cho các cuộc tập trận QUAD+ tương tự trong tương lai.
"Nếu sự kiện năm nay trở thành một sự kiện thường niên, các nước nằm ngoài nhóm QUAD có thể cân nhắc tham gia trong tương lai", ông Koh nêu quan điểm.
Theo ông Koh, đứng đầu danh sách có tiềm năng tham gia là những nước đang có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông. Anh và Đức, hai nước đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như Pháp, cũng có thể gia nhập tập trận QUAD+.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt dẫn đầu đội hình tập trận với hải quân Ấn Độ trên Ấn Độ Dương ngày 28 và 29-3 - Ảnh: US Navy
Mặc dù quy mô tập trận La Perouse 2021 khá khiêm tốn, các cuộc tập trận giữa QUAD với các nước khác và giữa các nước QUAD với nhau đã trải đều các vùng biển xung quanh Trung Quốc từ cuối tháng 3 đến nay.
Tại biển Hoa Đông, khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường JS Kongo diễn tập với USS Blue Ridge - soái hạm của Hạm đội 7 Mỹ ngày 29-3. Trên Biển Đông, JS Akebono của Nhật cũng phối hợp với khinh hạm HMAS Anzac của Úc từ ngày 29 đến 31-3.
Ba trong số bốn nước QUAD là Mỹ, Úc và Nhật Bản đang có tàu chiến hoạt động trên Biển Đông. Sau khi tập trận với Ấn Độ, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt cũng đang di chuyển và chuẩn bị tiến vào Biển Đông.
Ông Yogesh Joshi, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore), nhận định: "Nếu các nước cùng chỉ ra các hành vi ác ý của Trung Quốc hoặc liên kết lại để chống lại sự quyết đoán của Bắc Kinh, rõ ràng lỗi đang nằm ở phía Trung Quốc".
Bắc Kinh từ lâu đã xem QUAD là một tập hợp của những nước muốn kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc. Theo các chuyên gia, các nước ASEAN sẽ khó lòng thiết lập quan hệ chặt chẽ với nhóm QUAD trừ khi Trung Quốc thay đổi quan điểm về nhóm này.
Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa QUAD sẽ đứng ngoài khu vực. Theo gợi ý của chuyên gia Koh, QUAD có thể "chia nhỏ ra" để tiến hành tập trận với các nước Đông Nam Á, ở quy mô vừa đủ để gửi thông điệp tới Bắc Kinh và tăng cường năng lực hàng hải cho các đối tác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận