Phóng to |
Báo The Sun được bày bán trên sạp tại London, Anh ngày 11-2 Ảnh: Reuters |
Báo Guardian đưa tin năm nhà báo bị bắt hôm 11-2 gồm phó tổng biên tập Geoff Webster và các biên tập viên, nhà báo cấp cao của The Sun. Các nhà báo, tuổi từ 45-68, bị bắt tại London, Kent và Essex do nghi ngờ hối lộ và tiếp tay cho sai phạm của các quan chức nhà nước. Ba người còn lại là một cảnh sát 39 tuổi ở Surrey, một nữ nhân viên 39 tuổi làm việc tại Bộ Quốc phòng Anh và một thành viên 36 tuổi của quân đội bị bắt tại nhà riêng. Tất cả những người bị bắt đều đã được bảo lãnh tại ngoại.
"Tôi cũng bị sốc như mọi người trước thông tin về các vụ bắt người, nhưng tôi quyết lãnh đạo The Sun vượt qua thời gian khó khăn này" - tổng biên tập Dominic Mohan tuyên bố.
Vụ bắt giữ diễn ra sáng sớm 11-2 trong chiến dịch Elveden, được khởi động giữa năm ngoái sau khi cảnh sát có tài liệu cho thấy phóng viên của News International (chi nhánh của Tập đoàn News Corporation tại Anh) đưa hối lộ. Cảnh sát Anh cho biết các điều tra viên đang lục soát nhà của tám người bị bắt và các văn phòng của News International ở Wapping, phía đông London. Theo BBC, các vụ bắt người dựa trên thông tin trong 300 triệu email và tài liệu trong gần 10 năm qua. Hàng chục người gồm luật sư, các nhân viên pháp lý về kế toán, kỹ thuật và cảnh sát đến trụ sở của News International ở quảng trường Thomas More để lược qua số tài liệu khổng lồ trên.
Trước đó hai tuần, bốn phóng viên và cựu phóng viên của The Sun cũng bị bắt. Tổng cộng 21 người đã bị bắt trong chiến dịch Elveden và 17 người trong chiến dịch Weeting, điều tra vụ nghe lén điện thoại, trong đó ba người liên quan đến cả hai cuộc điều tra. Cuộc điều tra thứ ba là Leveson chuẩn bị được tung ra. Chưa nghi can nào chính thức bị buộc tội.
Tòa soạn The Sun dậy sóng
"Tôi có một đội ngũ nhân viên xuất sắc, chúng ta có trách nhiệm phục vụ độc giả của mình và sẽ tiếp tục làm điều đó. Mọi sự tập trung sẽ được dành cho số báo thứ hai" - tổng biên tập Mohan nhấn mạnh.
Chủ tịch Tập đoàn News Corporation, ông trùm Rupert Murdoch 80 tuổi, dự kiến đến Anh để giải quyết cuộc khủng hoảng, đồng thời khẳng định sẽ không đóng cửa tờ báo.
Ðây là cuộc khủng hoảng thứ hai của News Corporation kể từ sau khi một tờ báo khác của tập đoàn này là News Of The World bị đóng cửa năm ngoái do bê bối nghe lén điện thoại, xâm nhập máy tính trái phép và hối lộ quan chức. Trước khi vướng vào bê bối, The Sun là một trong những tờ báo bán chạy nhất tại Anh với hơn 2,7 triệu ấn bản mỗi ngày. Một số tờ báo anh em với The Sun bao gồm Wall Street Journal và New York Post.
Tuy nhiên, không khí căng thẳng bao trùm lên các văn phòng của The Sun khi các phóng viên bàng hoàng không biết vụ việc sẽ còn đi đến đâu. Họ cũng tức giận với Hội đồng tiêu chuẩn và quản lý (MSC) của News Corporation. Là tổ chức chịu trách nhiệm điều tra nội bộ đối với những sai phạm trong tờ báo, MSC đã cung cấp thông tin góp phần dẫn đến các vụ bắt giữ mới đây. Liên đoàn Nhà báo quốc gia Anh chỉ trích ông trùm Murdoch đang "thí tốt" để bảo vệ danh tiếng của tập đoàn. Trước đó, MSC khẳng định sẽ cam kết giữ cho báo chí chính thống "vừa phục vụ lợi ích cộng đồng vừa theo đúng luật".
Cây viết Michael Wolff, người viết tiểu sử của ông Murdoch, cho biết chưa từng thấy thời điểm nào trong lịch sử của News Corporation mà tình hình nội bộ tập đoàn lại trở nên gay gắt như vậy. Trong khi đó Guardian nhận định tập đoàn này đang trong cuộc chiến với chính mình. Cựu tổng giám đốc Clive Hollick của Công ty United Business Media nhận định kết quả của những vụ bắt giữ có thể là "các khoản phạt, sa thải ban lãnh đạo và bán tài sản".
Vì lợi ích cộng đồng
Cựu phó biên tập Paul Connew của News Of The World cho biết vụ việc đang và sẽ gây chấn động tinh thần trong tòa soạn The Sun. Ông cho rằng cần vạch ra một lằn ranh xung quanh những nhà báo và người cung cấp thông tin để phục vụ lợi ích cộng đồng. "Nếu các quan chức, quân đội hoặc lực lượng cảnh sát sợ phải tiếp xúc với phóng viên thì điều đó không phục vụ lợi ích cộng đồng" - ông Connew nhận định.
Ủy viên thông tin Christopher Graham khẳng định phóng viên có thể sử dụng "nghệ thuật đen" để theo đuổi các câu chuyện phục vụ lợi ích cộng đồng. Trên Telegraph, ông Graham viết báo chí tự do cần hoạt động theo luật, nhưng án tù chỉ nên áp dụng trong các trường hợp rò rỉ thông tin nghiêm trọng. Tuy nhiên, ông cho biết mình không hi vọng phóng viên nằm trong số những trường hợp bị tù. Thẩm phán Brian Leveson, lãnh đạo chiến dịch điều tra Leveson, cho biết: "Tôi không thể tưởng tượng một nhà báo bảo vệ lợi ích cộng đồng lại gặp rắc rối trước tòa". Không chỉ báo chí, theo ông Graham, nhiều trường hợp vi phạm thông tin cá nhân cũng xảy ra trong các lĩnh vực thám tử, ngân hàng...
Trong khi đó, phó lãnh đạo Deborah Glass của Ủy ban khiếu kiện cảnh sát độc lập, cơ quan có một nhân viên bị bắt do liên quan đến cuộc điều tra trên, nhìn nhận "vụ bắt giữ là bằng chứng cho các nỗ lực tích cực nhằm phát hiện quan chức cảnh sát nhận các khoản chi hối lộ".
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận