Khu vực hang Cột Cờ là điểm khai thác vàng trái phép - Ảnh: VŨ TUẤN
Đêm 4-11 vừa qua, sự cố vỡ "móng nước" của một bãi vàng trái phép trước cửa hang Cột Cờ đã cuốn 2 người, 1 ôtô, 1 máy xúc vào trong hang. Hàng trăm người, 7 máy xúc và nhiều phương tiện khác được huy động để tìm kiếm, đưa những người bị nạn trở về.
Mấy ngày sau khi xảy ra sự cố, ngày nào bà Bà Bạch Thị Điển, người ở thôn Lộng, xã Thanh Nông, huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) cũng chạy ra trước hang Cột Cờ để giúp những người cứu hộ. Bà Điển là một trong số ít những người trong khu vực thông thạo đường đi, lối lại trong hang. Hơn 20 năm, đến giờ bà mới dám trở lại hang này.
Bà Điển đọc vanh vách ngày, giờ 2 vợ chồng bà và 2 người khác bị nước lũ cuốn vào trong hang. Đó là ngày 24-9-1996, bà Điển cùng mẹ chồng là Bùi Thị Hòa và người chồng mới cưới là Bùi Văn Nga vào hang đãi vàng.
Lúc ấy giáp hạt, lúa đã vàng nhưng chưa được gặt, dân làng Lộng rủ nhau xách máng gỗ, đèn dầu vào hang tìm vàng sa khoáng.
Khoảng 12h trưa, thấy đói, ông Nga bảo bà Điển về trước nấu cơm. Bà Điển vừa lội ra được mấy bước thì nước ở đâu ập vào trùm kín hang.
"Đến bây giờ, mỗi lần đi tắm, ngụp xuống nước là tôi lại thấy sợ như lần ấy", bà Điển rùng mình.
Máy xúc được đưa vào hang để tìm kiếm, giải cứu nạn nhân mắc kẹt từ ngày 4-11- Ảnh: VŨ TUẤN
May mắn cho bà phía sau còn 4 người nữa. Họ túm được bà, leo lên một mỏm đá cao bên vách hang. Nước tiếp tục dâng, 5 người kéo nhau lên sát trần hang. May thay mấy chiếc đèn "kỳ" (đèn Hoa Kỳ) và mấy chiếc máng gỗ để đãi vàng họ vẫn giữ lại được.
3 đêm 4 ngày trong hang, họ đập máng, bẻ từng que gỗ để đốt lửa sưởi. Dầu trong 5 cây đèn cũng đốt hết, muội than bám vào người đen kịt, họ chỉ nhìn thấy nhau vì đốm sáng lờ mờ trên đôi mắt.
Không thức ăn, nước uống, dưới chân nước chảy ầm ầm, trên trần là vách đá lạnh buốt, bà Điển cứ nghĩ đến thằng con trai mới được 9 tháng tuổi ở nhà mà cắn răng chờ đợi có người đến cứu.
Những người đi đãi vàng hôm ấy ở làng Lộng về sớm, không bị lũ cuốn. Đến chiều, họ nháo nhác đi tìm vì cả ba người nhà bà Điển không về. Trong xóm còn ông Nguyện và một người tên Dũng, quê ở Nghệ An cũng không thấy ra.
Sáng hôm sau, chính quyền địa phương thuê thợ lặn vào hang để tìm kiếm. Nước chảy quá mạnh, thợ lặn chỉ vào được vài chục mét chỗ cửa hang còn rộng rồi chui ra. Dân làng bảo, có thể vẫn sống vì trong hang có nhiều mỏm đá cao.
Nỗ lực bơm nước giải cứu các nạn nhân - Ảnh: VŨ TUẤN
Thế là một cuộc giải cứu được mở ra. Dân làng hò nhau chặt tre, đóng cọc, đan phên rồi đổ đất để ngăn nước.
Cánh đồng Quèn phía trước hang Cột Cờ ngày ấy lúa bao thai đã chín vàng nhưng chưa kịp gặt. Dân làng hi sinh cả đồng lúa, đắp nước dâng lên để người trong hang có lối ra ngoài.
Trước hang Cột Cờ là phía cuối thung lũng, nước ở các con lạch xung quanh dồn hết về đây. Người vào hang nhiều nhất cũng không biết hết chỗ nước chảy ở trong hang.
Vào mùa gặt, rơm rạ của dân làng bị nước cuốn vào hang, mấy hôm sau thấy nổi lên ở Kim Bôi (Hoà Bình). Đường thoát nước duy nhất là cho dâng qua một hẻm núi, chảy sang thôn Do của xã bên cạnh.
Đến ngày thứ tư thì dân làng ngăn được nước đồng Quèn thành hồ, mênh mông nước. Người trong hang thấy nước rút, dìu nhau ra cửa hang. Nhìn thấy dân làng đang đứng đợi thì ngất đi vì kiệt sức.
Sau lần ấy, nhà bà Điển không ai dám vào hang Cột Cờ đãi vàng nữa. Dân làng vẫn có người xách máng gỗ, đèn pin vào hang, nhưng chỉ khi nào túng quá.
Mấy hôm nay trở về khu ruộng lại để giúp chính quyền cứu người, người dân làng Lộng vẫn le lói một hi vọng người thân của họ sẽ trở về thần diệu như bà Điển, ông Nga, ông Nhiêm.. hơn 20 năm trước.
Bữa trưa bên cửa hang của những người tham gia cứu hộ - Ảnh: Vũ Tuấn
Một người dân thôn Lộng giấu nước mắt khi nghe tin chưa tiếp cận được nơi các nạn nhân gặp nạn - Ảnh: VŨ TUẤN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận