25/04/2016 08:11 GMT+7

5 ngày nữa xác định được nguyên nhân cá chết bất thường

HỒ VĂN - VĂN ĐỊNH - QUỐC NAM
HỒ VĂN - VĂN ĐỊNH - QUỐC NAM

TTO - Chủ trì cuộc họp với các ban ngành, địa phương liên qua, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết Thủ tướng chỉ đạo làm tới nơi tới chốn vụ việc này.

Một báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh cho thấy Formosa có những vi phạm trong việc súc rửa đường ống - Ảnh: H.Văn
Một báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh cho thấy Formosa có những vi phạm trong việc súc rửa đường ống - Ảnh: H.Văn

Tại cuộc làm việc về tình hình hải sản ở ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế tổ chức ngày 24-4, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết trong vòng 5 ngày tới sẽ có kết quả của các mẫu kiểm định để làm rõ nguyên nhân.

Chủ trì cuộc họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết Thủ tướng chỉ đạo làm tới nơi tới chốn. Phó thủ tướng cho rằng các bộ ngành và các địa phương đã vào cuộc kịp thời khi tình hình cá chết xảy ra, nhưng cái cần hiện nay là sớm tìm ra nguyên nhân để có câu trả lời cho người dân.

Sớm làm rõ nguyên nhân để ổn định tình hình

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặt vấn đề Bộ Tài nguyên - môi trường cần xem lại hệ thống quan trắc tại các địa phương đã đầy đủ, chính xác chưa, hệ thống quan trắc của các nhà máy, cơ sở sản xuất trên địa bàn bốn tỉnh có cá chết có nối mạng với các cơ quan nhà nước để giám sát thường xuyên chưa, có cho được các số liệu chính xác không?

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết mỗi tỉnh có một trạm quan trắc môi trường rồi, nhưng để có được các thông số đầy đủ từ các nguồn trong việc xác định nguyên nhân là rất khó.

“Chúng tôi đã lấy mẫu ở nhiều cơ sở sản xuất, nếu kiểm tra vật mẫu có những hàm lượng độc tố vượt ngưỡng thì coi như là một nguyên nhân để tiếp tục điều tra làm rõ thêm” - ông Nhân cho biết. Theo ông Nhân, trong vòng năm ngày tới sẽ có kết quả của các mẫu kiểm định làm rõ nguyên nhân.

Theo Phó thủ tướng, việc cá chết hàng loạt, bất thường và chết nhanh là hiện tượng hiếm khiến các cơ quan chức năng cũng như địa phương lúng túng.

“Chúng ta thiếu người giỏi, thiết bị tốt thì có nên hợp tác với chuyên gia nước ngoài hay không, vì họ có nhiều kinh nghiệm và phương tiện tối tân cho việc này?” - Phó thủ tướng hỏi.

Kết thúc cuộc họp, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên - môi trường chủ động phối hợp với các ngành liên quan khẩn trương làm rõ nguyên nhân nhưng phải thận trọng, chính xác và khoa học.

Bộ NN&PTNT nghiên cứu kiến nghị biện pháp hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trong khi chờ xác định nguyên nhân.

UBND các tỉnh có cá chết sớm thống kê đầy đủ các thiệt hại của người dân để chủ động hỗ trợ người dân, đặc biệt là hỗ trợ những gia đình gặp khó khăn; xác định thời điểm phù hợp để tổ chức lại việc nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản; tăng cường kiểm soát về vấn đề môi trường, thường xuyên kiểm tra định kỳ, đột xuất các cơ sở có quy mô lớn trong việc thải khí, nước thải ra môi trường.

“Tôi yêu cầu các địa phương cần lắp đặt hệ thống quan trắc độc lập để kiểm soát hàm lượng chất thải, không thể tin tưởng hết vào hệ thống quan trắc của các cơ sở sản xuất” - Phó thủ tướng chỉ đạo.

Trước cuộc họp, Phó thủ tướng cũng đã về thăm hỏi và động viên các ngư dân, các hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại tại xã Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh).

Súc rửa đường ống không thông báo sẽ bị xử lý

Trả lời Tuổi Trẻ bên lề cuộc họp về việc Formosa tiến hành  nhưng không thông báo cho địa phương, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng mọi thông tin trước hết cần chính xác, nếu đúng thì cần làm rõ.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh thì nói: “Việc này phải báo cáo với chính quyền địa phương, nếu đúng việc Formosa súc rửa mà không báo cáo thì tỉnh sẽ cho điều tra để xử lý theo quy định pháp luật”.

Theo ông Khánh, việc giám sát, quan trắc các thông số về hệ thống xả thải của Formosa, tỉnh giao và chỉ đạo Sở Tài nguyên - môi trường phải kiểm tra thường xuyên, đặc biệt là trong tình hình như hiện nay.

Như Tuổi Trẻ thông tin, trong buổi làm việc với Formosa, Tổng cục Môi trường phát hiện nhiều sai phạm trong việc súc rửa đường ống của Formosa.

Ông Vũ Ngọc Thành, chánh văn phòng Khu kinh tế Hà Tĩnh, nói: “Việc súc rửa đường ống của Formosa là chuyện bình thường, trong đánh giá tác động môi trường có trong quy trình. Cái nào mà cũng thông báo thì chết họ (Formosa), quy định của Nhà nước không bắt buộc” - ông Thành nói.

Chiều 24-4, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Bá Lục - chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Tĩnh - thừa nhận thực tế hiện nay chưa kết nối với trạm quan trắc tự động của Formosa, vì ngành tài nguyên - môi trường chưa có trạm quan trắc nào đặt ở dự án này.

Ông Lục cho biết đang kiến nghị xây dựng trạm quan trắc ở Formosa. Theo ông Lục, việc xả thải của Formosa luôn có trung tâm quan trắc lấy mẫu.

“Hằng ngày chúng tôi không nắm được dữ liệu về quan trắc xả thải của Formosa. Định kỳ Formosa gửi số liệu cho chúng tôi. Ngoài ra, chúng tôi có lấy mẫu độc lập nhưng chưa phát hiện nước thải có dấu hiệu bất thường gì” - ông Lục nói. 

Riêng việc sử dụng hóa chất súc xả đường ống của Formosa, ông Lục nói đang tiến hành kiểm tra. Theo ông Lục, Formosa sử dụng rất nhiều loại hóa chất. Việc nhập khẩu, quản lý, sử dụng hóa chất của Formosa là thuộc ngành công thương. 

Trao đổi với PV Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Sở Công thương Hà Tĩnh cho biết Formosa quản lý, sử dụng số hóa chất để súc xả đường ống, còn cơ sở này chỉ quản lý về mặt nhà nước.

Hóa chất dùng để súc xả đường ống của Formosa là mặt hàng thông thường, không có gì đặc biệt. Khi sử dụng phía Formosa không cần báo cáo, chỉ có phòng ngừa, ứng phó với hóa chất.

HỒ VĂN - VĂN ĐỊNH - QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên