Theo UNICEF, kỷ luật bạo lực đang diễn ra phổ biến với gần 68,4% trẻ em độ tuổi 1-14 được báo cáo là đã từng bị cha mẹ hoặc người chăm sóc bạo lực ở nhà.
Khoảng 20% trẻ em gái và trẻ em trai 8 tuổi nói rằng các em bị trừng phạt thân thể ở trường.
Khoảng 16% trẻ em (tương đương 1,7 triệu trẻ) độ tuổi 5-17 được coi là lao động trẻ em, trong đó 7,8% làm việc trong các điều kiện nguy hiểm.
Tỷ lệ trẻ em gái và nữ thanh niên 15-19 tuổi đã kết hôn tăng từ 5,4% vào năm 2006 lên 11% vào năm 2015.
Trong giai đoạn 2011-2015, 5.300 vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, chủ yếu là với trẻ em gái, đã được báo cáo.
Ủy ban về Quyền Trẻ em Liên Hợp Quốc đã nhấn mạnh tình hình nghiêm trọng mà trẻ em Việt Nam đang phải đối mặt trong Kết luận Quan sát đưa ra năm 2012: "Bạo lực và xâm hại trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái đang lan tràn; thiếu các biện pháp, cơ chế và nguồn lực phù hợp để phòng chống bạo lực gia đình, bao gồm xâm hại thân thể và tình dục và bỏ mặc trẻ em; thiếu các quy trình báo cáo thân thiện với trẻ em; hạn chế tiếp cận các dịch vụ cho trẻ bị xâm hại; và thiếu dữ liệu về các tình hình đã nêu".
Luật Trẻ em mới ban hành (2016) là cơ hội để cải thiện tình hình trẻ em bị ảnh hưởng bởi bạo lực.
UNICEF Việt Nam cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong quá trình thực hiện Luật Trẻ em và Chương trình Bảo vệ Trẻ em giai đoạn 2016-2020.
UNICEF ưu tiên các nỗ lực nhằm củng cố các hệ thống bảo vệ trẻ em về phúc lợi, giáo dục, y tế, tư pháp và tình huống khẩn cấp để phòng ngừa và ứng phó với tất cả các hình thức bạo lực đối với trẻ em.
UNICEF cũng sẽ thúc đẩy huy động xã hội và truyền thông thay đổi hành vi để cải thiện thái độ, giá trị, niềm tin và các chuẩn mực xã hội đang khuyến khích bạo lực đối với trẻ em.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận