Ông Trần Thành Trọng thắp nhang tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại bàn thờ do chính ông lập - Ảnh: XUÂN AN
"Dù 30 năm trôi qua hay hơn thế nữa, chúng tôi - những người con của đất nước Việt Nam vẫn một lòng ghi nhớ sự hi sinh anh dũng của các anh vì chủ quyền quốc gia. Nhắc lại không phải để đau, không phải để khơi dậy sự căm thù mà nhắc lại để ghi nhớ lịch sử, ghi nhớ anh linh của các anh", giọng nói run run ứa nước mắt của ông Trần Thành Trọng cất lên trong lần giỗ các chiến sĩ Gạc Ma lần thứ 5 do ông tổ chức.
Chưa đi lính một ngày nào nhưng ông Trần Thành Trọng (45 tuổi, ngụ TP.HCM) - giám đốc công ty Cổ phần Sáng Ban Mai (KCN Mỹ Phước 2, TX Bến Cát, Bình Dương) có tình yêu tha thiết với biển đảo, nhất là với những người lính hải quân đang hàng ngày bảo vệ chủ quyền ngoài khơi. Chính vì vậy, sự kiện ngày 14-3-1988 tại Gạc Ma là một dấu ấn không thể quên đối với ông.
Chiều tối 14-3, khuôn viên công ty CP Sáng Ban Mai không còn cảnh công nhân tấp nập làm việc như thường lệ, thay vào đó là không khí trang trọng của một bàn thờ đặt ở trung tâm, với 3 tấm ảnh ghi danh 64 chiến sỹ đã hi sinh để bảo vệ Gạc Ma năm 1988. Những nén nhang được thắp lên, hơn 50 công nhân ngồi ngay ngắn trước bàn thờ.
Rưng rưng nước mắt, ông Trọng chia sẻ từ nhỏ ông được nghe bố mẹ kể rất nhiều về các cuộc chiến đấu của quân dân ta, từ các cuộc chiến giữ gìn chủ quyền trên đất liền đến khu vực biên giới, hải đảo. Lớn lên ông được tiếp xúc với các anh, các chú từng là những chiến sĩ cầm súng chiến đấu, càng hiểu thêm sự ác liệt của chiến tranh, càng khâm phục sự hi sinh của họ đối với đất nước.
Cách đây khoảng 10 năm, ông được nghe một số chiến sĩ từng công tác trong lực lượng hải quân kể về cuộc chiến tại đảo Gạc Ma năm 1988. Từ đó, ông bị ám ảnh bởi hình ảnh những người lính nhỏ bé mà oai hùng, sắt đá, quyết giữ vững chủ quyền đất nước dù phải hi sinh tính mạng.
Ông lên mạng tìm các tư liệu để hiều thêm về trận chiến ấy, dù lúc bấy giờ những hình ảnh, thông tin về sự kiện này rất hiếm hoi. Ông đã tìm mọi cách để có được một vài hình ảnh giữ riêng cho mình.
Cũng kể từ đó, ông không ngừng trăn trở về hình ảnh các chiến sĩ Gạc Ma, ông nghĩ phải làm điều gì đó để tưởng nhớ đến công ơn các anh. Sau khi thành lập một doanh nghiệp riêng tại Bình Dương, năm 2013 ông Trọng bắt đầu thực hiện ước nguyện tổ chức ngày giỗ cho các chiến sĩ ngay tại công ty. Ý tưởng này của ông được gia đình và đồng nghiệp rất ủng hộ.
Công nhân công ty được nghỉ làm để dự lễ tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma - Ảnh: XUÂN AN
Đúng ngày 14-3-2013, ông Trọng tự tay làm lễ giỗ Gạc Ma đầu tiên trước sự chứng kiến của hơn 30 công nhân công ty. Năm 2015, ông Trọng lần đầu có dịp được đến tượng đài tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, tận mắt chứng kiến những hình ảnh lịch sử, càng khơi dậy trong ông lòng khâm phục những anh hùng hi sinh vì Tổ quốc. Trong chuyến đi đó, ông xin được một cây bàng vuông đem về trồng trong khuôn viên công ty.
"5 năm nay tôi luôn tâm niệm phải làm một điều gì đó cho các anh, và đến nay tôi đã thực hiện được phần nào ước nguyện của mình bằng những nén nhang và lòng thành kính", ông Trọng chia sẻ.
Buổi lễ tưởng niệm năm nay đặc biệt hơn khi ông Trọng và các công nhân được đón một số cán bộ hải quân đến tham gia. Thượng tá Trương Công Hùng - phó chính ủy trung đoàn 251 Bộ tư lệnh vùng 2, Hải quân nhân dân Việt Nam - đã không cầm được nước mắt khi xem lại những tư liệu về sự kiện 30 năm trước được trình chiếu trên màn ảnh rộng tại buổi lễ.
Thượng tá Trương Công Hùng cho biết lực lượng hải quân rất trân trọng và biết ơn những việc làm như của ông Trọng, những người dù không phải là quân nhân nhưng luôn hướng về biển đảo, luôn tưởng nhớ đến các liệt sĩ, góp phần khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, lòng yêu nước trong các thế hệ về sau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận