06/12/2024 15:03 GMT+7

5 năm sau sáp nhập địa giới, 2 thôn không có sổ đỏ, xã đau đầu, dân mất quyền lợi

5 năm sau khi sáp nhập từ tỉnh Thừa Thiên Huế (cũ) về Quảng Trị, 260 hộ dân vẫn chưa thể cấp đổi sổ đỏ khiến chính quyền đau đầu giải quyết tranh chấp đất đai, còn các hộ dân không thể vay vốn hay nhận tiền hỗ trợ đất ở.

5 năm sau sáp nhập địa giới, 2 thôn không có sổ đỏ, xã đau đầu, dân mất quyền lợi - Ảnh 1.

Anh A Óc (phải) và mẹ không được hỗ trợ tiền đất ở vì không có sổ đỏ - Ảnh: HOÀNG TÁO

 Tháng 6-2020, thôn Pire 1 và Pire 2 thuộc xã A Bung (huyện Đakrông, Quảng Trị) được sáp nhập từ xã Hồng Thủy (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế cũ). 

Đến nay 260 hộ dân ở 2 thôn này vẫn chưa được cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khiến họ mất nhiều quyền lợi.

Anh em tranh chấp đất, xã vận động chia đôi

Đứng trong căn nhà đang xây dở, anh A Óc (36 tuổi, trú thôn Pire 1) vừa được mẹ cắt đất để xây căn nhà mới. Người mẹ sinh sống ở đây từ sau năm 1976 nhưng đến nay chưa một lần được cấp sổ đỏ.

Theo chính sách của Nhà nước, gia đình A Óc được hỗ trợ 80 triệu đồng, gồm 40 triệu đồng tiền nhà ở và 40 triệu tiền đất ở. 

Tuy nhiên do chưa có sổ đỏ nên anh chỉ có thể nhận được 40 triệu tiền nhà ở, 40 tiền đất ở không được duyệt.

Do đó A Óc phải vay bà con, họ hàng nhiều hơn để đủ 150 triệu đồng xóa nhà tạm, dột nát.

Tương tự, vợ chồng chị Hồ Thị Hậu (24 tuổi, trú thôn Pire 2) rất muốn vay tiền để phát triển sản xuất nhưng không có tài sản cầm cố. 

Nhiều năm trước, bố mẹ chồng cắt cho vợ chồng chị Hậu mảnh đất nhỏ. 

"Em muốn vay thêm ít triệu đồng để mua con bò giống nhưng không có tài sản gì thế chấp, sổ đỏ chưa có", Hồ Thị Hậu nói.

Không chỉ người dân bị ảnh hưởng, chính quyền xã A Bung cũng nhiều phen đau đầu vì dân không có sổ đỏ. Tháng 9-2024, sau 4 lần hòa giải, 2 anh em chú bác Hồ Văn An, Hồ Văn Tả mới chấp nhận chia đôi mảnh rẫy hơn 1,5ha.

"Người anh nói đất cho em mượn để sản xuất nhưng chỉ bằng miệng chứ không có sổ đỏ nên xã hòa giải bằng vận động chứ không có cơ sở để xác định đất của ai. Chúng tôi chia 2 mảnh đất rồi bốc thăm. Lần đầu tiên xã hòa giải mà cực khó như vậy", ông Hồ Văn Hiền - chủ tịch xã A Bung - nói.

Nhiều vướng mắc do lịch sử

Ông Hiền thông tin thôn Pire 1 và Pire 2 hiện có 695 bộ hồ sơ cấp đổi và cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và đất nông nghiệp.

"Hồ sơ cũ có nhiều vướng mắc như sổ đỏ chồng lấn ranh giới, không đúng vị trí thực tế sử dụng đất, tách thửa nhưng không thực hiện thủ tục, sổ đỏ đã được cấp nhưng không có số thửa số tờ bản đồ, có một tờ sổ đỏ nhưng lại có 10 người sử dụng, đất nằm trong rừng phòng hộ…

Do các vướng mắc trên nên 260 hộ dân với gần 700 bộ hồ sơ cấp sổ đỏ vẫn chưa thể giải quyết", ông Hiền nói.

5 năm sau sáp nhập địa giới, 2 thôn không có sổ đỏ, xã đau đầu, dân mất quyền lợi - Ảnh 3.

Chị Hồ Thị Hậu (trái) muốn vay vốn để nuôi bò nhưng không có tài sản thế chấp - Ảnh: HOÀNG TÁO

Ông Lê Đại Lợi - phó chủ tịch UBND huyện Đakrông - cho biết ngay sau sáp nhập xã, Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) được giao lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đến nay trung tâm này bàn giao hồ sơ địa chính, hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho UBND xã A Bung để kết thúc công trình theo thời hạn và thiết kế, dự toán được phê duyệt trong lúc các vướng mắc ở trên chưa được tháo gỡ.

"Với hồ sơ cấp mới, huyện đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp địa phương hoàn chỉnh hồ sơ cấp cho bà con, còn hồ sơ cấp đổi thì đo đạc, chỉnh lý để cấp theo quy định", ông Lợi kiến nghị.

5 năm sau sáp nhập địa giới, 2 thôn không có sổ đỏ, xã đau đầu, dân mất quyền lợi - Ảnh 4.30 năm, một nửa số hộ dân thị trấn không làm được sổ đỏ

30 năm nay, 550 hộ dân có hộ khẩu tại thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị nhưng sống xâm cư trên đất ba xã khác nên không làm được sổ đỏ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên