Đại sứ Mỹ Ted Osius (giữa) và gia đình chụp ảnh chung với trẻ em làng SOS ở Hà Nội trong buổi tiệc Giáng sinh tại nhà riêng ngày 24-12-2014 - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Đại sứ Ted Osius - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Trong lĩnh vực an ninh hàng hải, chúng ta có thể có mối quan hệ toàn diện. Điều đó tùy thuộc vào việc Chính phủ Việt Nam quyết định mua loại vũ khí nào giải quyết các thách thức chiến lược. Mỹ dành sự tôn trọng cho bất cứ quyết định nào từ phía Việt Nam |
Ông TED OSIUS |
Tân đại sứ Ted Osius đã dành nhiều chia sẻ với phóng viên Tuổi Trẻ về những kế hoạch chính của ông trong nhiệm kỳ tại Việt Nam. “Ngoại trưởng John Kerry khẳng định Mỹ ủng hộ một Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng, độc lập, tôn trọng nhân quyền và luật pháp. Chúng ta cần phải tiếp tục hỗ trợ nhau để tăng cường mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước” - ông Osius nhấn mạnh.
* Hai chữ “Việt Nam” gợi lên trong ông điều gì?
- Khi tôi nghĩ đến Việt Nam, tôi thấy mình có tình cảm sâu sắc với đất nước này (đại sứ Ted Osius nhấn mạnh “tình cảm sâu sắc” bằng tiếng Việt). Tôi yêu đất nước này. Tôi đã từng có những trải nghiệm tuyệt vời ở đây.
Đối với tôi, đến Việt Nam với tư cách đại sứ trong dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao là “giấc mơ trở thành sự thật”. Khi nghĩ về Việt Nam, tôi nhớ tới những người dân hiếu khách, những thắng cảnh tuyệt đẹp, về cơ hội xây dựng một mối quan hệ đối tác và tình hữu nghị vững mạnh với Việt Nam.
Khi đến Việt Nam lần này, tôi vô cùng ấn tượng với những thay đổi đang diễn ra ở Hà Nội. Thành phố trở nên thịnh vượng, hiện đại hơn so với cách đây gần hai thập kỷ khi tôi làm việc cho Đại sứ quán Mỹ. Hồ Hoàn Kiếm vẫn đẹp như ngày xưa. Người Việt Nam có thể tự hào về những thay đổi này.
* Mỹ đánh giá như thế nào về các diễn biến gần đây trên biển Đông? - Chúng tôi kêu gọi giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông một cách hòa bình và tuân theo luật pháp quốc tế. Đó là mối quan tâm cơ bản nhất của Mỹ và các nước khu vực. Các nước phải giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, không đe dọa, không hành động đơn phương và tuân thủ luật pháp quốc tế. Khi Việt Nam lựa chọn đưa ra sự phản đối đến Tòa án quốc tế ở La Haye thì đó là hành động hòa bình, thể hiện cam kết pháp lý của phía Việt Nam. |
* Những mục tiêu ưu tiên của ông tại Việt Nam?
- Tôi có năm mục tiêu chính trong nhiệm kỳ tại Việt Nam. Thứ nhất là tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại. Chúng ta có công cụ quan trọng là Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang trong quá trình đàm phán.
Tôi tự tin rằng chúng ta có thể kết thúc đàm phán và ký kết. Trong tương lai, chúng ta cũng sẽ có thêm những công cụ quan trọng khác, ví dụ như mở đường bay thẳng giữa hai nước.
Một đường bay thẳng không chỉ có ý nghĩa về mặt phát triển kinh tế mà còn mang lại nhiều lợi ích khác như hỗ trợ du học sinh, thương nhân và du khách đi lại dễ dàng giữa hai quốc gia.
Thứ hai là tăng cường hợp tác về quản lý nhà nước. Thứ ba là tăng cường mối quan hệ an ninh, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh hàng hải.
Thứ tư là tăng cường thương mại giáo dục. Hiện nay có rất nhiều sinh viên Việt Nam đi đi về về giữa Việt Nam và Mỹ. Chúng tôi đã triển khai chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright ở Việt Nam.
Trong tương lai, tôi hi vọng sẽ có trường ĐH Fulbright độc lập ở Việt Nam. Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright đóng góp rất nhiều cho Việt Nam và tôi hi vọng ĐH Fulbright cũng sẽ có thể đóng góp lớn cho sự phát triển sự nghiệp giáo dục ở Việt Nam.
Ngoài ra chúng ta còn có nhiều tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực như khoa học, công nghệ, y tế, môi trường, đặc biệt là biến đổi khí hậu.
* Mỹ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Mối quan hệ hợp tác này sẽ phát triển như thế nào?
- Trong lĩnh vực an ninh hàng hải, chúng ta có thể có mối quan hệ toàn diện. Điều đó tùy thuộc vào việc Chính phủ Việt Nam quyết định mua loại vũ khí nào giải quyết các thách thức chiến lược. Mỹ dành sự tôn trọng cho bất cứ quyết định nào từ phía Việt Nam. Trong phiên điều trần trước Ủy ban Thượng viện hồi tháng 6, tôi khẳng định đây chính là thời điểm phù hợp để dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Tôi rất vui khi Chính phủ Mỹ quyết định như thế.
* Những thay đổi Việt Nam cần thực hiện để tham gia TPP? Khả năng sẽ ký kết TTP trong năm 2015?
- Tôi biết đại diện tham gia đàm phán phía Mỹ sẽ tiếp tục thảo luận TPP vào tháng tới về một số vấn đề cuối cùng còn vướng mắc. Đây không phải là vấn đề dễ dàng đối với Việt Nam, nhưng tôi tin rằng TTP là cơ hội rất lớn cho Việt Nam. Bởi Việt Nam là thành viên có nền kinh tế đang phát triển, có nhiều tiềm năng để thu lợi ích lớn nhất từ TPP. Một số nhà kinh tế cho rằng tham gia TPP có thể giúp tăng trưởng GDP của Việt Nam cao hơn đáng kể.
Sẽ có một số thử thách cho Việt Nam trong các lĩnh vực như lao động, hải quan, sở hữu trí tuệ… Ngoài ra, Việt Nam cần cam kết tạo môi trường cạnh tranh công bằng giữa các công ty tư nhân và nhà nước. Tôi tin có thể giải quyết được các thách thức này vì Mỹ nhìn thấy rõ quyết tâm của Việt Nam đối với TPP. Tôi lạc quan rằng TPP sẽ được ký vào năm tới.
* Xin ông đánh giá cơ hội mở rộng hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Mỹ, đặc biệt là lĩnh vực đào tạo sau ĐH?
- Chúng ta có thể mở rộng lĩnh vực hợp tác giáo dục và xây dựng ĐH Fulbright ở TP.HCM. Các trường ĐH khác ở Việt Nam sẽ muốn tạo mối quan hệ với ĐH Fulbright để học hỏi kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất.
Tuy nhiên, trước khi ĐH Fulbright được thành lập chính thức ở Việt Nam, chúng tôi có thiết lập mối quan hệ đối tác giữa các trường ĐH với nhau. Chẳng hạn như ĐH Harvard và ĐH Johns Hopkins có mối quan hệ tốt ở Việt Nam. Chúng ta có thể thúc đẩy mối quan hệ đối tác của các trường ĐH và mối quan hệ giữa các mạng lưới cựu học sinh.
* Tổng thống Barack Obama có thể sẽ sang thăm Việt Nam vào năm 2015?
- Tôi rất lạc quan. Cả hai nước chúng ta đang dành sự quan tâm rất lớn đến các hoạt động kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm tới. Cả Mỹ và Việt Nam đều rất quan tâm đến các cuộc gặp gỡ cấp cao giữa lãnh đạo hai nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận