Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong một chuyến thăm binh sĩ - Ảnh: Reuters |
Trong một bài phân tích ngày 15-4, báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong, khẳng định có ít nhất 5 lý do Mỹ không thể “đánh phủ đầu” Triều Tiên như đã làm với Syria.
Không thể vi phạm hiệp định
Triều Tiên và Hàn Quốc về lý thuyết vẫn trong tình trạng chiến tranh. Hiệp ước ký vào ngày 27-7-1953 tại Bàn Môn Điếm thực tế chỉ là “đình chiến” chứ không phải chấm dứt chiến tranh. Nó có sự tham gia của Triều Tiên, Trung Quốc và Liên Hiệp Quốc.
Nếu Mỹ đơn phương tấn công Triều Tiên lúc này, đồng nghĩa Washington vi phạm hiệp định do Liên Hiệp Quốc ủng hộ.
Triều Tiên không phải Syria
Chính quyền Syria của Tổng thống Bashar al-Assad hiện bị cáo buộc theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân. Nhưng Triều Tiên thậm chí rõ ràng sở hữu vũ khí hạt nhân, ít nhất thể hiện qua 5 lần thử nghiệm hạt nhân cũng như tin đồn về khả năng đã tiến tới những công nghệ vũ khí tối tân như thu nhỏ đầu đạn, dù chi tiết này vẫn chưa được xác thực.
Ông Kim Jong Un (trái) quan sát một đầu đạn tên lửa tại Triều Tiên - Ảnh: Reuters |
SCMP dẫn lời các chuyên gia cho rằng Triều Tiên hoàn toàn có thể tấn công Mỹ bằng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trong thời gian 4 năm tới - trùng với nhiệm kỳ của ông Donald Trump. Nói cách khác, khi Mỹ muốn đánh phủ đầu Triều Tiên, họ vẫn có lý do để lo ngại cho người dân của mình.
Trung Quốc ràng buộc với Triều Tiên
Nếu Mỹ tấn công Triều Tiên, chính quyền của ông Trump nhất thiết cũng phải dè chừng Trung Quốc - đồng minh thân cận nhất của Bình Nhưỡng. Bắc Kinh cũng đã kêu gọi Washington và Bình Nhưỡng kiềm chế những ngày qua.
Trung Quốc và Triều Tiên vẫn còn một hiệp định hỗ trợ quân sự lẫn nhau mang tính ràng buộc, ký từ năm 1961. Theo đó, cả hai nước đều phải đưa ra những sự hỗ trợ quân sự ngay lập tức nếu một trong hai bị tấn công. Hiệp định này được làm mới hai lần và hiện có hiệu lực tới năm 2021.
Vấn đề chỉ là việc Triều Tiên tiến hành chương trình vũ khí hạt nhân có vi phạm tính chất của hiệp định này dẫn tới việc nó bị xem là phá vỡ (khiến Bắc Kinh không can thiệp) hay không mà thôi.
Trung Quốc cũng có lợi ích riêng
Trong trường hợp tồi tệ nhất là chiến tranh bùnh nổ, Trung Quốc có lý do để lo lắng.
Thứ nhất, Trung Quốc là nước giáp với Triều Tiên và thường xuyên cung cấp sự hỗ trợ cho Bình Nhưỡng. Chiến tranh nổ ra đồng nghĩa các tỉnh của Trung Quốc giáp biên giới Triều Tiên sẽ hứng chịu làn sóng người di cư khó đo đếm trước.
Thứ hai, nhiều cáo buộc đến nay cho rằng Trung Quốc cố tình duy trì sự hiện diện của Triều Tiên cũng vì xem đây là “vùng đệm” để ngăn ngừa sự tiếp cận của Mỹ và đồng minh, trong trường hợp có xung đột vũ trang.
Bản thân Trung Quốc cũng đang gặp mâu thuẫn với Nhật Bản và Mỹ ở vấn đề Biển Hoa Đông cũng như tự do hàng hải trên Biển Đông.
Không nhiều bên sẵn sàng cho chiến tranh
Bên cạnh Trung Quốc, một số nước thậm chí đồng minh với Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng không muốn chiến tranh xảy ra.
Bào SCMP cho rằng thủ đô Seoul của Hàn Quốc cũng chỉ cách biên giới Triều Tiên 40 km, vì thế trở nên dễ tổn thương nếu Triều Tiên bị tấn công.
Tạp chí Atlantic (Mỹ) cũng từng dẫn lời ông Sam Gardiner, một tư lệnh về hưu của Không quân Mỹ, khẳng định rằng Mỹ không thể bảo vệ Seoul ít nhất trong vòng 24 giờ đầu tiên của chiến tranh, hoặc có thể là trong 48 giờ.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Triều Tiên được giới thiệu trong cuộc diễu binh ngày 15-4 ở Bình Nhưỡng - Ảnh: Reuters |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận