31/12/2019 08:55 GMT+7

5 kiến nghị quan trọng của TP.HCM

TRẦN VŨ NGHI
TRẦN VŨ NGHI

TTO - Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, thay mặt lãnh đạo TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã đề xuất một loạt kiến nghị tới lãnh đạo Bộ Chính trị, Trung ương xem xét, giải quyết.

5 kiến nghị quan trọng của TP.HCM - Ảnh 1.

Hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Cát Lái, TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH

Cụ thể, TP.HCM đề nghị Bộ Chính trị, Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện cho TP.HCM xây dựng "Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM". 

Kiến nghị Chính phủ quan tâm ủng hộ nhằm tạo nên một nguồn lực tương xứng, một động lực mạnh mẽ hơn cho sự phát triển của TP và các địa phương trong cả nước thông qua việc cho phép TP.HCM chủ động thực hiện "Đề án xây dựng tỉ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách TP cùng các địa phương giai đoạn 2021 - 2025".

Kiến nghị Chính phủ xem xét đưa nội dung xây dựng trung tâm tài chính quốc gia, xứng tầm khu vực và quốc tế đặt tại TP.HCM vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của quốc gia vì "TP.HCM là một trung tâm tài chính lớn nhất cả nước, đầu tàu kinh tế của cả nước sẵn sàng tiên phong đi trước thực hiện những nhiệm vụ mới vì cả nước, cùng cả nước".

Với nghị quyết cho phép TP thực hiện cơ chế, quy trình "đặc thù" để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP.HCM mà Thường trực Chính phủ đã họp thông qua vào tháng 10-2019, ông Nguyễn Thành Phong cho biết đến nay nghị quyết chưa được ban hành, nên đề xuất "Chính phủ ban hành nghị quyết để TP sớm triển khai thực hiện có hiệu quả công tác trên".

Đồng thời, lãnh đạo TP.HCM cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên - môi trường và các bộ, ngành liên quan sớm ban hành hướng dẫn về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để các địa phương thuận lợi khi triển khai thực hiện.

TP.HCM hoàn toàn đồng tình, thống nhất cao với nội dung các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 2019 và những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.

Với chủ đề năm 2020 được xác định là "Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị", ông Nguyễn Thành Phong cam kết TP tiếp tục nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế TP gắn với tái cấu trúc kinh tế theo chiều sâu, chất lượng, hiệu quả. Bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp.

TP.HCM phải giải quyết điểm nghẽn từ thủ tục

Ông Trần Du Lịch - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - cho biết có quá nhiều dự án, công trình của TP bị ngưng đọng, phần lớn là các dự án liên quan đến vấn đề an sinh xã hội, từ hạ tầng giao thông, xử lý chống ngập cho đến các công trình xây dựng phúc lợi liên quan đầu tư công (dự án BT, BOT), thậm chí một số dự án bất động sản liên quan đến xây dựng khu dân cư, kể cả nhà ở xã hội, cải tạo các chung cư cũ... đều nghẽn về thủ tục.

Ông Trần Du Lịch nói: "Năm 2020, theo tôi, điều nhất thiết phải làm ngay, làm nhanh, rốt ráo là phải gỡ về mặt thủ tục ở các điểm nghẽn từ các vấn đề nói trên. Chính quyền TP phải đồng hành với doanh nghiệp tham gia các dự án, cùng các bộ ngành của Chính phủ gỡ được các điểm nghẽn để hấp thụ được vốn. Có như vậy mới tạo được nền tảng để TP giải quyết được mọi vấn đề".

TP.HCM đề nghị tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách, cho xây trung tâm tài chính TP.HCM đề nghị tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách, cho xây trung tâm tài chính

TTO - Chủ tịch UBND TP.HCM đề xuất cho phép TP.HCM chủ động thực hiện đề án xây dựng tỉ lệ điều tiết ngân sách, cũng như đưa việc xây dựng trung tâm tài chính quốc gia vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tiếp theo.

TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: tp.hcm Kiến nghị