28/02/2016 16:50 GMT+7

5 giải pháp kềm lại thói đụng là đánh

 TRẦN VĂN TƯỜNG
TRẦN VĂN TƯỜNG

TT - Đọc bài “Kiềm chế thói hung hãn”, tôi thấy thói hung hãn hay còn gọi hành động bạo lực ở VN xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có văn hóa xuống cấp, tình trạng giáo dục chưa hiệu quả, xử lý vi phạm chưa nghiêm...

Có lần tôi giật mình khi thấy đoạn côn và ống sắt do bốn thiếu niên chở nhau trên hai xe máy ghé vào đổ xăng, nhất là khi nghe từ miệng những người trẻ này những lời thô tục, ... Ngày càng có nhiều vụ hành xử bạo lực với những nguyên nhân tưởng chừng đơn giản như bị thách thức, lời nói trái ý, nhìn thấy ghét, va quẹt xe trên đường...

Một số thanh thiếu niên khi gặp chuyện trái ý lại dùng nắm đấm giải quyết mâu thuẫn mà không cần biết lý lẽ, không chờ pháp luật.

Khi xảy ra vụ hành xử bạo lực, lúc chính quyền địa phương hoặc công an đến hiện trường thường thì chuyện đã rồi. Hình như chúng ta chưa có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn, xử lý? Vậy nên có người sẵn sàng đánh nhau, coi hành động đó cao hơn cách xử lý ôn hòa bởi vì họ không tin vào lẽ phải mà chỉ tin sự tranh giành, chạy chọt, quyền lực, tiền bạc.

Tôi nghĩ thói hành xử bạo lực và đánh nhau không thể xóa bỏ ngay, nhưng có thể hạn chế hoặc đẩy lùi nếu được sự quan tâm hợp tác từ nhiều phía gồm gia đình, nhà trường và xã hội.

Trước hết cần sự nêu gương từ người lớn. Người lớn trong gia đình nêu gương không làm việc xấu, quan tâm và định hướng cho con hướng thiện, làm điều hay lẽ phải. Đứa trẻ trong gia đình nếu được quan tâm, giáo dục, yêu thương sẽ khó trở nên bạo lực, làm điều ác.

Ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cần nâng cao đạo đức cho cán bộ, đảng viên, nhất là giới lãnh đạo và người đứng đầu phải nêu gương, sống trung thực, nói đi đôi với làm.

Thứ hai, địa phương mà bắt đầu từ tổ dân phố cần chú ý những người có dấu hiệu bạo lực để quan tâm hỗ trợ hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho họ trong sinh sống, kịp ngăn chặn cái xấu, cái ác.

Thứ ba, trong tổ chức các lễ hội nên đề cao tình yêu thương con người, đạo đức, nhân nghĩa, nhường nhịn, hòa nhã với nhau, luôn tin và tuân thủ pháp luật dưới mọi hình thức.

Thứ tư, nhà trường giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng xử lý tình huống phát sinh trong học tập và cuộc sống, ứng xử có văn hóa, giáo dục học sinh quý trọng sức khỏe mọi người.

Thứ năm, xây dựng luật pháp xử lý các vụ bạo lực với khung hình phạt đủ sức răn đe để các đối tượng có thói bạo lực biết sợ, không dám vi phạm, từ đó góp phần giúp họ kiềm chế .

TRẦN VĂN TƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên