Trong Đông y, mít chín có vị ngọt, tính ấm, có tác dụng chỉ khát, trợ phế khí, trừ chứng âm nhiệt. Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), mít và các bộ phận của cây mít là bài thuốc quý chữa nhiều bệnh như trị mụn nhọt, hỗ trợ điều trị tăng huyết áp, chống ung thư, tăng cường hệ miễn dịch, là liều thuốc giải rượu…
Dù mít là thực phẩm bổ dưỡng nhưng nếu ăn nhiều mít có thể gây nóng trong, bốc hỏa, khó chịu, gây khó ngủ và là nguyên nhân nổi mụn nhọt. Do đó kể cả vào mùa hè, là thời điểm chính vụ của mít thì nhiều người cũng không dám ăn nhiều loại quả này.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên Trưởng khoa Công nghệ Thực phẩm – trường ĐH Bách Khoa Hà Nội): Không có loại quả nào được coi là “loại quả nóng” hay “loại quả lạnh”. Thực tế, không có khái niệm nóng lạnh nào dành riêng cho hoa quả. Không phải vì mít là quả có nhiệt độ cao, khi cho vào miệng là có cảm giác nóng. Giống như bao loại quả được coi là gây nóng khác, mít chứa nhiều đường và đường mới là thành phần gián tiếp gây nóng.
Thay vào đó, theo PGS.TS Thịnh, có 3 điều bạn cần lưu ý khi ăn mít để tránh mang bệnh cho cơ thể.
1. Đối tượng không nên ăn mít
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, tuy mít là một thực phẩm bổ dưỡng, phù hợp cho mọi lứa tuổi. Tuy nhiên không phải ai cũng nên ăn nhiều mít, thậm chí đối với những nhóm người dưới đây thì nên tránh ăn loại quả này vì có thể gây ảnh hưởng xấu lên cơ thể.
- Trẻ em, người bị mẫn cảm về da: Mít là một loại quả gây nóng trong. Nếu trẻ em ăn mít nhiều thì thì sẽ tăng khả năng mắc các bệnh về da như rôm sảy. Trong trường hợp không biết vệ sinh đúng cách thì có thể gây ra hiện tượng mọc mụn, nổi nhọt.
- Người bị nóng trong: Đối với những người có thân nhiệt cao thì không nên ăn nhiều mít. Bởi trong mít chứa nhiều đường, lượng đường này sẽ hấp thụ nhanh vào cơ thể khiến bạn cảm thấy khó chịu, bức xúc, ngứa ngáy và nổi mụn…
- Bệnh nhân tiểu đường: Trong mít chứa nhiều đường fructoza và đường glucoza, nếu ăn nhiều thì có thể làm tăng lượng đường trong máu, do đó loại quả này không phù hợp cho bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường.
- Người béo phì: Một số đối tượng có khả năng tổng hợp đường thành mỡ nhanh hơn so với người bình thường, chẳng hạn như là người béo phì. Nếu bạn có đang hơi thừa cân thì nên hạn chế ăn mít vì lượng đường trong mít cao có thể gây ra tình trạng tích mỡ trong bụng, do đó làm mạch máu kém lưu thông.
- Bệnh nhân bị gan nhiễm mỡ, mỡ trong máu cao: Mít chứa hàm lượng đường cao, gây nóng trong do đó không phải là thực phẩm tốt cho gan. Những đối tượng bị gan nhiễm mỡ, mỡ trong máu cao thì không nên ăn nhiều mít vì đây là loại quả khó tiêu và chứa nhiều năng lượng.
2. Ăn nhiều mít cùng một lúc
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Viện phó Viện Dinh dưỡng Quốc Gia) chia sẻ, một nguyên tắc hàng đầu để đảm bảo an toàn cho sức khỏe khi ăn mít là không nên ăn quá nhiều cùng một lúc. Trên thực tế, ăn nhiều mít sẽ làm lượng đường trong máu tăng cao, gây nóng gan và đặc biệt không tốt cho gan thận.
Đối với người bình thường, trung bình mỗi lần ăn chỉ nên ăn từ 80-100g mít tươi, tương đương 4-5 múi.
3. Thời điểm không nên ăn mít
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, ăn mít lúc đói sẽ khiến cơ thể bị đầy bụng, khó tiêu, cực kì có hại cho cơ thể. Ngoài ra, bạn cũng không nên ăn mít vào thời điểm chiều tối và tối bởi trong mít có hàm lượng chất xơ cao, nếu ăn nhiều vào thời điểm này thì sẽ tạo cảm giác khó chịu, ấm ách, khó ngủ vào ban đêm.
Tốt nhất là bạn chỉ nên ăn mít trong khoảng 1-2 giờ sau bữa sáng hoặc bữa trưa. Nếu là người nóng trong, hay nổi mụn thì khi ăn mít nhớ bổ sung đủ nước và rau xanh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận