Nhiều người lao động từ các tỉnh miền Tây quay về TP.HCM để làm việc tại chốt kiểm soát TP.HCM - Long An - Ảnh: TỰ TRUNG
Các tỉnh đang đôn đáo đêm ngày cho việc đón dòng người về quê, từ chuyện lo kiểm soát dịch, cách ly, xét nghiệm đến các phương án tách F0 ra khỏi cộng đồng, ngăn dịch lây lan ở địa phương. Và những cái khó cho tỉnh nghèo và chính người hồi hương sẽ còn tiếp diễn.
Nhưng, đặt vào hoàn cảnh của những người về, muốn họ ở lại thì cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ.
Thứ nhất là thông tin về an sinh. Đọc rất nhiều câu chuyện người dân chạy xe máy về quê, hầu hết họ đều là những người lao động tự do đang kiệt quệ vì dịch, làm ngày nào ăn ngày đó, không có của để dành.
Tiền hỗ trợ khó khăn quá lớn, các tỉnh thành khó có thể lo nổi trong thời gian dài nên dù muốn cũng không có khả năng chi thêm cho bà con (nhất là khi chi phí phòng chống dịch quá lớn ở các tỉnh thành "vùng đỏ" này).
Đó là chuyện trong tháng 9. Còn thời điểm này, nếu có thể các tỉnh thành nên có thông tin rõ nhất về các ngành nghề sớm có thể đi làm lại để bà con dự liệu được nếu không về quê.
Với người lao động tự do, công nhân..., họ không cập nhật được nguồn tin chính thống từ chính quyền (vì nhiều lý do liên quan trình độ chuyên môn, công việc...). Lúc này cần tính đến các kênh truyền thông khác để phần đông người dân hiểu rằng ở lại sẽ "sống được" và an tâm ở lại.
Những thông tin chung chung, thông tin công bố vào phút chót khiến người dân luôn sống trong cảm giác "sợ lỡ chuyến về quê" nếu dịch kéo dài.
Thứ hai, thực tế những ngày qua cho thấy ngoài lý do hoàn cảnh khó khăn, nhiều người đã không có thông tin về những quy định rõ ràng ai được ra khỏi các vùng dịch. Chẳng hạn như: nên cho phép những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin và có kết quả xét nghiệm âm tính được về quê.
Về quê không chỉ là ý nguyện, muốn là về, mà ở đó còn có nhiều vấn đề liên quan cuộc sống, tương lai của gia đình họ cũng như chuyện chấp hành chỉ thị phòng chống dịch và giữ an toàn cho cộng đồng người ở quê.
Thứ ba, các tỉnh thành rất cần lên kế hoạch cụ thể thời gian đón người dân về quê. Đây không chỉ là một nghĩa cử "tình đồng hương" mà còn giảm áp lực cho những tỉnh thành đang có dịch. Cụ thể, các tỉnh nên phân chia ra đối tượng nào được về trước, tạo điều kiện cho dân về quê càng sớm càng tốt.
Thứ tư, cần quan tâm đến đời sống tâm lý của những người nghèo mong muốn về quê đợt này.
Hãy thử đặt vào tình cảnh của những người này, chúng ta sẽ thấy họ phân vân nhiều thứ: ở lại đợi mở cửa đi làm tiếp thì ngày nào mới đi làm? Liệu có việc làm hay không? Từ nay đến đó sống ra sao? Hay là quyết về quê một chuyến vì 4 -5 ngày nữa có thể ở nhà ít ra sống được...
Đây là một vấn đề rất cần, vì có làm cho họ an lòng thì mới có thể nói họ ở lại được. Bằng không, việc giữ lại kiểu đi không được, ở không yên sau dịch có nguy cơ người dân bỏ thành phố.
Thứ năm là những cân nhắc thiệt hơn từ chính người trong cuộc. Có không ít người muốn về vì kiệt quệ tinh thần, cần nghỉ ngơi hoặc chỉ vì nhớ quê muốn về nhân khi còn chưa đến công ty. Khi dịch lắng xuống họ sẽ trở lại thành phố với năng lượng mới.
Những người này cần bình tĩnh về quê trong trật tự sẽ tốt hơn khi hiện nay có những nơi tiếp nhận nhu cầu về quê của người từ vùng dịch. Về quê trước hết phải an toàn cho chính mình và người thân. Có vậy chuyến về sẽ an vui và ngày trở lại cũng đặng bình an.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận