Trang nhất các báo Anh ngày 7-4 đưa tin Thủ tướng Boris Johnson được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt Ảnh: independent.co.uk
Thủ tướng Boris Johnson có kết quả dương tính với virus SARS-C0V-2 hôm 27-3 (giờ địa phương). Đến tối 5-4 ông phải nhập viện. Chiều hôm sau, tình trạng của ông xấu đi nên được chuyển vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU).
Vì sao thủ tướng Anh nhiễm virus?
Chưa biết chính xác ông nhiễm virus trong trường hợp nào mà chỉ biết ông đã bị nhiễm COVID-19 sau khi có kết quả xét nghiệm ngày 27-3.
Nói chung ông không chú ý phòng ngừa. Đầu tháng 3 trước báo chí, ông vẫn đánh giá thấp nguy hiểm dịch bệnh và thậm chí còn xem thường các biện pháp giãn cách xã hội.
Lúc đó ông cười và kể: "Tôi đã bắt tay. Một đêm nọ tôi tới bệnh viện nơi tôi tin rằng có bệnh nhân nhiễm virus corona. Các bạn chắc bất ngờ đây, tôi bắt tay với mọi người. Tôi tiếp tục bắt tay nữa".
Ba tuần sau, trong video chia sẻ trên Twitter, ông cho biết đã bộc lộ một số triệu chứng nhẹ (sốt và ho dai dẳng) với kết quả xét nghiệm dương tính.
Sau đó, ông vẫn tiếp tục làm việc nhưng tự cách ly trong căn hộ trong dinh thủ tướng ở London.
Bệnh tình xấu đi như thế nào?
Mặc dù bệnh và bị cách ly, Thủ tướng Boris Johnson vẫn muốn chứng tỏ ông đang điều hành đất nước. Trong video đăng trên Twitter hôm 1-4, ông kêu gọi người dân Anh nên ở trong nhà để cứu những người khác.
Hôm sau, báo The Guardian (Anh) ghi nhận tin đồn về sức khỏe của thủ tướng lan ra trong chính giới London. Dường như một giường bệnh đã được chuẩn bị dành riêng cho ông tại bệnh viện St Thomas.
Bị báo chí cật vấn, văn phòng thủ tướng bác bỏ thông tin và nói thủ tướng chỉ có "triệu chứng nhẹ".
Tối hôm đó, ông xuất hiện tại bậc thềm dinh thủ tướng với vẻ mệt mỏi để khen ngợi đội ngũ y tế trong công tác chống dịch.
Trong video khác đăng hôm 3-4, ông cho biết sức khỏe đã tốt hơn nhưng vẫn còn sốt. Ông giải thích sau một tuần cách ly: "Tôi phải tiếp tục cách ly đến khi nào các triệu chứng hết hẳn".
Đây là lần xuất hiện cuối cùng của ông. Cuối tuần trước, sức khỏe của ông ngày càng xấu đi đến mức phải nhập viện cấp cứu vào tối 5-4.
Bệnh viện St Thomas - nơi điều trị Thủ tướng Boris Johnson gần dinh thủ tướng ở London Ảnh: EPA
Dinh thủ tướng giải thích đây chỉ là biện pháp đề phòng đơn thuần. Song từ ngữ trong thông cáo báo chí có thay đổi, các triệu chứng không còn được gọi là "nhẹ" mà là "dai dẳng".
24 tiếng sau, người phát ngôn thủ tướng thông báo Thủ tướng Boris Johnson đã được chuyển vào phòng chăm sóc đặc biệt vì tình trạng sức khỏe xấu.
Kênh FranceInfo (Pháp) nêu một nguồn tin từ chính phủ Anh cho biết thủ tướng vẫn nhận thức được và được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt để đề phòng ông cần thở máy.
Ngày 7-4, Dinh thủ tướng Anh cho biết ông Boris Johnson đang trong "tâm trạng tốt" sau khi có một đêm trong phòng hồi sức tích cực. Người phát ngôn của Dinh thủ tướng Anh nói ông Johnson, 55 tuổi, ở trong tình trạng ổn định, đã được cho thở oxy nhưng không phải dùng máy thở.
Thủ tướng được điều trị thế nào?
Sáng 7-4, Bộ trưởng Nội vụ Michael Gove xác nhận Thủ tướng Boris Johnson khó thở nên cần thở oxy chứ chưa dùng đến máy thở.
GS Derek Hill – chuyên gia về chẩn đoán hình ảnh ở Đại học London nhận xét: "Không còn nghi ngờ gì nữa. Diễn biến sự kiện cho thấy thủ tướng đã mắc bệnh nặng".
GS Derek Hill giải thích thủ tướng được điều trị suy hô hấp bằng phương pháp "thở áp lực dương liên tục" (CPAP). Phương pháp này thường được sử dụng trong điều trị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
Kinh nghiệm ở Ý và nhiều nước châu Âu khác cho thấy CPAP có hiệu quả đối với bệnh nhân COVID-19, ít nhất trong giai đoạn đầu.
Ngoại trưởng Dominic Raab hiện thời chủ trì các cuộc họp chống dịch Ảnh: MATT DUNHAM
Ai tạm thời điều hành đất nước?
Người phát ngôn thủ tướng đã thông báo Thủ tướng Boris Johnson yêu cầu Ngoại trưởng Dominic Raab thay thế ông khi cần thiết.
Ông Dominic Raab 46 tuổi là đại diện cho thế hệ mới của cánh bảo thủ. Ông được bầu vào quốc hội cách đây 10 năm, sau đó gia nhập chính phủ bảo thủ của Thủ tướng David Cameron năm 2015 với vị trí thứ trưởng Bộ Tư pháp.
Ông rời nhiệm sở vào tháng 7-2016 khi bà Theresa May trở thành thủ tướng rồi trở lại giữ chức bộ trưởng Tư pháp vào tháng 6-2017 và bộ trưởng Nhà ở vào tháng 1-2018.
Ông giữ chức bộ trưởng Brexit vào tháng 7-2018 nhưng ba tháng sau ra đi vì cho rằng chiến lược của bà Theresa May quá khoan nhượng với Liên minh châu Âu.
Đến tháng 7-2019, ông quay trở lại chính phủ lần nữa với vai trò ngoại trưởng dưới trào Thủ tướng Boris Johnson.
Phản ứng ở Anh và thế giới ra sao?
Ngày 7-4, trang nhất các báo ở Anh đều đưa tin Thủ tướng Boris Johnson được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt. Các báo lá cải như Daily Mirror và Daily Star còn giật gân hơn, đã dùng từ "cuộc chiến cứu mạng sống".
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố: "Toàn nước Mỹ cầu nguyện cho ông ấy bình phục".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron viết trên Twitter: "Tôi dành mọi ủng hộ của tôi cho Boris Johnson, gia đình ông ấy và nhân dân Anh vào thời điểm khó khăn này. Tôi mong ông ấy nhanh chóng vượt qua thử thách".
Thủ tướng Tây Ban Nha Petro Sanchez viết trên Twitter khẳng định tình đoàn kết và cầu chúc Thủ tướng Boris Johnson nhanh chóng bình phục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận