Với thời tiết mùa hè oi bức như những ngày qua, “mở cửa đón gió trời” bỗng dưng trở thành một thử thách khó nhằn. Vậy chúng ta hãy “bỏ túi” 5 bí quyết được các bác sĩ Đông y gợi ý, để hạn chế tối đa tác hại của máy lạnh đến cơ thể.
1. Tăng cường thực phẩm có tính ôn
Theo y học cổ truyền, thực phẩm được chia thành 4 tính vị: tính hàn, tính lương, tính ôn, tính nhiệt. Nếu phải làm việc trong phòng máy lạnh cả ngày, bạn nên cân nhắc thay thế cà phê, nước đá thành những thức uống có tính ôn như trà gừng, trà vối, trà vỏ quýt, trà chà là đỏ… để giữ ấm cơ thể, bồi bổ khí huyết và hỗ trợ lưu thông máu.
Ngoài ra, trong bữa ăn hàng ngày, chúng ta nên tăng cường vừa phải những thực phẩm có tính ôn khác như cá chép, hoa thiên lý, táo ta…
2. Vận động ngay khi có thể
Thấp khí là một khái niệm quen thuộc trong Y học cổ truyền, người thấp khí thường cảm thấy mệt mỏi, đau xương khớp, nặng đầu, hoa mắt… Các bác sĩ Đông y tin rằng duy trì thói quen vận động đều đặn sẽ thúc đẩy quá trình lưu thông máu, giảm bớt thấp khí cho cơ thể.
Bạn nên tranh thủ 5-10 phút nghỉ ngơi để thử những động tác thể dục tại chỗ như bài tập căng ngực, căng chân, xoay người, chống đẩy tường, ngồi dựa tường…
Với một vài động tác nhỏ, bạn không chỉ có thể cải thiện sức khoẻ mà tâm trạng cũng sẽ tốt hơn, giúp nâng cao năng suất làm việc.
3. Xoa lòng bàn tay, lòng bàn chân
Trong khi lòng bàn tay là nơi hội tụ những kinh lạc chủ quản của các cơ quan trong hệ tiêu hoá dạ dày ruột, tá tràng… thì lòng bàn chân là nơi tập trung nhiều huyệt đạo trọng yếu của cơ thể.
Sau mỗi ngày làm việc, hình thành thói quen xoa lòng bàn tay và lòng bàn chân đúng cách có thể giúp loại bỏ khí nóng, cải thiện sức đề kháng, tăng cường lưu thông máu, da dẻ hồng hào và ngăn ngừa lão hoá hiệu quả.
4. Ngâm chân bằng nước ấm trước khi đi ngủ
Ngâm chân bằng nước ấm mỗi tối là liệu pháp phục hồi sức khoẻ “thần kỳ” được các bác sĩ Đông y tin tưởng từ lâu. Để tăng cường hiệu quả của liệu pháp này, bạn nên giã một củ gừng nguyên vỏ thả vào chậu cùng 2-3 muỗng cà phê muối, pha nước ấm khoảng 30-40oC rồi ngâm chân tối đa 30 phút trước khi đi ngủ.
Liệu pháp này có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu, loại bỏ thấp khí, làm dịu các cảm xúc tiêu cực, tù túng sau một ngày dài ngồi phòng điều hoà và giúp ngủ ngon hơn.
5. Xoa bóp huyệt
Dùng túi chườm nóng hoặc khăn nóng chườm và xoa bóp khoảng 30 phút mỗi ngày ở 2 điểm huyệt Khí Hải Du và huyệt Quan Nguyên Du có tác dụng hỗ trợ điều khí huyết, giảm đau phần thắt lưng do ngồi quá lâu, ngồi sai tư thế cả ngày dài.
Huyệt Khí Hải Du nằm dưới rốn 1,5 thốn (khoảng 3,1 cm) ở mặt sau lưng, huyệt Quan Nguyên Du nằm thẳng dưới rốn 3 thốn (khoảng 6,2 cm).
Ngoài các liệu pháp Đông y trên, bạn cũng nên chú ý mặc quần áo kín đáo, tránh phần cơ thể phải tiếp xúc trực tiếp với hơi lạnh điều hoà quá nhiều, đặc biệt là phần cổ và lòng bàn chân. Bên cạnh đó, tìm góc làm việc trong phòng tránh hơi lạnh trực tiếp, cũng là cách hiệu quả để giữ ấm tối đa cho cơ thể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận