Tâm bão trên biển Bình Định - Ninh Thuận
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 16h ngày 9-11, tâm bão số 12 cách bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận khoảng 230km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/h), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 140km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 4h ngày 10-11, tâm bão ngay trên vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/h), giật cấp 12.
Suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp.
Đến 16h ngày 10-11, vị trí trung tâm vùng áp thấp trên khu vực đất liền Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/h).
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Tây khu vực giữa Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 12, biển động rất mạnh, sóng biển cao từ 5,0-7,0m.
Mưa bão gió mạnh ngoài khơi miền Trung
Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 12, biển động rất mạnh, sóng biển cao 4,0-6,0m.
Từ đêm nay 9-11, trên đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; vùng ven biển cấp 8, giật cấp 10. Các tỉnh Quảng Ngãi, Ninh Thuận có gió giật cấp 6-7.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12 kết hợp với không khí lạnh nên từ nay đến ngày 12-11, ở các tỉnh từ Quảng Trị đến phía bắc Khánh Hòa có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt, có nơi trên 450mm; Quảng Bình, phía nam Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên có lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt.
Nguy cơ sạt lở lũ quét
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận và Đắk Lắk, đặc biệt là tại các huyện Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước (Quảng Nam); Ba Tơ, Trà Bồng, Đức Phổ (Quảng Ngãi); An Lão, Phù Cát (Bình Định); Sông Hinh (Phú Yên); Khánh Sơn (Khánh Hòa); Ninh Sơn (Ninh Thuận); Đức Linh, Tánh Linh (Bình Thuận).
Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão cần triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, sẵn sàng lực lượng, vật tư để cứu hộ, ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.
Các địa phương cần kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân, cử người theo dõi, canh gác tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở, vùng ngập sâu, ngầm tràn, nước chảy xiết, chia cắt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.
Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như: mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất..., cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền đảm bảo an toàn tính mạng.
Cũng trong chiều 9-11, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã phát tin bão hình thành từ áp thấp nhiệt đới ở phía đông nam Philippines (bão Vamco).
Tại buổi thông tin báo chí về cơn bão số 12 diễn ra chiều 9-11, ông Trần Quang Năng - trưởng phòng dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia) - cho biết cơn bão này có thể đạt cấp 13-14, giật cấp 16 trong vòng 48 giờ tới.
Dự báo bão Vamco sẽ vào Biển Đông và đổ bộ vào miền Trung vào ngày 14 và 15-11, sẽ tiếp tục gây ra đợt mưa lớn tiếp theo ở khu vực miền Trung.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận