Sáng 7-5, tại Vĩnh Long, Hội Cơ học Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam và Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp tổ chức kỳ thi Olympic cơ học toàn quốc lần thứ 33.
Kỳ thi năm nay đồng loạt diễn ra tại ba miền, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long là đơn vị đăng cai tổ chức khu vực phía Nam. Kỳ thi có 495 sinh viên đến từ 17 trường đại học tham dự tranh tài.
Năm nay, các thí sinh tranh tài ở bảy môn thi truyền thống theo hình thức tự luận và năm môn ứng dụng tin học trong cơ học. Gồm cơ học kỹ thuật, cơ học kết cấu, sức bền vật liệu, thủy lực, cơ học đất, chi tiết máy, nguyên lý máy.
Theo ban tổ chức, kỳ thi Olympic cơ học toàn quốc là cuộc thi Olympic lâu đời nhất Việt Nam. Kỳ thi được tổ chức hai năm một lần, bắt đầu từ năm 1989. Kỳ thi góp phần đẩy mạnh phong trào học tập, nghiên cứu các môn cơ học của sinh viên...
Thông qua kỳ thi, ban tổ chức còn phát hiện, bồi dưỡng những tài năng trẻ, ứng dụng nhanh khoa học vào thực tiễn, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc - ủy viên thường trực Hội Cơ học Việt Nam, phó trưởng ban kỳ thi - cho biết thông qua kỳ thi đã có nhiều cá nhân đạt thành tích cao, đã được vinh danh và gặt hái nhiều thành công.
"Mong rằng nội dung thi ngày càng hoàn thiện hơn để góp phần đáng kể giúp sinh viên các trường kỹ thuật đáp ứng 4 trụ cột giáo dục kỹ thuật là học để biết, học để làm việc, học để trở thành và học để chung sống. Đáp ứng được phạm vi giáo dục kỹ thuật thế kỷ 21 là từ ý tưởng, thiết kế, chế tạo mô hình, tiếp thị và đưa sản phẩm ra thị trường", PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc nói.
Sau kỳ thi, ban tổ chức sẽ chấm thi tại Học viện Kỹ thuật Quân sự vào các ngày 13 và 14-5, công bố kết quả vào ngày 10 và 11-6.
Bên lề kỳ thi Olympic cơ học toàn quốc lần thứ 33, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề "Các vấn đề rung động, đồng trục và cân bằng động trong kỹ thuật".
Các hiện tượng rung động, mất cân bằng là một bài toán xuất hiện trong hầu hết các lĩnh vực khoa học kỹ thuật và gắn liền với đời sống hằng ngày. Việc giảm hiện tượng này góp phần nâng cao tuổi thọ của thiết bị, giảm chi phí sửa chữa.
Các chuyên gia đến từ các trường đại học, học viện đã đóng góp bảy bài tham luận. Đồng thời cũng đưa ra những giải pháp giải quyết các vấn đề rung động, đồng trục và cân bằng trong thực tiễn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận