TTCT - College Board, tổ chức phi lợi nhuận đang phụ trách kỳ thi SAT, đã bán mỗi cái tên thí sinh kèm theo các thông tin liên quan với giá 47 cent (khoảng 11.000 đồng), gây ra những tranh cãi dữ dội về tuyển sinh đại học ở Mỹ. Ảnh: Chronicle.com Jori Johnson là học sinh trung học ở ngoại ô Chicago khi dự thi SAT - kỳ thi chuẩn hóa thường được sử dụng làm cơ sở xét tuyển đại học (ĐH) Mỹ. Ngay sau đó, cô nhận được tờ rơi quảng cáo của ĐH Chicago và các trường Vanderbilt, Stanford, Northwestern. Jori nộp hồ sơ, nhưng vài tháng sau chỉ nhận được thư báo không trúng tuyển, rồi lại có ba trường khác tiếp cận, Jori kể. Điểm số của cô học sinh giỏi ở một trường trung học, dù khá cao ở hầu hết các bài thi, thấp hơn nhiều so với điểm số của những thí sinh trúng tuyển. “Rất nhiều thư từ chối được gửi đến cùng trong một ngày. Tôi cứ nhìn vào màn hình máy tính và khóc” - cô kể. Năm nay 21 tuổi, Johnson hiện là sinh viên khoa điện ảnh của ĐH New York, một trong ba trường cô trúng tuyển, trong 10 trường cô nộp đơn xin học. Bán rẻ dữ liệu thí sinh Những quảng cáo chiêu sinh không giúp được gì cho Jori, mà có lợi cho chính các trường. Họ lên cao hơn trong các bảng xếp hạng và nổi tiếng hơn khi trưng ra dữ liệu cho thấy đang tuyển chọn khắt khe hơn, với tỉ lệ chọi ngày một cao, từ chối ngày càng nhiều ứng viên. Họ có thể làm vậy nhờ sự trợ giúp của College Board (CB), tổ chức phi lợi nhuận đóng ở New York đang phụ trách việc tổ chức SAT. Các trường cho biết dữ liệu về thí sinh SAT giúp họ tiếp cận các nhóm sinh viên đa dạng mà họ có thể đã bỏ qua. Rồi số đơn xin học và cả tỉ lệ đơn bị từ chối tăng lên. Những con số này phóng đại thực tế về mức độ khó khăn của đầu vào mà các trường luôn muốn phô diễn. Nguyên trưởng bộ phận tuyển sinh của ĐH Vanderbilt, ông Terry Cowdrey, nhận xét: “Các trường ở vị trí top 10 không cần phải chào mời thí sinh. Họ làm thế chỉ cốt để tăng số lượng nộp đơn; để giữ được mẫu số tăng trong công thức tính tỉ lệ nhập học”. Tỉ lệ sinh viên trúng tuyển so với sinh viên dự tuyển ở Vanderbilt đã giảm từ 46% xuống còn 11% giai đoạn 2002 - 2017, theo phân tích dữ liệu liên bang. Cùng giai đoạn này, số đơn xin vào học tăng hơn gấp ba. Douglas Christiansen - trưởng phòng tuyển sinh của Vanderbilt và cũng là một cựu chủ tịch ban quản trị CB - nói trường ông dùng dữ liệu của CB để có sự đa dạng đầu vào và coi trọng việc bảo mật dữ liệu này: “Chúng tôi có sinh viên từ vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, các khu vực nội thành, đô thị lớn, thành phố nhỏ. Chúng tôi không thể đến được hết tất cả những nơi này”. Cuộc đua chiêu sinh đã khuấy đảo những gia đình coi trọng việc thi đậu vào các trường lớn. Bầu không khí cạnh tranh ngày càng gay gắt góp phần thúc đẩy những đường dây gian lận tuyển sinh, như vụ bị phanh phui hồi tháng 3-2019. Tay tư vấn tuyển sinh ĐH William “Rick” Singer đã hối lộ nhân viên tuyển sinh, tạo hồ sơ thành tích thể thao và điểm SAT giả để đưa nhiều học sinh con nhà giàu vào ĐH. Nhưng người phát ngôn của CB Zachary Goldberg nói chỉ có chưa tới 1% bài thi SAT bị hủy trong năm ngoái vì có vấn đề giả mạo và tổ chức này đã “tăng cường đáng kể việc bảo mật bài thi trong những năm vừa qua”. Vụ bê bối tuyển sinh không ảnh hưởng gì đến sự phổ biến của SAT, vốn được nhiều người biết đến hơn ACT, đối thủ chính của SAT. Càng nhiều học sinh thi SAT, CB càng có nhiều dữ liệu để bán cho các trường. Khoảng 1/4 các ĐH ở Mỹ đã dừng việc xét tuyển theo SAT hay ACT, vì cho rằng các kỳ thi chuẩn hóa chỉ có lợi cho học sinh có điều kiện, mà không giúp đánh giá được học sinh đã học như thế nào ở trường. Một nhóm dân quyền có trụ sở ở Los Angeles đang gây áp lực buộc ĐH California phải bỏ việc xét tuyển dựa trên điểm thi. Nhưng Goldberg cho rằng CB cung cấp dữ liệu về thí sinh để “tạo khởi đầu cho cuộc trao đổi quan trọng giữa học sinh với các trường và các tổ chức học bổng, khám phá nhiều lựa chọn”, nên “có lợi hơn là có hại”. CB cũng nói họ “cấp phép sử dụng”, chứ không “bán” dữ liệu của học sinh, vì các trường chỉ dùng dữ liệu trong một thời gian cố định và đồng ý tuân thủ một số quy định khác. Nhưng Leonie Haimson - đồng chủ tịch của Liên hiệp Phụ huynh bảo mật thông tin học sinh, một nhóm hoạt động chống CB - cho rằng việc phổ biến dữ liệu có thể ảnh hưởng đến cơ hội vào ĐH của học sinh: Nếu một học sinh thi SAT không tốt, trường mua dữ liệu sẽ biết được khoảng điểm của học sinh đó. Những học sinh bị bỏ qua CB được một nhóm các trường tư thục bờ Đông thành lập năm 1899 và phát triển danh tiếng tầm quốc gia sau khi tổ chức kỳ thi SAT đầu tiên vào năm 1962. Nhóm này hướng đến việc xác định những học sinh giỏi của các trường trung học công lập khu vực Trung Tây mà các ĐH tư thục bờ Đông có thể bỏ qua. Khi số lượng sinh viên ĐH tăng cao sau Thế chiến II, SAT trở thành một cách để các ĐH sàng lọc thí sinh. CB cho biết họ từng thấy điểm số SAT tương quan chặt chẽ với thu nhập gia đình. Các nhân viên tuyển sinh và tư vấn hướng nghiệp dần đã xem CB như là người gác cổng cho các gia đình khá giả, chứ không phải nơi đánh giá tài trí. Năm 2012, ACT - đối thủ của CB trụ sở ở Iowa City, vốn có tiếng trong giới tuyển sinh là một kỳ thi bình đẳng hơn - đã có số lượng thí sinh vượt qua SAT. CB bắt đầu bán tên thí sinh SAT từ năm 1972, khi họ thành lập bộ phận tìm kiếm sinh viên (Search) theo nhu cầu của các chuyên gia tư vấn ĐH, những người muốn một phổ sinh viên rộng hơn tiếp cận được thông tin về nhiều trường ĐH hơn. Khi tỉ lệ nhận vào của các trường hàng đầu giảm xuống trong thập niên qua, áp lực điểm SAT cao ngày càng tăng với học sinh và các em phải thi nhiều lần hơn. CB cuối cùng hưởng lợi. Số lượt thi SAT tăng 36%, đạt 2,2 triệu lượt trong năm 2019, so với 1,6 triệu năm 2016 và lại vượt qua ACT. Năm 2017, doanh thu của CB là 1,1 tỉ USD, theo báo cáo thuế mới nhất của tổ chức này, trong khi con số này năm 2012 mới là 760 triệu USD. Doanh thu đó giúp tổ chức “phi lợi nhuận” này tạo ra 140 triệu USD lợi nhuận trong năm 2017, với tổng tài sản hơn 1 tỉ USD. Đồng thời, từ 63 triệu USD năm 2010, doanh thu từ bán dữ liệu học sinh của CB tăng lên thành 100 triệu USD năm 2017. Một phần sự tăng trưởng là nhờ tổ chức kỳ thi PSAT (trước SAT) từ lớp 11 xuống tới lớp 8 trong năm học 2015-2016. Các trường sẽ mua tên trong khoảng điểm số chênh lệch khoảng 50 điểm, nên không thể biết chính xác điểm số của từng cá nhân học sinh. Học sinh trước khi tham dự kỳ thi của CB cũng được hỏi có cho phép các trường tiếp cận thông tin của họ hay không. Hơn 80% thí sinh nói có, và những người này tăng khả năng vào ĐH của họ lên khoảng 12%, theo CB. Năm ngoái, sau khi các bậc phụ huynh và giáo viên than phiền câu hỏi về việc tự nguyện cung cấp thông tin đó không rõ ràng, Bộ Giáo dục Mỹ đã ban hành hướng dẫn yêu cầu giải thích rõ ràng với giáo viên, nhân viên, và phụ huynh về yêu cầu thu thập dữ liệu. Nhiều bang, bao gồm Illinois, nơi vẫn bắt buộc học sinh trung học thi SAT, đã có luật cấm bán dữ liệu học sinh. ■ (Dịch theo Wall Street Journal) Chen chúc vì những cái tên Số thí sinh bị từ chối ở các ĐH lớn của Mỹ chưa bao giờ nhiều như vậy. Niên khóa 2021, ĐH Harvard nhận được 39.506 hồ sơ, trong khi niên khóa 2006 là 19.527 hồ sơ, mà chỉ nhận 5,2% trong số đó, theo số liệu liên bang. Hồ sơ nộp vào ĐH Northwestern tăng từ 13.988 vào năm 2006 lên 37.259 trong cùng thời gian, tỉ lệ tuyển chỉ là 9,2%. Các trường ĐH hàng đầu ngày càng khó vào hơn một phần vì số thí sinh đủ điều kiện đang nộp đơn vào từ khắp nơi trên thế giới ngày càng nhiều hơn, một phần vì học sinh học lực trung bình cũng nộp đơn vào ĐH nhiều hơn. Năm 2017, 36% tân sinh viên nộp đơn vào chỉ 7 trường, so với 19% năm 2007, theo khảo sát tân sinh viên thường niên mới nhất của Viện Nghiên cứu giáo dục ĐH. Kết quả là các ĐH Mỹ nhìn chung có nhiều hồ sơ dự tuyển để từ chối hơn. Xu hướng nộp hồ sơ vào nhiều trường một lúc cũng buộc các trường phải thu hút nhiều ứng viên hơn cho chắc ăn, vì một sinh viên được nhận vào học có thể lại chọn trường khác. Để chiêu sinh nhiều hơn, các cán bộ tuyển sinh có thể quay sang CB, nơi bán danh sách học sinh trung học, bao gồm các thông tin như tên, chủng tộc, học vấn của phụ huynh và khoảng điểm SAT tương đối với giá 47 cent một trường hợp. Mỗi năm, 1.900 trường và chương trình học bổng mua tổng cộng khoảng 2-2,5 triệu tên, CB cho biết, nhưng không tiết lộ đã bán tổng cộng bao nhiêu tên từ trước đến nay. Các trường tập trung vào các tổ hợp dữ liệu về địa lý, tầng lớp kinh tế - xã hội và mối quan tâm học tập. Ví dụ, một trường có thể mua danh sách các nữ sinh da trắng thích môn bóng đá ở Colorado, Wyoming và Montana và có điểm SAT trong một khoảng cụ thể, đang quan tâm đến ngành kỹ thuật và phụ huynh chưa từng học ĐH. Một số trường mua đến nửa triệu cái tên một năm. Tags: Gian lận thi cửTuyển sinh đại học MỹThi SATBán dữ liệu thí sinh
Bầu cử Mỹ: Cử tri Mỹ bắt đầu đến phòng phiếu DUY LINH 05/11/2024 Chiều tối nay 5-11 (giờ Việt Nam), những điểm bỏ phiếu đầu tiên tại các bang miền đông Mỹ bắt đầu mở cửa. Đây sẽ là thời khắc cử tri đưa ra quyết định cuối cùng cho sự kiện 4 năm một lần.
Quốc lộ 51 bỗng nhiên 'vô chủ': Đề nghị Bộ Tài chính xác lập quyền sở hữu toàn dân ĐỨC PHÚ 05/11/2024 Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Tài chính sớm xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với dự án BOT quốc lộ 51.
Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy và ca sĩ Quốc Kháng bị bắt vì 'chạy án' ĐAN THUẦN 05/11/2024 Bà Lê Thị Mỹ Châu (chủ tịch HĐQT Công ty Pharmacy Group) bị bắt tạm giam, vì móc nối với ca sĩ Quốc Kháng để 'chạy án' cho một bị can đang bị Công an TP.HCM tạm giam.
20 trẻ mầm non phải vào viện do nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột TTXVN 05/11/2024 Chiều 5-11, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết sức khỏe 20 trẻ mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột đã ổn định.