17/05/2021 10:27 GMT+7

45 năm cuộc bầu cử trên non sông thống nhất - Kỳ 1: Thống nhất lòng người trên lá phiếu

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Ngày hội lớn 25-4-1976 mà cả xóm kênh nước đen chộn rộn kéo nhau đi bỏ phiếu từ mờ sáng, những bài phỏng vấn ngời lý tưởng của các ứng cử viên trẻ...

45 năm cuộc bầu cử trên non sông thống nhất - Kỳ 1: Thống nhất lòng người trên lá phiếu - Ảnh 1.

Linh mục Huỳnh Công Minh với những ký ức về kỳ tổng tuyển cử năm 1976 mà ông đắc cử đại biểu Quốc hội - Ảnh: PHẠM VŨ

"Lá phiếu thống nhất năm 1976 cũng là lá phiếu lần đầu trong đời tôi. Thật khó diễn tả được cảm xúc khi ước mơ hòa bình, thống nhất mà mình đã nuôi dưỡng, đấu tranh kể cả trong những phút tưởng như cuối cùng của cuộc đời thành hiện thực. Và tôi hiểu đây là kết tinh khát vọng của toàn dân tộc sau bao biến động lịch sử…" - ông Nguyễn Chơn Trung, phó bí thư Đoàn thanh niên cách mạng TP.HCM năm 1976, xúc động nhắc lại.

Lật giở báo Tuổi Trẻ tháng 4-1976, chúng tôi được đọc những bài báo: "Là cây một gốc, là con một nhà", "Đất nước - Dân tộc Việt Nam là một", "Thanh niên trước cuộc vận động lịch sử thống nhất đất nước", "Nước non ngàn dặm", "Trước sau chỉ một con đường, tôi cứ thẳng đường mà đi", "Chúng ta quyết định bằng lá phiếu độc lập tự do", "Những ngày đẹp nhất của Tổ quốc ta", "Hãy tin cậy chúng tôi"...

Tình yêu nước trong mỗi người

Những hình ảnh đen trắng, nhòe nét trên giấy ố vàng nhưng vẫn nguyên những khuôn mặt trẻ trung với nụ cười và ánh mắt rực niềm tin rạng rỡ. 

Báo Tuổi Trẻ năm ấy chỉ vừa vài tháng tuổi cùng những phóng viên xuất thân từ phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn đã tường thuật tỉ mỉ những đêm trắng kẻ vẽ khẩu hiệu, làm băngrôn cổ động thống nhất ở các cơ sở Đoàn. 

Ngày hội lớn 25-4-1976 mà cả xóm kênh nước đen chộn rộn kéo nhau đi bỏ phiếu từ mờ sáng, những bài phỏng vấn ngời lý tưởng của các ứng cử viên trẻ...

Nhưng đáng chú ý nhất là mục Giải đáp thắc mắc xuất hiện thường xuyên trên báo suốt cả tháng trước và sau bầu cử. Với cái nhìn của ngày hôm nay, người đọc lại báo cũ cũng không khỏi ngạc nhiên trước những câu hỏi không khoan nhượng và câu trả lời quyết liệt: "Hỏi: Bầu cử rồi có gạo không? Ăn chưa no, hơi sức nào mà lo bầu cử? Trả lời: Quốc hội không phải là kho gạo nên không thể 25 đi bầu, 26 có gạo. 

Nhưng muốn có gạo một cách chắc chắn, bền vững và tăng trưởng mãi mãi thì phải lo xây dựng một chính quyền vững mạnh, đủ sức lãnh đạo, biết tập trung trí tuệ và sức lao động của toàn dân để giải quyết hàng trăm khó khăn chồng chất do hậu quả chiến tranh...; Hỏi: Các anh đã sắp đặt hết rồi, giờ bắt chúng tôi ra "làm kiểng" để hợp thức hóa chứ bầu cử gì? Trả lời: Không có ai là "các anh" mà chỉ có toàn thể nhân dân Việt Nam tổ chức và trực tiếp bầu cử thông qua các tổ chức quần chúng và sự giúp đỡ của chính quyền. 

Nếu gọi toàn thể dân Việt Nam là "các anh" thì ta là ai, đứng chỗ nào, và muốn ai thay thế việc "sắp đặt"?...; Hỏi: Tại sao gọi là "Ngày hội lớn của toàn dân"? Tôi thấy có người có cảm thấy như vậy đâu? Trả lời: Cảm thấy thế nào là tùy chỗ mình đứng và góc độ mình nhìn. Nếu đứng về phía toàn dân và nhìn bằng con mắt của người sau 30 năm đấu tranh mới giành được độc lập, hòa bình cho đất nước, mong muốn xây dựng chính quyền độc lập, tự chủ của mình thì đó chính là Ngày Hội Lớn...".

Đọc lại, ông Nguyễn Chơn Trung cười: "Đấy, rộn ràng thì quá rộn ràng, phấn khởi thì quá phấn khởi. Nhưng đâu có điều gì dễ dàng. Hòa bình lập lại chưa tròn năm, mỗi động thái của chính quyền đều gặp phải những ánh mắt nghi ngại và cả hành vi chống đối. 

Chỉ riêng Sài Gòn, hơn 1 triệu người là binh sĩ rã ngũ, nhân viên các tổ chức chính quyền cũ đã ngừng hoạt động, trong đó 80% là lứa tuổi thanh niên. Hết sức phức tạp. 

Từ cuối năm 1975, Hội nghị hiệp thương thống nhất đã họp để chuẩn bị cho các bước thống nhất về mặt chính quyền. Thành đoàn thành lập Thanh niên xung phong, dự kiến ra quân ngày 26-3-1976 nhưng đến tháng 1-1976 mới chỉ vận động được 3.000 người chủ yếu là sinh viên, học sinh. 

Từ thực tiễn hoạt động tại Sài Gòn nhiều năm, chúng tôi đề xuất với Thành ủy để mở rộng diện vận động ra đối tượng nhân viên, binh lính chế độ cũ, kể cả những người đang cai nghiện ma túy. 

Ông Sáu Dân (bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt) rất tán thành, còn đến tận nơi tập trung để nói chuyện. Ông nói: "Lòng yêu nước không nằm riêng trong lòng ai, mà trong tất cả mọi người. Là thanh niên, đất nước thống nhất thì chúng ta đứng chung một ngọn cờ, cùng một mục đích xây dựng, bảo vệ Tổ quốc"...".

Những buổi nói chuyện của ứng cử viên, lãnh đạo, thủ lĩnh sinh viên, thanh niên được tổ chức liên tục để lan tỏa ý nghĩa lá phiếu thống nhất, ý nghĩa cuộc tổng tuyển cử lần thứ hai trong lịch sử Việt Nam. 

Lá phiếu mà mỗi người dân Sài Gòn bỏ vào thùng phiếu ngày 25-4-1976 đã thật sự là lá phiếu thống nhất trong mỗi người.

45 năm cuộc bầu cử trên non sông thống nhất - Kỳ 1: Thống nhất lòng người trên lá phiếu - Ảnh 2.

Nhân dân Sài Gòn diễu hành đón mừng cuộc bầu cử Quốc hội năm 1976 trên đất nước hòa bình, thống nhất - Ảnh: Huy Hoàng TTXVN

Thúc đẩy xả thân

Được tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội của TP.HCM liên tiếp hai khóa VI, VII, linh mục Huỳnh Công Minh giữ một vai trò rất đặc biệt: gạch nối giữa chính quyền và giáo dân trong giai đoạn có nhiều sự kiện căng thẳng. 

Hôm nay, ở tuổi 80, ông cười tươi: "Nhắc nhớ những ngày tháng 4-1975, tháng 4-1976, bầu không khí sôi động thúc đẩy sự xả thân ấy lại như sống dậy trong tôi. Tôi không bao giờ nghĩ mình có vinh dự được bầu làm đại biểu Quốc hội thống nhất lần đầu tiên. Nhưng đã được bầu, dù khả năng có hạn tôi vẫn phải dốc sức".

Báo cáo chính trị của Bí thư thứ nhất Lê Duẩn trong kỳ họp đầu tiên về xây dựng con người mới, xã hội mới gây ấn tượng mạnh với ông. 

"Người sống vì mọi người, yêu thương, đoàn kết, một lòng cùng nhau xây dựng xã hội vững mạnh, đất nước đẹp giàu không chỉ là mơ ước của Đảng mà là của mọi người trong xã hội, kể cả người Công giáo. Giáo lý dạy người Công giáo phải yêu nước mình, yêu thương những người quanh mình". 

10 năm làm đại biểu Quốc hội của Việt Nam thống nhất, linh mục Huỳnh Công Minh đã đi giảng ở nhiều giáo xứ trong Nam ngoài Bắc, cả ở nước ngoài và khi nào ông cũng giữ lời nguyện "suốt đời phục vụ sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc trên cơ sở yêu nước, suốt đời làm nhịp cầu nối kết quần chúng Công giáo với đại gia đình Việt Nam".

Và thật sự bầu không khí ấy hôm nay sống dậy. Ông nhắc nhớ từng người trong Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM năm ấy: đại diện sinh viên, thanh niên là Lê Văn Nuôi, Huỳnh Tấn Mẫm; đại diện trí thức là bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, luật gia Ngô Bá Thành; đại diện người lao động là chị lao công Lê Thị Thêu, ông nông dân Củ Chi mỗi lần đi họp đều mặc đồ bà ba, mang guốc mộc... 

Linh mục Huỳnh Công Minh nói: "Tôi thật sự tự hào. Có lần đi nước ngoài, nhiều người bên ấy nêu ý kiến rằng Quốc hội của chúng ta chưa đạt chất lượng. Tôi giải thích: ở các nước, trong Quốc hội hầu như chỉ có trí thức. 

Vai trò trí thức rất quan trọng, đi đầu trong sáng tạo, tìm vạch đường hướng cho phát triển, nhưng Quốc hội Việt Nam còn có cả nông dân, cả người lao động để đại diện cho quyền lợi của số lượng rất đông nông dân, người lao động trong xã hội. Tôi cho đó là ưu điểm lớn".

Trông đợi lớn lao

* "Năm ấy tất cả đều là đầu tiên, niềm vui hòa bình choáng ngợp, bao trùm tất cả. Những năm sau này, nhiều chuyện đã trở nên rõ ràng hơn, hòa bình đã có thời gian để đòi hỏi thực tế phải cải thiện, phải đổi mới.

Hôm nay chuẩn bị Quốc hội khóa XV, các vị đại biểu tài năng hơn chúng tôi rất nhiều nhưng mong rằng họ nhớ và tiếp thu được niềm tin tưởng, trông đợi lớn lao của người dân từ 45 năm trước", linh mục Huỳnh Công Minh trải lòng.

* "Quá trình bầu cử là quá trình nâng cao chất lượng dân chủ. Cầm lá phiếu đi bầu từ năm 1976 tới nay, tôi mong các đại biểu thở bằng nhịp thở của cử tri, dùng năng lực và tư duy của bản thân để đặt quyền lợi của Dân lên trên hết. Niềm tin của người Dân vào tương lai một phần là gửi gắm vào các vị", ông Nguyễn Chơn Trung chia sẻ.

-------------------------------

Quốc hội khóa VI mang ý nghĩa đặc biệt khi non sông đã quy về một mối. Và kỳ bầu cử ở Quảng Trị càng đặc biệt bởi mảnh đất này có vĩ tuyến 17 từng chia cắt đất nước.

Kỳ tới: Nữ đại biểu miền giới tuyến

Gần 5.000 cử tri vùng biên giới Quảng Nam hoàn thành bầu cử sớm Gần 5.000 cử tri vùng biên giới Quảng Nam hoàn thành bầu cử sớm

TTO - Sáng 16-5, đồng bào vùng cao tại 6 xã vùng biên giới tỉnh Quảng Nam gồm Đắc Pring, Đắc Pre, Đắc Tôi, La Dê, La Ê và Chơ Chun (huyện Nam Giang) đã hoàn tất bỏ phiếu sớm. Các điểm bỏ phiếu đều có lãnh đạo tỉnh tham dự.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: bầu cử đi bầu