Không “tự ái" sao được, tiết canh, mắm tôm… người nước ngoài không biết ăn thì đã đành đi, chứ còn bánh đậu xanh Hải Dương ngon bùi thế kia, bánh trôi dẻo ngọt thế kia, thịt đông mát lành biết bao, lại “đội sổ” đứng đầu top với “lẹt đẹt" 2-3 sao chấm điểm?
Rồi còn cả bánh tét, bánh chưng, cá kho tộ, canh chua… nổi tiếng biết bao, mà vẫn lọt vào danh sách này?
Nhưng gượm đã, có đúng là những món này đang bị chê là tệ nhất không?
Đầu tiên là tên của danh sách, “45 Worst Rated Vietnamese Foods" có nghĩa là 45 món ăn Việt Nam có số đánh giá tệ nhất/ít nhất/thấp nhất/xấu nhất trên trang, mà ví dụ cụ thể ở đây là món bánh đậu xanh Hải Dương với 2,8 sao trên 5 sao.
Đồng điểm 2,8 sao là món tiết canh, xếp vị trí số 2 trên bảng xếp hạng.
Trong khi đó, món ăn xếp thứ 45 cuối bảng, bò né, nhận được đánh giá là 3,9 trên 5 sao.
Như vậy, dù là món “đội sổ" hay món “đỡ tệ nhất" trong bảng xếp hạng này thì vẫn đạt điểm trên trung bình, nên chăng nên hiểu đây chỉ là những món ăn được ít người bình chọn hơn so với các món ăn Việt Nam khác trên trang mà thôi.
Cần phải nói thêm là món ăn Việt Nam được bình chọn cao nhất trên trang này là bánh mì, bò nhúng giấm và bún thịt nướng chả giò, đều được 4.6 sao.
Đó là chưa kể nếu tìm kiếm theo quốc gia trên trang, chúng ta sẽ còn thấy nhiều món Việt thậm chí còn… chưa được chấm sao nào, như hoa quả dầm, gỏi ngó sen, bánh tẻ, rượu táo mèo, rồi sầu riêng Cái Mơn, dừa Bến Tre…
Điều đó đâu thể hiểu là những món này tệ đến mức chỉ có... 0 sao?
3.000 bình chọn 45 món, đáng tin không?
Bên trái mỗi bài viết về món ăn trên trang đều có 3 ô để người đọc tick vào sau khi đọc qua về món ăn, bao gồm “Bạn đã ăn món này chưa? Hãy bình chọn nào", “Bạn có muốn thử không?”, và “Thêm vào danh sách yêu thích".
Như vậy, dễ có trường hợp độc giả chưa hề biết món ăn đó thì họ đâu có bấm vào bình chọn để làm gì?
Còn khi bấm vào bình chọn cho một món ăn, độc giả sẽ được yêu cầu bình chọn số sao mình thích, kèm bình luận, sau đó thêm gợi ý địa điểm món ăn đó, kèm hình ảnh chụp món ăn…
Theo nguyên lý đó, có thể hiểu món ăn càng được nhiều người biết đến, khả năng được bình chọn, bình luận, giới thiệu địa điểm để ăn càng cao.
Điểm tiếp theo cần chú ý là số lượng bình chọn. Theo TasteAtlas, danh sách “45 món ăn Việt Nam được đánh giá thấp nhất” tính đến ngày 16-3 ghi nhận 4.427 đánh giá, trong đó có 3.037 đánh giá được hệ thống công nhận là hợp lệ.
Số lượng đánh giá hợp lệ này được lọc từ một loạt cơ chế mà TasteAtlas tuyên bố là nhận dạng được người dùng thực và bỏ qua những đánh giá của robot mạng hay có hơi hướng cho rằng nước mình là nhất, đồng thời tăng thêm giá trị cho những đánh giá từ người dùng mà hệ thống công nhận là am hiểu.
Như vậy ta chỉ hiểu được 45 món Việt kia đã được hơn 3.000 người đã bấm vào bình chọn, tuy nhiên để nghĩ rằng 45 món ăn đó bị “chê” thì cần phải xét thêm các yếu tố như thời gian bình chọn là bao lâu, thời điểm đăng tải các món ăn trên trang có đồng đều không, độ nổi tiếng của món ăn với thế giới…
Có thể nhận thấy tất cả 45 món ăn trong danh sách đều không xa lạ với người Việt, nhưng hầu hết đều là những cái tên không quá thân quen với nhiều thực khách quốc tế, đặc biệt là những người chưa đến Việt Nam bao giờ.
Khơi gợi tò mò với món Việt
Thậm chí, nghĩ một cách tích cực hơn, danh sách này đang ít nhiều góp phần quảng bá những món ăn Việt Nam mà nhiều người nước ngoài chưa biết đến.
Nói đến món Việt, khách du lịch đến Việt Nam chắc ai cũng biết phở, bánh mì, bánh xèo, bún bò, cơm tấm, gỏi cuốn… nhưng mấy ai dám chắc nhiều người nước ngoài biết bánh khoái Huế là gì, rồi mấy người đến Việt Nam chơi mà được ăn xôi gấc?
Bên cạnh đó, đây cũng chỉ là một trong những danh sách các món Việt mà TasteAtlas đăng tải, gần nhất chắc phải kể đến Top 28 Vietnamese Street Food (Top 28 món ăn đường phố Việt Nam), rồi Top 47 Vietnamese Food (Top 47 món ăn ở Việt Nam), Top 16 Vietnamese Soups (Top 16 món canh ở Việt Nam)...
Một điểm đáng chú ý là hầu hết tên các món ăn Việt Nam trên trang đều được viết bằng tiếng Việt có dấu đúng chính tả, thay vì bỏ dấu hết như nhiều trang tiếng Anh khác.
Đi kèm theo mỗi món ăn đều có phần thuyết minh chi tiết về nguồn gốc, thời điểm ra đời, thành phần món ăn, khu vực phổ biến, mức độ phổ biến, đồ họa bản đồ thể hiện khu vực có món ăn đó…
Dưới hầu hết các bài viết về món ăn cũng có các bài liên quan gợi ý các phiên bản khác nhau của món ăn đó nếu có, ví dụ như phở thì có phở bò tái chín, phở hải sản, phở trộn, phở chay, phở xào, phở cuốn… cùng gợi ý các địa điểm để ăn nếu có.
TasteAtlas đi theo phương châm “là một cuốn bách khoa toàn thư về hương vị, một tập bản đồ thế giới về các món ăn truyền thống, nguyên liệu địa phương và các nhà hàng chuẩn vị”.
Vậy nên thay vì “tự ái”, có thể xem danh sách này có giá trị tham khảo về những món ăn chưa phổ biến với người nước ngoài, bởi TasteAtlas cũng khẳng định các bảng xếp hạng của họ không nên được coi là kết luận toàn cầu cuối cùng về món ăn.
“Mục đích của các bảng này là quảng bá những món ăn ngon của địa phương, khơi dậy niềm tự hào về các món ăn truyền thống, cũng như khơi dậy sự tò mò về những món ăn mà bạn chưa từng thử”, TasteAtlas tuyên bố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận