17/08/2024 08:00 GMT+7

420 năm Danh xưng Duy Xuyên - vùng đất giàu truyền thống và trù phú

VIỆT HÙNG
và 1 tác giả khác

Qua nhiều nghiên cứu và hội thảo khoa học quốc gia, địa phương, giới nghiên cứu, nhà khoa học lịch sử có căn cứ khẳng định danh xưng Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đã khởi thủy từ 420 năm trước, là vùng đất thiêng, tích tụ sâu sắc truyền thống, lịch sử.

420 năm Danh xưng Duy Xuyên - vùng đất giàu truyền thống và trù phú- Ảnh 1.

Hội thảo khoa học Quốc gia “Duy Xuyên trong tiến trình lịch sử dân tộc” nhân kỷ niệm 420 năm Danh xưng Duy Xuyên - Ảnh: D.X

Kỷ niệm 420 năm Danh xưng Duy Xuyên (1604 - 2024), huyện Duy Xuyên đã và đang tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa, là dịp để mỗi người con tìm về cội nguồn, tôn vinh và lan tỏa những giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng vẻ vang của đất và người nơi đây.

Vùng đất có bề dày văn hóa

Năm 1306, khi vua Chiêm Chế Mân giao hai Châu (Châu Ô và Châu Lý) cho Đại Việt đã mở đầu cho những luồng di dân Việt di cư đến vùng đất Quảng Nam. Theo dòng mỡ cõi về phương Nam, các di dân người Việt đã cộng cư cùng với người Chăm để khai lập, tổ chức các làng xã trên vùng đất mới.

Trên cơ sở đó, năm 1471, vua Lê Thánh Tông đã lập ra Đạo Thừa tuyên Quảng Nam. Giáp Thìn năm thứ 47 (1604), Chúa Tiên Nguyễn Hoàng lấy huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong đặt làm phủ Điện Bàn, quản 5 huyện (Tân Phúc, An Nông, Hoà Vang, Diên Khánh, Phú Châu) lệ thuộc vào xứ Quảng Nam. 

Đổi phủ Tiên Bình làm phủ Quảng Bình, phủ Tư Ngãi làm phủ Quảng Ngãi, huyện Lê Giang thuộc phủ Thăng Hoa làm huyện Lễ Dương, huyện Hy Giang làm huyện Duy Xuyên. Kể từ thời điểm đó danh xưng hành chính huyện Duy Xuyên chính thức ra đời.

420 năm Danh xưng Duy Xuyên - vùng đất giàu truyền thống và trù phú- Ảnh 2.

Ông Phan Xuân Cảnh chủ trì buổi hội thảo địa phương về 420 năm Danh xưng Duy Xuyên - Ảnh: D.X

Nhắc lại lịch sử, ông Phan Xuân Cảnh, chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, cho rằng trong sâu thẳm mỗi người dân Duy Xuyên luôn tự hào và mãi mãi ghi ơn những thế hệ tiền nhân khai khẩn, bảo vệ, xây dựng và phát triển vùng đất này tươi đẹp như ngày nay.

Đây cũng là mốc thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu kỹ hơn, sâu sắc hơn và làm rõ nét hơn hệ giá trị của vùng đất, con người Duy Xuyên; về những đóng góp trong tiến trình lịch sử tỉnh Quảng Nam nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng và phát triển bền vững huyện trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Vùng đất nhiều lần được phong tặng Anh hùng

Ông Phan Xuân Cảnh nói thêm qua nhiều giai đoạn lịch sử, qua các giai đoạn chiến tranh, hoà bình và xây dựng đất nước, vùng đất này đã tích tụ các giá trị truyền thống lịch sử, văn hoá, anh hùng cách mạng và cũng là quê hương của nhiều bậc chí sĩ yêu nước, trí thức, văn nhân; luôn kiên cường, vững vàng vượt qua bao gian khó và sáng tạo không ngừng để xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Trong phong trào xây dựng mô hình HTX nông nghiệp, Duy Xuyên có hàng loạt HTX tiêu biểu như Duy Phước, Duy Sơn, Duy Trinh, Duy Hòa với tấm gương Anh hùng Lao động Lưu Ban. Đặc biệt, nhờ thành tích xuất sắc trong sản xuất nông nghiệp, xã Duy Hòa lần thứ 3 được phong tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới.

420 năm Danh xưng Duy Xuyên - vùng đất giàu truyền thống và trù phú- Ảnh 3.

Tái hiện lại Đêm Mỹ Sơn huyền thoại để phục vụ du khách thăm quan Khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn - Ảnh: M.S

Với những thành tích xuất sắc trong công cuộc xây dựng đất nước, năm 1990, huyện Duy Xuyên lần thứ 2 được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.

Nhìn lại chặng đường lịch sử, những hoạt động kỷ niệm sẽ góp phần tạo động lực để Duy Xuyên tiếp tục phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng, để giáo dục truyền thống yêu nước cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; đồng thời khuyến nghị các giải pháp về cơ chế, chính sách, nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực... giúp đưa Duy Xuyên phát triển nhanh và bền vững.

Ông Cảnh cho rằng những hoạt động nghiên cứu, hội thảo, lễ kỷ niệm, văn hoá, nghệ thuật 420 năm Danh xưng Duy Xuyên đã gợi mở cho huyện những định hướng, chương trình, kế hoạch trong thời gian tới để tiếp tục khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử, văn hóa, ý chí, bản lĩnh kiên cường, tinh thần cách mạng, khát vọng vươn lên của vùng đất và con người nơi đây, đẩy mạnh tinh thần đổi mới, sáng tạo, góp phần xây dựng Duy Xuyên trở thành thị xã vào năm 2030.

420 năm Danh xưng Duy Xuyên - vùng đất giàu truyền thống và trù phú- Ảnh 4.

Lễ hội Bà Chiêm Sơn được huyện Duy Xuyên tổ chức hằng năm nhằm bảo tồn văn hóa dân tộc - Ảnh: M.S

Ba hoạt động chính kỷ niệm 420 năm Danh xưng Duy Xuyên

1. Hội thảo khoa học Quốc gia "Duy Xuyên trong tiến trình lịch sử dân tộc" sẽ được tổ chức vào ngày 30-6.

Tham gia có hơn 60 đại biểu khách mời là các giáo sư, tiến sĩ, các nhà quản lý, nghiên cứu khoa học, lịch sử văn hóa tại các cơ quan nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học, Viện Nghiên cứu... Hội thảo nhận được 118 tham luận của 250 tác giả đến từ 60 cơ sở Đại học, Viện nghiên cứu.

2. Chương trình nghệ thuật chủ đề "Tự hào một dải gấm hoa" tổ chức tại sân vận động Chợ Chùa (thị trấn Nam Phước) và truyền hình trực tiếp trên Đài QRT tối 19-8 gồm 3 chương: Chương 1: "Cội nguồn"; Chương 2: "Đất và Người Duy Xuyên"; Chương 3 : "Duy Xuyên ngày mới". Chương trình có sự tham gia của ca sĩ Anh Thơ, ca sĩ Quang Hào và các ca sĩ là người con Duy Xuyên, diễn viên Phòng Văn hóa văn nghệ Dân gian Chăm Mỹ Sơn.

3. Lễ kỷ niệm 420 năm Danh xưng Duy Xuyên tổ chức lúc 8h ngày 20-8 tại Trung tâm Văn hóa Duy Xuyên.

420 năm Danh xưng Duy Xuyên - vùng đất giàu truyền thống và trù phú - Ảnh 5.

Khu đô thị thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên ngày càng khang trang, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, phục vụ sản xuất kinh doanh, đời sống người dân - Ảnh: D.X

Những kết quả nổi bật

Tổng sản xuất lượng thực luôn duy trì ở mức hơn 50.000 tấn/năm, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt hơn 1.600 tỉ đồng, đảm bảo người dân có cuộc sống ổn định. Chú trọng phát triển các khu, cụm công nghiệp nhằm giải quyết lao động, thay đổi cán cân cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần về tỷ trọng công nghiệp với giá trị sản xuất gần 4.300 tỉ đồng/năm.

Nhờ tập trung chú trọng phát triển du lịch dịch vụ, mỗi năm huyện thu hút trên 400 ngàn lượt khách, trong đó khách quốc tế trên 60%. Mỗi năm, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đóng góp ngân sách huyện hơn 600 tỉ đồng.

Huyện Duy Xuyên đã về đích huyện nông thôn mới vào năm 2020. Toàn huyện hiện có 33 thôn được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện phấn đấu đến năm 2025 sẽ là huyện nông thôn mới nâng cao. Nhờ kinh tế chuyển biến tích cực, năm 2023 thu nhập bình quân đầu người đạt gần 60 triệu đồng, tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,06%.

420 năm Danh xưng Duy Xuyên - vùng đất giàu truyền thống và trù phú - Ảnh 6.Huyện Duy Xuyên: Phát triển kinh tế đi đôi đảm bảo an sinh xã hội

Năm 2023, nhờ phát huy tinh thần đoàn kết, sự quan tâm chỉ đạo của huyện ủy, HĐND huyện, UBND huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai kịp thời, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên