29/11/2018 12:00 GMT+7

42,8 tỉ USD doanh số nội địa hút mạnh nhà đầu tư nước ngoài

TRẦN VŨ NGHI
TRẦN VŨ NGHI

TTO - Với doanh số tiêu thụ tại thị trường nội địa ước xấp xỉ 42,8 tỉ USD, các doanh nghiệp trong nước đang đẩy mạnh việc phát triển sản phẩm nhằm thu hút người tiêu dùng.

42,8 tỉ USD doanh số nội địa hút mạnh nhà đầu tư nước ngoài - Ảnh 1.

Chú thích ảnh:Không chỉ có doanh nghiệp trong nước, thị trường thực phẩm đồ uống VN hiện thu hút rất đông nhà đầu tư khắp nơi trên thế giới quan tâm, tìm hiểu tại các hội chợ, triển lãm chuyên ngành - Ảnh:Q.ĐỊNH

Trở thành điểm đến hấp dẫn cho mọi nhà đầu tư, ngành sản xuất thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam với mức tăng trưởng xấp xỉ 18%/năm trong năm 2017 trở thành một trong những thị trường có sức tiêu thụ ngành hàng thực phẩm - đồ uống vô cùng tiềm năng để thu hút người tiêu dùng.

Tăng đầu tư vì thị trường hấp dẫn

Sau một thời gian nghiên cứu, cập nhật các xu hướng ăn uống trong và ngoài nước, nắm bắt tâm lý của người tiêu dùng, Công ty Vissan đã quyết định đưa ra thị trường 13 sản phẩm mới được chia thành 4 nhóm với những đặc tính khác nhau, phù hợp với từng đối tượng khách hàng mục tiêu khác nhau.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, phó phòng thị trường Công ty Vissan, cho biết những sản phẩm này mang đến tiện ích cũng như trải nghiệm mới, đồng thời đáp ứng nhu cầu sử dụng khi đánh vào phân khúc ăn vặt của giới trẻ và bữa cơm gia đình.

Không chỉ có Vissan, một loạt các công ty chế biến thực phẩm khác như Thiên Long, Cầu Tre, Saigon Food... cũng tung sản phẩm mới ra thị trường, chuẩn bị cho mùa tiêu thụ lớn nhất diễn ra vào cuối năm sắp đến.

Theo ông Đỗ Thắng Hải, thứ trưởng Bộ Công thương, thời gian gần đây đã ghi nhận việc ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam có sự tăng trưởng đều đặn với mức tăng của chỉ số sản xuất công nghiệp trung bình giai đoạn 2013-2017 đạt 6,82%/năm đối với thực phẩm chế biến và 9,76% đối với đồ uống. 

Nếu tính riêng trong 10 tháng năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp thực phẩm chế biến và đồ uống tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng khoảng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Hiện nay, thực phẩm và đồ uống đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của  người tiêu dùng Việt Nam, chiếm khoảng 35% mức chi tiêu. Giá trị tiêu thụ thực phẩm hàng năm của Việt Nam ước tính khoảng 15% GDP và đang có xu hướng tăng lên khi mà mức thu nhập được cải thiện, thói quen mua sắm thực phẩm chế biến sẵn và xu hướng sử dụng thực phẩm tự nhiên, hữu cơ ngày càng phổ biến", ông Hải thông tin.

Theo ông Vũ Văn Chung, phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), đến nay, tổng số vốn đăng ký đầu tư lũy kế của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực chế biến thực phẩm ước đạt 11,2 tỉ USD cho 717 dự án (không kể các dự án mua cổ phần và M&A).

Phần lớn dự án FDI vào lĩnh vực chế biến thực phẩm tập trung ở các tỉnh thành lớn và các địa phương phía Nam như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Tỉ trọng đầu tư FDI vào công nghiệp chế biến thực phẩm có độ chênh lệch cao giữa các ngành nghề, thường tập trung chủ yếu vào các dự án thu hồi vốn nhanh như chế biến nông sản, bia rượu đồ uống, chế biến thủy hải sản…

"Dù đã có những chính sách ưu đãi đầu tư, nhưng ngành chế biến thực phẩm của Việt Nam hiện vẫn chưa thu hút được nhiều đầu tư từ các nước có ngành công nghiệp chế biến thực phẩm mạnh như Nhật, Mỹ, Australia và các nước EU. Nguồn FDI hiện nay chủ yếu vẫn đến từ các nước có công nghệ chưa thực sự phát triển cao", ông Chung xác nhận.

Trở ngại lớn nhất hiện nay, theo ông Chung, là nguồn nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng được sản xuất của các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, chẳng hạn như ngành sữa chỉ đáp ứng được khoảng 25%, 90% nguyên liệu dầu ăn phải nhập khẩu....

Thị trường trong nước 42,8 tỉ USD

Bbà Trần Kim Oanh, giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phát triển Công thương (Cục Xúc tiến thương mại), cho hay không chỉ tiêu thụ trong nước có quy mô 42,8 tỉ USD, ngành chế biến thực phẩm trong nước còn xuất khẩu khoảng 22,4 tỉ USD với ti suất sinh lời của ngành khá cao.

Lựa chọn xu hướng  chế biến thủy sản, sữa và sản phẩm từ sữa, chế biến rau quả, đồ uống không cồn, các doanh nghiệp khi tham gia vào ngành chế biến thực phẩm đều thường lựa chọn các ngành nói trên để đầu tư, xây dựng nhà máy.

"Thói quen sử dụng các sản phẩm thực phẩm chế biến đã hình thành và phát triển nhanh. Nhu cầu của người tiêu dùng đối với thực phẩm chế biến ngày càng lớn và đa dạng. Đây chính là cơ hội để phát triển mạnh ngành công nghiệp chế biến thực phẩm trong nước", bà Oanh chia sẻ.

Chưa kể, một số ngành còn nhiều dư địa để phát triển, đơn cử như ngành sữa, nhu cầu tiêu thụ sữa quy ra sữa tươi được bà Oanh dự báo tăng và đạt mức 27-28 lít/người/năm vào năm 2020. 

Hay với lĩnh vực bánh kẹo, mức tiêu thụ bánh kẹo tại Việt Nam trong những năm tới được dự báo tăng khoảng 10%/năm so với mức tăng trung bình của khu vực là 3%/năm và của thế giới là 1-1,5%/năm, "chính là cơ hội để cho tất cả các doanh nghiệp tăng trưởng nếu có sự đầu tư nghiêm túc", bà Oanh nhận xét.

"Khi các hiệp định thương mại mà Việt Nam vừa ký kết sắp đi vào thực thi sẽ mở ra thị trường rộng lớn cho cả các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam nói chung và cho các doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến thực phẩm nói riêng.

Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước còn thiếu và không ổn định, nguyên liệu nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn sẽ dẫn đến các doanh nghiệp không chủ động được số lượng, chất lượng, giá nguyên liệu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh" – Ông Đỗ Thắng Hải - thứ trưởng Bộ Công thương


TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên