04/04/2018 08:07 GMT+7

41 ứng viên GS, PGS bị loại đã 'lọt cửa hội đồng ra sao?

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Kết quả rà soát hồ sơ ứng viên giáo sư, phó giáo sư cho thấy có những thiếu sót thấy ngay khi hồ sơ thiếu những yêu cầu 'cứng' như: chứng minh vai trò thỉnh giảng của ứng viên.

41 ứng viên GS, PGS bị loại đã lọt cửa hội đồng ra sao? - Ảnh 1.

Các tân PGS trong một lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS - Ảnh: N.KHÁNH

Có những trường hợp từ đơn thư khiếu kiện, thanh tra phát hiện những minh chứng đã có của trong hồ sơ không hoàn toàn... thật.

Thực sự ai cũng muốn mình được, nhưng trong 41 người không đủ điều kiện có đến 20 người xin rút thì rõ ràng đã có nhiều người tự thấy mình không đủ điều kiện

Ông Nguyễn Huy Bằng (chánh thanh tra Bộ GD-ĐT)

Không nhớ dạy lớp nào!

Có ứng viên khai dạy hàng trăm tiết, nhưng khi được hỏi thì không biết dạy lớp nào, thời khóa biểu ra sao. Đoàn kiểm tra phải đến cơ sở đào tạo yêu cầu nhà trường cung cấp thời khóa biểu, chứng từ thanh toán tiền dạy... Nhiều cơ sở đào tạo đã không có những minh chứng này dù trước đó đã... xác nhận giờ giảng cho ứng viên.

Theo quy định về thâm niên của giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) phải tính bằng giờ giảng đối với trình độ đại học, tức là phải dạy các lớp đại học, thạc sĩ hoặc tiến sĩ. Song, thực tế có ứng viên lại kê khai dạy chương trình bồi dưỡng, dạy cao đẳng.

Có ứng viên khai giảng dạy tại học viện âm nhạc, nhưng gộp cả việc đào tạo từ... trình độ trung cấp trở lên. Thậm chí có trường hợp khi xác minh giờ giảng thì vị hiệu trưởng có tên dưới chữ ký xác nhận trong hồ sơ ứng viên thông báo có dấu hiệu "đây không phải chữ ký của mình".

Tuy nhiên, theo một chuyên gia giáo dục, kết quả rà soát cho thấy các ứng viên bị loại chủ yếu không đạt chuẩn về giờ giảng phần lớn cũng bởi việc rà soát mới chỉ tập trung vào việc sàng lọc các minh chứng, giấy tờ trên hồ sơ.

Còn nếu rà soát cả hồ sơ, cả chuyên môn, hoặc chỉ cần kiểm tra trình độ tiếng Anh thì kết quả có thể sẽ "rất khác".

không đủ thời gian?

GS Trần Văn Sung, phó chủ tịch hội đồng chức danh GS liên ngành hóa học - công nghệ thực phẩm, cho biết trong số 5 ứng viên thuộc hội đồng không được công nhận, có người hợp đồng ghi môn này nhưng thanh lý hợp đồng, chứng từ thanh toán tiền giảng dạy lại ghi môn khác.

Khi kiểm tra thì môn ghi trong hợp đồng đã ký lại không có tên trong chương trình đào tạo của trường đại học.

Theo GS Sung, đáng lẽ là nơi "phải nắm chắc vì họ là người hiểu ứng viên nhất", nhưng lại bỏ qua. Về phía hội đồng ngành cũng phải rút kinh nghiệm để có nhiều thời gian rà soát hồ sơ hơn.

Ví dụ năm 2017, hội đồng liên ngành hóa học - công nghệ thực phẩm có hơn 100 hồ sơ ứng viên, nhưng thời gian từ lúc nhận hồ sơ cho đến khi họp xét duyệt chỉ gần hai tuần. Sau đó, hội đồng họp tập trung trong một ngày rưỡi để xét duyệt.

Hội đồng có 13 thành viên, mỗi hồ sơ ứng viên phải có 3 thành viên thẩm định, tính trung bình mỗi thành viên phải thẩm định 26 hồ sơ. Mỗi hồ sơ dày hàng trăm trang nên "thời gian rà soát như vậy là chưa đủ kỹ".

"Nguyên tắc của hội đồng khi thẩm định là "phản biện kín" nên không thể lộ diện để liên hệ hoặc đến tận cơ sở đào tạo, hội đồng cơ sở rà soát, đối chứng. Trên cơ sở hồ sơ được gửi từ hội đồng cơ sở, các hội đồng ngành chỉ có thể rà soát hồ sơ đủ hay không đủ, đạt hay không đạt, chứ không thể thẩm định thật hay không thật..." - GS Sung phân tích.

GS Đặng Ứng Vận - thành viên Hội đồng chức danh GS nhà nước - cũng cho rằng cần phân lập trách nhiệm rõ hơn, cao hơn với các hội đồng cơ sở trong việc rà soát hồ sơ.

"Hội đồng cơ sở là hội đồng sàng lọc đầu tiên, số lượng ứng viên ít, lại là cơ sở đào tạo đại học nên có điều kiện để rà soát kỹ hồ sơ, chứ không thể "cho qua" hết, rồi đẩy trách nhiệm lên hội đồng ngành.

Hội đồng ngành với vai trò là cơ quan chuyên môn cao nhất sẽ có trách nhiệm nặng về chuyên môn. Trong đổi mới quy trình, tiêu chuẩn chức danh GS, PGS tới đây cần có những thay đổi để khắc phục những bất cập lộ ra sau cuộc rà soát này" - GS Vận kiến nghị.

Hội đồng ngành, hội đồng cơ sở: "Phải rút kinh nghiệm"

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Huy Bằng - chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, trưởng đoàn kiểm tra ứng viên GS, PGS năm 2017 - cho biết phần lớn ứng viên không đủ điều kiện công nhận đều có hồ sơ không chuẩn xác theo quy định. Thậm chí có trường hợp "tạo dựng" hợp đồng, thanh lý hợp đồng và một số tài liệu khác để "chứng minh" mình đã thực giảng (?!).

Việc rà soát lần này tập trung nhiều vào vấn đề thâm niên giảng dạy, bởi đoàn chỉ "tập trung vào đánh giá hồ sơ, chứ không có thẩm quyền đánh giá về chuyên môn".

Với ứng viên thỉnh giảng, theo quy định để xem xét đạt chuẩn chức danh GS, PGS phải có hợp đồng, thanh lý hợp đồng hoặc có nhận xét đánh giá của hiệu trưởng cơ sở giảng dạy. Tuy nhiên, nhiều ứng viên trong hồ sơ thiếu hợp đồng, thiếu thanh lý hợp đồng. Có trường hợp ứng viên kê khai trong hồ sơ là tác giả của giáo trình rất cụ thể, nhưng khi kiểm tra thực tế thì giáo trình này chưa được hiệu trưởng trường đại học lựa chọn sử dụng...

Với kết quả rà soát sau quá trình xác minh liên tục gần một tháng, đoàn thẩm tra cũng đã kịp thời kiến nghị bộ trưởng Bộ GD-ĐT có hình thức chấn chỉnh cơ sở giáo dục chưa thực hiện tốt quy định 44 về thỉnh giảng, vi phạm quy định trong việc xác nhận giờ giảng cho ứng viên.

Đặc biệt, đoàn cũng kiến nghị Hội đồng chức danh GS nhà nước có những giải pháp phù hợp rút kinh nghiệm với các hội đồng cơ sở, hội đồng ngành để việc xét công nhận tiêu chuẩn ứng viên GS, PGS chính xác hơn.

41 ứng viên GS, PGS bị loại, các hội đồng có "vô can"?

TTO - Một số thành viên hội đồng ngành cho rằng hội đồng chỉ xét duyệt trên hồ sơ, còn tính chính xác hồ sơ đến đâu thì hội đồng cũng... chịu, không kiểm soát được.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên