Khách nước ngoài lưu trú ở một căn biệt thự chia sẻ phòng cho khách thuê dạng homestay ở Hội An, Quảng Nam - Ảnh: T.T.D.
Sáng sớm một ngày tháng 7 vừa qua, người dân đi tập thể dục tại hẻm 86 Phổ Quang, quận Tân Bình (TP.HCM) bức xúc thấy những ghế đá để cư dân ngồi nghỉ, đánh cờ tướng thư giãn... bị lật ngửa chỏng chơ.
Cạnh đó, nhiều thùng rác trước nhà dân cũng bị đá bung tung tóe khắp nơi. Xem lại camera khu phố, người ta ngạc nhiên thấy thủ phạm quậy phá lại là một thanh niên da trắng, tóc đỏ.
Câu chuyện những "anh Tây" sang ta "quậy đêm" như thế không phải là hiếm. Chỉ sau đó ít ngày, ở Lâm Đồng người dân cũng chứng kiến hai chàng trai nước ngoài sơn vẽ bậy ở khu vực chợ Đà Lạt.
Điều đáng nói là việc điều tra xử lý những vụ việc liên quan đến người nước ngoài nói trên đều đi vào ngõ cụt. Họ tạm trú tại địa phương hay từ đâu tới? Hành động phá phách vì mục đích gì và đã bị xử lý như thế nào? Những thắc mắc này không được thông tin sau đó.
Và câu chuyện xảy ra mới đây tại khu đô thị ở TP Hải Phòng lại khác. Việc gần 400 người Trung Quốc biến khu đô thị mới thành nơi đánh bạc tới hàng chục ngàn tỉ đồng thì không như hai vụ quậy phá kể trên.
Dẫn độ gần 400 nghi phạm Trung Quốc trong vụ đánh bạc ngàn tỷ về nước bằng đường bộ
Cần có lời giải khẩn trương, nghiêm túc về chuyện này. 400 người vận hành đường dây đánh bạc trực tuyến này đã được trao trả về Trung Quốc nhưng sức nóng của vụ việc ở Hải Phòng vẫn còn đó. Dư luận đặt vấn đề trách nhiệm quản lý địa bàn của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
Vì sao từ khi khu đô thị Our City được xây dựng (năm 2005) đến nay, người của chính quyền sở tại hiếm khi ghé qua? Vì sao trong số gần 400 người nước ngoài lưu trú, vận hành đường dây đánh bạc ngàn tỉ ấy chỉ có 19 người đăng ký tạm trú, còn lại là cư trú chui? Công tác quản lý địa bàn, việc quản lý người nước ngoài đã bị lơi lỏng nhiều năm?
Có nhiều nguyên nhân công tác quản lý người nước ngoài bị buông lỏng. Vẫn còn thiếu những quy định, hướng dẫn mang tính pháp lý cụ thể, lực lượng chức năng mỏng và không giỏi ngoại ngữ cũng như lo ngại ảnh hưởng đến đối ngoại và chính sách thu hút đầu tư...
Nhưng phải chăng nguyên nhân chính vẫn là thiếu sâu sát trong quản lý địa bàn, quản lý cư trú? Biểu hiện là lực lượng chức năng ở cơ sở thường ngại tiếp xúc, đùn đẩy việc xử lý vi phạm liên quan đến người nước ngoài cho cấp trên.
Trong thời đại hội nhập và đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp, lượng du khách quốc tế tăng không ngừng, chúng ta cũng cần chủ động, sẵn sàng đối phó với các tình huống tiêu cực, xâm hại lợi ích, chủ quyền quốc gia và trật tự xã hội liên quan đến người nước ngoài hay có yếu tố nước ngoài.
Cần có những quy định chặt chẽ, phù hợp thông lệ quốc tế nhưng bảo đảm chế tài nghiêm khắc và minh bạch.
Nếu cứ đợi đến năm 2020 Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam mà không "chạy" từ bây giờ bằng cách rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm quản lý địa bàn... ai dám chắc sẽ không tiếp tục xuất hiện những vụ "Our City" khác nữa?!
Thời gian qua, cùng với phát triển du lịch và hoạt động đầu tư nước ngoài, nhiều địa phương đã “giật mình” nhìn lại việc quản lý người nước ngoài và hoạt động có yếu tố nước ngoài còn nhiều lúng túng.
Nhiều nơi, người nước ngoài mua nhà đất, tổ chức kinh doanh trái phép, tổ chức tour du lịch, thực hiện thanh toán chuyển tiền ra nước ngoài không qua ngân hàng Việt Nam, thậm chí gây rối an ninh trật tự…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận